Chiếc Boeing 737 Max 8 mang số hiệu JT610 của hãng hàng không tư nhân giá rẻ Lion Air cất cánh ở Jakarta lúc 6 giờ 20 sáng trong điều kiện thời tiết tốt, dự kiến sẽ hạ cánh xuống tỉnh Bangka-Belitung lúc 7 giờ 20.
Tuy nhiên, chiếc máy bay đã không bao giờ đến nơi, mang theo 189 người xuống biển sau khi cất cánh chỉ 13 phút.
Dữ liệu từ trang web theo dõi các chuyến bay FlightRadar24 cho thấy chiếc máy bay có dấu hiệu gặp trục trặc từ phút thứ hai sau khi cất cánh. Thời điểm đó, chiếc máy bay đạt độ cao 610 m.
Chiếc máy bay vỡ tung khi rơi xuống nước. Mảnh vỡ được vớt lên. Ảnh: REUTERS
Sau đó chiếc máy bay hạ độ cao xuống còn 152 m và nghiêng sang trái trước khi tăng độ cao lên 1.524 m, rồi duy trì ở độ cao này gần như suốt thời gian bay còn lại.
Ở những thời khắc cuối cùng, chiếc máy bay bắt đầu tăng tốc và đạt vận tốc 638 km/giờ trước khi mất liên lạc. Thời điểm mất liên lạc, máy bay ở độ cao 1.113 m.
Reuters dẫn một số nguồn tin quan chức Indonesia nhận định chiếc máy bay đã rơi xuống độ sâu 30-35 m.
Trực thăng được huy động tìm kiếm, cứu hộ. Ảnh: REUTERS
Dữ liệu này khớp với thông tin AP dẫn từ một nguồn tin quan chức Indonesia rằng phi công đã yêu cầu cho máy bay quay trở lại sân bay sau khi máy bay vừa cất cánh được 2-3 phút nhưng không kịp.
“Đúng là có yêu cầu quay trở lại sân bay và yêu cầu này đã được đồng ý, chúng tôi vẫn đang cố tìm hiểu lý do tại sao. Chúng tôi hy vọng hộp đen không xa nơi xuất hiện các mảnh vỡ và chúng tôi có thể tìm được sớm” - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Indonesia Soerjanto Tjahjono nói với báo chí chiều nay.
Họp báo chiều nay, ông Muhmmad Syaugi (Trưởng Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Indonesia) cho biết không hề nhận được tín hiệu cấp cứu nào từ thiết bị truyền phát khẩn cấp của máy bay.
Đã vớt được một số thi thể nạn nhân. Ảnh: REUTERS
Vẫn chưa xác định được địa điểm chính xác chiếc máy bay rơi. Nỗ lực tìm kiếm các hộp đen, một ghi âm giọng nói trong buồng lái và một hộp ghi âm dữ liệu chuyến bay, đang là một thách thức lớn với các nhà điều tra Indonesia.
Theo quy định quốc tế thì Cơ quan An toàn hàng không Quốc gia Mỹ và các cố vấn kỹ thuật Boeing sẽ hỗ trợ Indonesia điều tra. Boeing hôm nay đã ra tuyên bố chia buồn với mất mát này và cho biết sẵn sàng hỗ trợ điều tra.
Người thân nạn nhân đau đớn chờ tin. Ảnh: REUTERS
Giám đốc điều hành (CEO) Edward Sirait của Lion Air cho biết chiếc máy bay đã được phát hiện có một “lỗi kỹ thuật” trong chuyến bay trước đó, tuy nhiên lỗi này đã được khắc phục.
“Các kỹ sư ở Jakarta nhận được thông tin ghi chú và đã có thêm lần kiểm tra sửa chữa nữa trước khi cho chiếc máy bay cất cánh ngày 29-10. Đây là thủ tục thông thường với mọi máy bay” - theo CEO Sirait.
Giám đốc điều hành Edward Sirait của Lion Air họp báo hôm nay sau tai nạn. Ảnh: REUTERS
Ông Sirait không nói rõ lỗi kỹ thuật này là gì, chỉ cho biết không chiếc nào trong số 10 chiếc Boeing 737 Max 8 còn lại của Lion Air mắc lỗi này. Ông Sirait cho biết Lion Air không có kế hoạch ngưng khai thác toàn bộ các chiếc Boeing 737 Max 8 còn lại của mình.
Lion Air cho biết chiếc máy bay bị nạn vừa được đưa vào khai thác hồi tháng 8. Hai phi công trưởng (người Ấn Độ) và phó (người Indonesia) đều rất có kinh nghiệm với tổng cộng 11.000 giờ bay.
Đây là tai nạn thảm khốc nhất của Lion Air từ khi hoạt động (năm 1999) đến nay. Trước tai nạn này, Lion Air từng xảy ra một tai nạn chết người năm 2004. Một chiếc MD-82 gặp nạn trong khi hạ cánh làm 25 trong tổng số 163 người trên máy bay thiệt mạng.
Vụ tai nạn hôm nay của Lion Air là thảm họa hàng không nghiêm trọng nhất của Indonesia xảy ra kể từ năm 1997, khi một chiếc Airbus A300 của hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia rơi làm 214 người thiệt mạng.
Vật dụng, giấy tờ cá nhân nạn nhân được vớt lên. Ảnh: AFP
Với Tập đoàn Boeing, đây là vụ tai nạn đầu tiên của loại máy bay Boeing 737 Max, một phiên bản cập nhật, tiên tiến, tiết kiệm nhiên liệu của loại máy bay một lối đi của Boeing.
Lion Air là một trong những khách hàng lớn nhất toàn cầu của Boeing. Hồi tháng 4, Lion Air thông báo đã đặt mua 50 chiếc 50 Boeing 737 Max 10 thân hẹp với tổng giá 6,24 tỉ USD.