The Guardian nhấn mạnh, “chỉ toàn thấy nước mắt và nước mắt”. Nhiều cảnh phát sóng trực tiếp ngoài thực địa - nơi cơ quan tìm kiếm liên tiếp phát hiện “thứ gì đó quen quen” - khiến tiếng nhiều người chợt la hét thất thanh, rồi họ ôm chầm, siết chặt lấy nhau và vỡ òa trong tiếng nấc nghẹn ngào. Khi truyền hình chiếu cảnh một “thi thể” được phát hiện nổi trên biển, đã có ít nhất hai người được đưa vào bệnh viện cấp cứu do kiệt sức và ngất xỉu, trong khi một người khác bật chạy ra ngoài la hét.
Ông Munif, 50 tuổi, là anh của Siti Rahmah - một nạn nhân xấu số của máy bay AirAsia, cho biết ông đã cố gắng rất nhiều để giữ bình tĩnh cho mình và các gia đình khác. “Không khí vô cùng hỗn loạn khi các cảnh quay của một xác chết được hiển thị. Mọi người bị kích động và trở nên cuồng loạn” - ông Munif cho hay.
Một người đàn ông Indonesia có vợ là hành khách trên chuyến bay QZ8501 đã gặp nạn. Ảnh: NBCNEWS
Ông Dwijanto, người cha ở độ tuổi 60 nức nở chia sẻ với AFP: “Trái tim tôi sẽ bị giằng xé tan nát nếu đứa con trai thân yêu của tôi đã mất”. Khủng hoảng không kém, ông Haidar Fauzi, cha của một nữ tiếp viên mất tích Khairunisa Haidar Fauzi, cho biết ông không còn chút hy vọng nào rằng con mình còn sống.
Bà Soelistyowati, người có hai người cháu trên chuyến bay QZ8501, cho biết: “Chúng tôi bị sốc! Chúng tôi đang phải đối mặt với một bi kịch rất có thể sẽ chuẩn bị ập đến”. Tuy nhiên, ngay cả khi niềm hy vọng còn rất mong manh bởi các thi thể chưa được tìm thấy thì vị này nhấn mạnh “gia đình chúng tôi vẫn hy vọng rằng người thân của mình vẫn còn sống sót”, dù chưa biết họ sống bằng một phép màu nào đó.