Mỹ tiếp tục cam kết vận chuyển vũ khí sang Ukraine nhằm giúp lực lượng Kiev bảo vệ lãnh thổ, nhưng giới chuyên gia cho rằng việc chậm vận chuyển những vũ khí này ra tiền tuyến sẽ trao cho Nga lợi thế trong việc kiểm soát vùng Donbass (mIền đông Ukraine), theo hãng tin Fox News.
Vũ khí phù hợp không được chuyển đến Ukraine kịp thời
Tướng Jack Keane, người đứng đầu Viện Nghiên cứu chiến tranh (trụ sở tại Mỹ) nhấn mạnh rằng Ukraine đang ở “thời điểm bước ngoặt” và yêu cầu thêm vũ khí để đẩy lùi lực lượng Nga.
Quân nhân Ukraine nghiên cứu hệ thống vũ khí vác vai Carl Gustaf M4 của Thụy Điển trong một buổi huấn luyện gần vùng Kharkiv (Ukraine). Ảnh: Andrew Marienko/AP |
“Người Nga có lợi thế bởi số lượng vũ khí mà họ có. Người Ukraine thì có kỹ năng, có ý chí và lực lượng. Những gì họ cần chính là vũ khí” – Tướng Keane nhận xét.
Mỹ mới đây đã cung cấp cho Ukaine gói hỗ trợ vũ khí trị giá 1,2 tỉ USD, bao gồm pháo, vũ khí phòng thủ bờ biển, đạn dược và hệ thống tên lửa hiện đại.
Trước đó, lực lượng Nga đã cố gắng chiếm thủ đô Kiev cùng các TP lớn khác trong đòn tấn công chớp nhoáng mang tính quyết định. Tuy nhiên, cuộc tấn công gặp nhiều khó khăn khi quân đội Nga đối mặt nhiều thất bại, gồm cả những vấn đề hậu cần quan trọng.
Tuy nhiên, hiện Nga đã chuyển mục tiêu và chỉ tập trung vào đảm bảo an ninh khu vực Donbass. Nước này đã cải thiện khả năng chiến đấu, cung cấp hậu cần nhanh hơn và sử dụng vũ khí hạng nặng có tầm bắn xa hơn.
Một cựu quan chức quốc phòng Mỹ từng nói với Fox News rằng: “Vũ khí đang không được vận chuyển tới Ukraine đủ nhanh”.
“Có vẻ các loại vũ khí phù hợp đang không được chuyển đến đó kịp thời và biến những gì có thể là một chiến thắng rõ ràng cho Ukraine trở thành một lợi thế cho Nga” – quan chức trên bình luận.
Giới chức quốc phòng Mỹ lưu ý sẽ mất vài tháng vũ khí mới có thể đến tay lực lượng Ukraine, đặc biệt là hệ thống tên lửa Harpoon. Loại vũ khí này sẽ phải mất vài tuần để chuyển giao và huấn luyện cho binh sĩ sử dụng.
“Tên lửa Harpoon được đặt trên xe tải có cấu hình mới. Đó là lý do cần chút thời gian để đưa hệ thống này có khả năng hoạt động đầy đủ trên chiến trường” – một quan chức quốc phòng Mỹ nói với báo giới hôm 15-6.
Lực lượng Ukraine cho hay họ cần nhiều vũ khí hơn so với những gì đồng minh của họ đang gửi đến. Mỹ đã cam kết tiếp tục phối hợp với đối tác Ukraine để đảm bảo sự viện trợ tiếp tục đến được chiến trường, song không bình luận về khung thời gian cụ thể.
Một xe tăng của Ukraine bị thiêu rụi ở Kolychivka (Ukraine). Ảnh: Getty Images / Alexey Furman / Stringer |
“Chúng tôi liên tục liên lạc với các đối tác Ukraine để thảo luận về những diễn biến hiện nay và các yêu cầu cấp bách của họ. Sự hợp tác này và sự ủng hộ của chúng tôi dành cho Ukraine sẽ tiếp tục” – Trung tá Anton T. Semelroth, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định với Fox News.
Nga đang có lợi thế
Ukraine cũng đối mặt sự do dự từ các đồng minh châu Âu về vấn đề chuyển giao vũ khí sát thương. Một số nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hối thúc Nga và Ukraine chấm dứt chiến tranh thông qua các cuộc hòa đàm thay vì xung đột.
Đức – nước ban đầu trì hoãn cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine cho tới hai tháng sau khi xung đột nổ ra – vẫn đi sau đáng kể các nước đồng minh khác trong việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Dữ liệu từ Viện The Kiel của Đức cho thấy Berlin xếp sau hầu hết các nước đồng minh cả về khoản cam kết hỗ trợ lẫn số lượng vũ khí thực tế đã giao cho Ukraine, chỉ khoảng 35% so với những gì nước này đã cam kết.
Binh sĩ Ukraine chuẩn bị cho nổ những quả đạn chưa nổ của Nga ở ngoại ô thủ đô Kiev của Ukraine. Ảnh: Natacha Pisarenko/AP |
“Chúng ta có thể nhìn thấy sự chia rẽ của châu Âu. Nếu Anh, các nước vùng Baltic và Ba Lan đứng về phía Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với quan điểm đánh bật lực lượng Nga khỏi lãnh thổ thì Đức và Pháp lại không có cùng quan điểm như vậy. Những gì Đức và Pháp muốn là một lệnh ngừng bắn mà ở đó đàm phán diễn ra nhanh nhất có thể, chấm dứt mọi thứ càng sớm càng tốt, vì bất kỳ tình trạng bế tắc nào đều đem lại lợi thế đáng kể cho Nga” – ông Keane đánh giá.
Ông Keane cũng thừa nhận Mỹ có thể ủng hộ cách tiếp cận đàm phán hòa bình để chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.
Sự do dự và chia rẽ về mục tiêu và cam kết với Ukraine là điều mà Nga sẽ tìm cách khai thác để tạo ra lợi thế nhằm đảm bảo an ninh khu vực Donbass, trong khi người Ukraine chiến đấu với nguồn tài nguyên cạn kiệt và vũ khí kém cỏi.
“Nga hiểu rõ về sự thiếu gắn kết trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và giữa các chính phủ châu Âu về vấn đề phương Tây nên đi xa đến đâu để ủng hộ Ukraine” – ông Rebekah Koffler, Chủ tịch tổ chức nghiên cứu Doctrine & Strategy Consulting nói.
“Moscow đã cố gắng phá vỡ NATO và làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa châu Âu Cũ và châu Âu Mới trong nhiều năm qua bằng cách tiến hành các hoạt động tình báo bí mật và thông tin sai lệch” - ông Koffler nói thêm.
Bà Morgan Ortagus, cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ lập luận rằng vấn đề hiện nay không phải là thời gian mà là vũ khí phù hợp sẽ được chuyển tới Ukraine.
“Tình hình tồi tệ mà các binh sĩ Ukraine đối mặt không phải do sự chậm trễ trong việc vận chuyển vũ khí đã được cam kết mà chính là số lượng những vũ khí đó không đủ để tạo thế cân bằng trên chiến trường” – bà Ortagus nhận định với Fox News.