"Việc giảng dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học công lập hay dân lập đều trái với quy định”, ông Mehdi Navid-Adham, người đứng đầu Hội đồng giáo dục Iran nói trên kênh truyền hình quốc gia. Ông nói: "Ở bậc giáo dục tiểu học, học sinh chỉ nên học về các giá trị văn hóa của Iran”.
Tại Iran, tiếng Anh thường được đưa vào giảng dạy bắt đầu từ trung học với học sinh ở độ tuổi từ 12-14. Tuy nhiên, ở một số trường tiểu học vẫn có các lớp dạy tiếng anh.
Một số học sinh cũng học thêm tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ sau giờ học tại trường. Ngoài ra các gia đình có điều kiện thường cho con em theo học tại các trường dân lập để đảm bảo con mình được học tiếng Anh.
Các nhà lãnh đạo Hồi giáo của Iran thường cảnh báo về nguy cơ bị “xâm lược văn hóa". Năm 2016, lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã lên tiếng phản đối về "việc giảng dạy tiếng Anh rộng rãi tại các trường mẫu giáo".
Ông Ayatollah Ali Khamenei, lãnh đạo tối cao của Iran phản đối việc giảng dạy tiếng Anh rộng rãi tại các trường tiểu học. Ảnh: AFP
Ông Khamenei, người có tiếng nói sau cùng về tất cả mọi vấn đề của nhà nước, phát biểu trước các giáo viên: “Đây không phải là hành động phản đối học ngoại ngữ mà là phản đối việc truyền bá văn hóa nước ngoài cho trẻ em và những người trẻ tuổi”.
Ngày 7-1, lực lượng Vệ binh cách mạng Iran đã tuyên bố các cuộc bạo động trong nước là do các thế lực bên ngoài kích động.
Các quan chức Iran cho biết bạo động đã khiến 22 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị bắt giữ. Hàng ngàn người Iran lấy lý do bức xúc trước nạn tham nhũng, thất nghiệp và khoảng cách giàu nghèo sâu sắc đã tổ chức biểu tình lan rộng tại hơn 80 thành phố và các vùng nông thôn.
Ngày 7-1, đoạn video thông báo về lệnh cấm giảng dạy tiếng Anh đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Nhiều người Iran gọi đây là biện pháp "thanh lọc tiếng Anh", và so sánh với lệnh cấm sử dụng ứng dụng nhắn tin Telegram của chính phủ trong thời gian các cuộc bạo động diễn ra.