Hy Lạp nóng với cơn sốt 'vàng lỏng'

(PLO)- Giá dầu olive – "vàng lỏng" ở Hy Lạp – tăng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu dầu olive ở nước này nâng cao giá trị sản phẩm, nhưng cũng khiến nạn trộm cắp tăng theo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ở Messini – một thị trấn yên tĩnh ở phía tây nam Peloponnese (Hy Lạp), nhà máy dầu olive của ông Panagiotis Mitseas rất nhộn nhịp.

Người dân địa phương mang bao tải olive mới thu hoạch đến nhà máy và kiên nhẫn chờ đợi sản phẩm của họ được cân, rửa, cắt lát và nghiền nát để ép dầu, theo tờ Financial Times.

Khung cảnh người dân vui vẻ sau khi thu hoạch olive đã được lặp đi lặp lại ở Hy Lạp trong nhiều thiên niên kỷ qua. Tuy nhiên, thời điểm này ông Mitseas lại không vui.

“Tôi chưa từng thấy một năm tồi tệ nào như năm 2023 trong 6 thập niên làm việc của mình” – ông Mitseas nói.

ftcms_958d83c0-9428-476f-8bc1-baf48208ec09.jpg
Một nhà vườn ở Hy Lạp thu hoạch olive. Ảnh: Financial Times

Ông giải thích rằng sản lượng olive đã giảm hơn 2/3 vì thời tiết ấm áp bất thường.

“Thay vì nghỉ ngơi trong những tháng mùa đông, những cây olive giờ lại ra trái. Nhưng chúng không có nhiều nước” – ông Mitseas vừa nói vừa lấy một quả olive từ trong bao tải ra để minh họa.

Tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu vượt ra khỏi thị trấn Messini.

Trên khắp khu vực Địa Trung Hải, năng suất cây trồng đã giảm trong 2 năm qua do thời tiết thay đổi thất thường. Trong khi đó, trong mùa hè năm 2023, khoảng 50.000 cây olive trên đảo Rhodes đã bị thiêu rụi do cháy rừng, gây thiệt hại lớn cho nông dân địa phương.

Năng suất giảm khiến giá dầu olive tăng vọt, lên khoảng 9.000 euro (hơn 240 triệu đồng)/tấn.

Điều này đã khiến những tên trộm nhắm tới dầu olive.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng cũng có mặt tích cực đối với Hy Lạp. Giá dầu olive ngày càng tăng thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu trực tiếp dầu olive ra nước ngoài, thay vì bán cho các thương hiệu nổi tiếng của Tây Ban Nha và Ý.

Nạn trộm cắp olive tăng

Cây olive có mối liên hệ mật thiết trong lịch sử và thần thoại Hy Lạp.

Tên của thủ đô Athens cũng có liên quan cây olive. Thần thoại kể rằng khi thần Poseidon và thần Athena tranh xem ai dành được sự ưu ái của TP nhiều hơn, thần Athena đã tặng cho TP một cây olive và được TP tôn vinh là thần bảo hộ của nơi này.

Ngoài ra, nhà thơ Hy Lạp cổ đại Homer còn gọi dầu olive làvàng lỏng của Hy Lạp.

Tuy nhiên, loại “vàng lỏng” này đang khiến thị trường Hy Lạp biến động. Theo đó, đợt tăng giá gần đây đang bắt đầu làm gián đoạn hoạt động buôn bán trái olive – vốn là trung tâm của đời sống người Hy Lạp.

Ông Mitseas cho biết nhà máy của ông đã bị trộm. Bọn trộm đã lấy đi 100 lít dầu trị giá hàng trăm euro. Đây cũng là lần đầu tiên ông bị trộm trong 60 năm làm nghề.

Để chống lại bọn trộm, một số nông dân đã thử nghiệm gắn thiết bị theo dõi GPS trong các thùng đựng trái olive. Các siêu thị cũng bắt đầu lắp cơ chế chống trộm vào các thùng chứa dầu olive, như thể chúng là những chai rượu whisky hoặc rượu đắt tiền cần được bảo vệ.

H2HNSRBWJJJ63KV75QU6Z53IBQ.jpg
Người dân thu hoạch olive ở Kalamata (Hy Lạp). Ảnh: REUTERS

Thậm chí, trước đây, chính quyền còn không lưu giữ dữ liệu riêng về các vụ trộm dầu olive vì chúng rất hiếm. Ông Constantina Dimoglidou – người phát ngôn của cảnh sát Hy Lạp – cho biết: “Hiện nay có 3 hoặc 4 vụ trộm mỗi tuần. Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến những vụ trộm cắp như vậy trước đây”.

Ông Neilos Papachristou là chủ một nhà máy dầu olive và là chủ một khu vườn trồng loại cây này. Ông cho biết những tên trộm đã dùng cưa máy để trộm quả trong vườn ông.

“Những tên trộm chọn những cành cây nặng trĩu và cưa chúng. Chúng không chỉ ăn trộm olive của chúng tôi mà còn gây hại nghiêm trọng cho cây. Phải mất 4 đến 5 năm cây mới trở lại bình thường” – ông Papachristou nói với đài Euronews.

Ông Christos Bekas – chủ của vườn 5.000 cây olive – cũng bị trộm. Sau nhiều lần bị bọn trộm tấn công, ông đã quyết định thu hoạch olive sớm hơn thường lệ.

“Năm ngoái, 3,7 kg olive sẽ sản xuất được 1 kg dầu. Bây giờ gần 10 kg olive cho 1 kg dầu. Với 600 kg olive của tôi, tôi sẽ ép được 60 kg dầu, trong khi năm trước tôi ép được được 180 kg dầu” – ông Bekas nói.

Cơ hội nâng cao giá trị

Tuy nhiên, tác động của khí hậu và giá cả tăng đột biến cũng giúp người Hy Lạp tìm ra cách thu được nhiều giá trị từ cây olive.

Theo ông Giorgos Economou – tổng giám đốc của tập đoàn dầu olive Sevitel có trụ sở tại Athens, khoảng 82% trong số 300.000 tấn sản lượng dầu hàng năm của Hy Lạp là dầu olive nguyên chất chất lượng cao. Tuy nhiên, phần lớn lượng dầu này không được sử dụng làm hàng xuất khẩu mang thương hiệu của Hy Lạp. Chúng được các doanh nghiệp của Ý và Tây Ban Nha mua lại.

“Chúng ta đừng đổ lỗi cho người Tây Ban Nha và người Ý độc ác, mà cần xem lại sự bất lực của chúng ta trong việc tăng thêm giá trị cho dầu olive của Hy Lạp và bán nó” – ông Economou nói.

Ông Yannis Bardis là một trong số những người nhận thấy tiềm năng thương mại chưa được khai thác của dầu olive Hy Lạp. Năm 2018, ông Bardis trở lại quê nhà Sparta (Hy Lạp) và xây dựng nhà máy lớn nhất khu vực, tạo dựng thương hiệu xuất khẩu và chế biến dầu olive Sparta Gourmet.

“Tôi muốn mang lại cho dầu olive Hy Lạp giá trị xứng đáng. Khi giá đạt đỉnh vào năm ngoái, các công ty Ý đã đề nghị tôi bán cho họ với số lượng lớn để tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, tôi không đồng ý và bắt đầu dấn thân vào ngành sản xuất dầu olive đóng chai” – ông Bardis nói.

Bà Cristina Stribacu – chủ sở hữu của hãng dầu olive cao cấp LIÁ – cũng cho rằng Hy Lạp đã chưa biết cách khai thác triệt để giá trị dầu olive.

Vàng lỏng dầu olive
Dầu olive được sản xuất tại một nhà máy ở Filiatra (Hy Lạp). Ảnh: REUTERS

“Thay vì lợi dụng việc thiếu sản phẩm của Ý và Tây Ban Nha để đưa dầu olive Hy Lạp lên kệ của các siêu thị quốc tế, chúng tôi lại giúp các nước này giữ vững vị trí của họ, bằng cách bán dầu olive cho họ với số lượng lớn. Các nhà sản xuất Hy Lạp ưu tiên lợi nhuận trước mắt mà không đầu tư vào tương lai” – bà Stribacu nói.

Tuy nhiên, ngay cả khi giá cao, việc thành lập một doanh nghiệp xuất khẩu dầu olive cũng không phải là điều dễ dàng.

Ông Spyros Papadatos – chủ một vườn olive ở Sparta – cho biết ông không khuyến khích đầu tư vào việc đóng chai và xuất khẩu dầu olive do chi phí lao động, nhiên liệu và phân bón tăng cao.

Đồng tình, ông Philippe Papastratos – chủ một cơ sở xuất khẩu dầu olive Hy Lạp – cho biết doanh nghiệp ông phải ngừng hoạt động trong năm nay vì chi phí tăng cao.

Ngay cả doanh nhân Bardis cũng không chắc chắn về tương lai dự án của mình. “Trước đây, kiểu đầu tư này sẽ kéo dài ít nhất 3 thế hệ, nhưng bây giờ tôi không chắc nó sẽ kéo dài bao lâu” – ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm