Nga đưa xe tăng cổ T-62 sang chiến trường Ukraine, sẽ giúp được gì?

(PLO)- Loại xe tăng T-62 từ thập niên 1960 được nhìn thấy xuất hiện ở Ukraine, việc triển khai này có ý nghĩa gì và loại xe tăng này sẽ giúp được gì cho Nga trên chiến trường Ukraine?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khi giao tranh diễn ra ác liệt ở miền đông và miền nam Ukraine, với các cuộc tấn công mới và phản công bùng phát hàng tuần, quân đội Nga đang đối mặt tình trạng thâm hụt xe tăng, theo trang Business Insider.

Khói bốc lên từ xe tăng Nga bị lực lượng Ukraine phá hủy ở vùng Lugansk. Ảnh: ANATOLII STEPANOV/AFP/GETTY IMAGES

Khói bốc lên từ xe tăng Nga bị lực lượng Ukraine phá hủy ở vùng Lugansk. Ảnh: ANATOLII STEPANOV/AFP/GETTY IMAGES

Một video hồi tháng 5 tiết lộ xe tăng T-62 đã về hưu – loại xe tăng được đưa vào sử dụng năm 1961- xuất hiện trên đoàn tàu hướng tới TP Melitopol ở miền nam Ukraine.

Xe tăng T-62M và xe tăng T-62MV được trang bị giáp phản ứng nổ sau đó được phát hiện ở tỉnh Kherson.

Ưu điểm của T-62

T-62 là thế hệ kế tiếp của xe tăng T-54 do Liên Xô nghiên cứu sản xuất, được đưa vào sử dụng năm 1961.

Thiết kế tháp pháo của T-62 khá giống chiếc T-54 trước đó, nhưng T-62 có chiều dài lớn hơn có thể phân biệt nhờ khoảng cách rộng hơn giữa năm bánh xe.

Được bọc thép tốt hơn T-54, cải tiến quan trọng của T-62 là sự ra đời của khẩu pháo U-5TS 115 mm nòng trơn nhằm bắt kịp những lớp giáp cải tiến trên các xe tăng M48 và M60 Patton của Mỹ.

Xe tăng T-62 thời Liên Xô. Ảnh: GETTY IMAGES

Xe tăng T-62 thời Liên Xô. Ảnh: GETTY IMAGES

T-62 vẫn là một thiết kế đáng gờm trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973, nơi các xe tăng T-62 của Syria và Ai Cập với pháo bắn chậm mạnh mẽ có thể xuyên thủng các xe tăng Patton, Centurion và Super Sherman của Israel.

Thế nhưng khả năng pháo kích tầm xa vượt trội cùng sự nhạy bén trong tác chiến của Israel đã khiến T-62 bị tổn thất nặng nề.

Trong cuộc tấn công vào Cao nguyên Golan, Syria đã triển khai năm lữ đoàn T-62 nhưng nhanh chóng bị mất 36 xe tăng do hỏa lực từ một đại đội xe tăng của Israel. Israel chỉ mất ba xe tăng Centurion. Khi lực lượng Israel phản công, Lữ đoàn 47 được trang bị T-62 của Syria đã bị áp đảo trước lữ đoàn xe tăng M51 Sherman, dù hai lữ đoàn T-62 đã giúp Syria ổn định tuyến phòng thủ ở phía nam Damascus.

Sau chiến tranh, Israel đã tân trang và tái trang bị cho những chiếc T-62 tịch thu được và sử dụng với tên gọi Tiran-6. Israel kết luận rằng T-62 có giáp bên sườn tốt hơn xe tăng phương Tây và pháo nòng trơn của T-62 có khả năng xuyên giáp vượt trội trong phạm vi 2,5 km.

Tuy nhiên, phía Israel chỉ ra điểm yếu của T-62 như độ nghiêng nòng pháo hạn chế ở mức 6 độ và tháp pháo chật chội, không chỉ khiến tổ lái kiệt sức nhanh chóng mà còn khiến họ dễ thiệt mạng hơn khi trúng đạn xuyên giáp.

Nâng cấp xe tăng T-62

Đến năm 1975, Liên Xô đã chế tạo hơn 22.000 xe tăng T-62, 5.000 chiếc trong số đó được xuất khẩu ra nước ngoài và được sử dụng trong một vài cuộc xung đột (Israel-Syria-Lebanon năm 1982, Libya-Chad, Iran-Iraq, Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, nội chiến ở Angola, Ethiopia, Libya và Syria).

Tuy nhiên, T-62 sớm bị các mẫu xe tăng T-72 và T-80 thay thế. Xe tăng T-72 và T-80 sử dụng pháo nạp đạn tự động cỡ nòng 125 mm, loại bỏ nhu cầu người nạp đạn, cho phép kíp lái chỉ ba người.

Xe tăng T-62 của Iraq bị bỏ lại trên sa mạc Kuwait gần giếng dầu đang bốc cháy ngày 2-4-1991. Ảnh: PASCAL GUYOT/AFP/GETTY IMAGES

Xe tăng T-62 của Iraq bị bỏ lại trên sa mạc Kuwait gần giếng dầu đang bốc cháy ngày 2-4-1991. Ảnh: PASCAL GUYOT/AFP/GETTY IMAGES

Tuy nhiên, Moscow chủ yếu sử dụng xe tăng T-62 trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan, nơi gần 400 xe tăng chính thức mất vào tay quân du kích Taliban được trang bị mìn, súng phóng lựu chống tăng và súng không giật. Nếu tính luôn những tổn thất phi chiến đấu, con số có thể lên tới 1.340 chiếc T-62.

Sự tiêu hao đó dẫn đến sự ra đời của phiên bản T-62M được gia cố bằng lớp giáp yếm BDD ở mặt trước tháp pháo giúp chống lại đạn nổ lõm chống tăng.

Các nâng cấp khác còn có thay thế động cơ V-55 581 mã lực bằng động cơ V-55U mạnh mẽ hơn (620 mã lực) hoặc động cơ diesel V46-5M (690 mã lực) được gắn trên xe tăng T-72.

Hỏa lực của T-62 được tăng cường với tổ hợp tên lửa dẫn đường bằng laser 9K116-2 cỡ nòng 115 mm. Loại tên lửa này có thể bắn chính xác phương tiện bọc thép và trực thăng trong phạm vi 4 km.

Hệ thống điều khiển hỏa lực Volna trên T-62M được lắp thiết bị đo xa laser KTD-2, hệ thống ổn định pháo M1, máy tính đạn đạo BM-62.

Nga vẫn sử dụng xe tăng T-62M rộng rãi trong cuộc xung đột với Georgia năm 2008, trước khi loại bỏ loại xe tăng này vào năm 2013. Tuy vậy, hàng trăm chiếc T-62M sau đó đã được tân trang và bán cho Syria để sử dụng trong cuộc xung đột tại nước này.

T-62M có thể làm được gì ở Ukraine?

Việc Nga buộc phải tái kích hoạt xe tăng cổ đã nghỉ hưu để tham chiến ở Ukraine thay vì sử dụng xe tăng T-72 và T-80 bọc thép tốt hơn không phải là tín hiệu tích cực đối với Nga.

Trong cuộc đối đầu trực diện với xe tăng của Ukraine (chủ yếu là T-64, ngoài ra còn có T-72 và T-80), xe tăng T-62 sẽ gặp bất lợi lớn do cảm biến, hệ thống kiểm soát hỏa lực, lớp giáp và khả năng xuyên giáp kém hơn. Tuy nhiên, các cuộc chiến đấu giữa xe tăng với xe tăng vẫn còn tương đối hiếm ở Ukraine, và T-62 vẫn hoàn toàn có khả năng bắn đạn pháo 115 mm để tấn công bộ binh, công sự và xe tăng bọc thép hạng nhẹ hơn.

Xe tăng T-62 của Nga băng qua đường cao tốc nối Tbilisi với Tây Georgia năm 2008. Ảnh: MARCO LONGARI/AFP/GETTY IMAGES

Xe tăng T-62 của Nga băng qua đường cao tốc nối Tbilisi với Tây Georgia năm 2008. Ảnh: MARCO LONGARI/AFP/GETTY IMAGES

Trong vai trò hỗ trợ, những nâng cấp về lớp giáp có thể đem đến cho T-62M khả năng sống sót trước các đòn tấn công từ vũ khí chống tăng hạng nhẹ và cũ hơn do bộ binh Ukraine sử dụng, bao gồm M72A2 LAW, RPG-7, AT4 và Carl Gustaf, và súng không giật SPG-9, pháo chống tăng MT-12 Rapira.

Những chiếc T-62M được triển khai tại Ukraine còn được phát hiện gắn giáp lồng (cage armor) trên tháp pháo. Hình ảnh này lan tràn trên mạng xã hội và được gọi một cách chế giễu là “lồng đối phó” vì chúng không có khả năng bảo vệ trước các vũ khí chống tăng mạnh mẽ như Javelin hay Stugna-P.

Tuy nhiên, giáp lồng sẽ giúp chống lại lựu đạn chống tăng thả xuống từ các máy bay không người lái (UAV) kiểu dân sự - một chiến thuật phổ biến của Ukraine đã thành công đáng ngạc nhiên – và có khả năng làm suy yếu vũ khí chống tăng hạng nhẹ hơn.

Nếu được sử dụng một cách thận trọng, một đơn vị T-62 vẫn có thể gây trở ngại cho bộ binh cơ giới và vũ khí hạng nhẹ của Ukraine trong cuộc xung đột.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm