Iran đã hành quyết hơn 100 người trong 3 tháng đầu năm nay, tiếp nối xu hướng gia tăng các vụ tử hình tại nước này, theo báo cáo mới của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) - ông Antonio Guterres.
Ảnh minh họa. Ảnh: DUNYA |
Theo hãng tin AFP, phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva (Thụy Sĩ) hôm 21-6, Phó cao ủy Nhân quyền LHQ – bà Nada Al Nashif cho biết ít nhất 105 người đã bị hành quyết trong thời gian từ ngày 1-1 đến ngày 20-3, nhiều người trong số này thuộc các nhóm thiểu số.
“Năm 2020, Iran có 260 người bị hành quyết. Năm 2021, ít nhất 310 người bị Iran xử tử, trong đó ít nhất 14 người là phụ nữ” – bà Nashif cho biết.
Báo cáo của Tổng thư ký Guterres về Iran còn ghi nhận sự gia tăng số vụ hành quyết đối với hành vi phạm tội ít nghiêm trọng như liên quan đến ma túy ở nước Cộng hòa Hồi giáo, theo bà Nashif.
“Hình phạt tử hình tiếp tục được áp đặt với những lời buộc tội không thuộc diện ‘tội phạm nghiêm trọng nhất’, và theo những cách thức không tương thích tiêu chuẩn xét xử công bằng”, bà nói.
Phó cao ủy Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng than phiền về việc Iran tiếp tục tuyên án tử hình đối với người phạm tội trong độ tuổi vị thành niên, đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Trong khoảng thời gian từ giữa tháng 8-2021 và tháng 3 năm nay, ít nhất hai người phạm tội ở tuổi vị thành niên đã bị tử hình, trong khi 85 tử tù vị thành niên khác đang chờ thi hành án.
“Trong một diễn biến tích cực, tháng 2 vừa qua, Tòa Tối cao Iran đã hủy án tử hình đối với một người phạm tội ở tuổi vị thành niên sau khi người này đã chờ thi hành án trong 18 năm”, bà Nashif chỉ ra.
Phản ứng với báo cáo mới, ông Mehdi Ali Abadi, Phó đại diện thường trực của Iran tại văn phòng LHQ ở Geneva, cho biết văn bản này có định kiến ngay từ đầu và thể hiện ý chí của các nước phương Tây muốn bêu xấu Iran.
Ngoài các vụ tử hình ở Iran, báo cáo của Tổng thư ký LHQ còn chỉ trích mạnh mẽ nhiều vấn đề khác liên quan quyền con người ở Iran.
Đài Press TV ngày 22-6 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran – ông Saeed Khatibzadeh chỉ trích báo cáo của Tổng thư ký LHQ là “có động cơ chính trị”, đồng thời khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo vẫn cam kết thúc đẩy nhân quyền.