Tên lửa của Mỹ và Anh thách thức 'thần chiến tranh' của Nga trên chiến trường Ukraine

(PLO)- Nga đang chiếm ưu thế về pháo, hệ thống tên lửa và pháo binh được coi là “thần chiến tranh” của nước này. Vậy tại sao Moscow lại lo ngại về việc phương Tây cấp hệ thống tên lửa tầm trung cho Ukraine dù với số lượng khá ít?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mỹ và Anh đồng ý gửi cho Ukraine một số hệ thống tên lửa tầm trung bất chấp việc Nga tiếp tục đe dọa và cảnh báo hậu quả nếu phương Tây còn tiếp tục ủng hộ và cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Hệ thống HIMARS tại khu thử nghiệm tên lửa White Sands Missile Range. Ảnh: WIKIPEDIA

Hệ thống HIMARS tại khu thử nghiệm tên lửa White Sands Missile Range. Ảnh: WIKIPEDIA

Theo trang Asia Times, Nga sở hữu rất nhiều loại vũ khí tương tự và đã sử dụng chúng một cách rộng rãi. Vậy tại sao Nga lại lo ngại về động thái trên, dù số hệ thống tên lửa tầm trung mà phương Tây cung cấp cho Ukraine khá ít?

“Thần chiến tranh” của Nga

Kề từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, pháo binh đã chiếm ưu thế trên chiến trường. Trong hàng thập niên qua, Liên Xô và sau là Nga dựa vào lực lượng mặt đất, xoay quanh triển khai các loại súng và hệ thống tên lửa phủ kín trận địa, còn các loại vũ khí khác được sử dụng để hỗ trợ lực lượng này.

Pháo binh được coi là “thần chiến tranh” của Nga. Người Nga đã sử dụng lượng lớn bệ phóng tên lửa và hệ thống pháo để tấn công và phá hủy các mục tiêu của Ukraine.

Khả năng bắn trúng mục tiêu hoặc vô hiệu hóa mục tiêu bằng chất nổ không chỉ tạo ra sức công phá lớn mà còn gây tổn hại sâu sắc đến tinh thần của đối phương. Cho đến nay, Nga đang chiếm ưu thế về pháo và hệ thống tên lửa.

Pháo tự hành 2S7M Malka cỡ nòng 203 mm của Nga. Ảnh: Rostec Press Office/TASS/Getty Images

Pháo tự hành 2S7M Malka cỡ nòng 203 mm của Nga. Ảnh: Rostec Press Office/TASS/Getty Images

Tầm bắn có ý nghĩa to lớn đối với pháo thủ. Mối đe dọa lớn nhất với lực lượng pháo binh là những loại pháo khác được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ pháo phản kích.

Vì thế, kíp vận hành được huấn luyện để di chuyển rất nhanh khỏi vị trí bắn ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiêu tiệt mục tiêu. Họ biết rằng thiết bị định vị bằng radar của đối phương sẽ tính toán chính xác vị trí của họ. Nếu pháo của đối phương có tầm bắn xa hơn pháo của bạn thì bạn sẽ bị tấn công nhưng không thể phản công.

Việc sử dụng pháo binh đang thay đổi từ một loại vũ khí vốn dựa vào việc vô hiệu hóa mục tiêu để đảm bảo mục tiêu bị phá hủy cho tới một loại vũ khí chính xác. Để hành động hiệu quả, các xạ thủ không chỉ cần xác định chính xác mục tiêu thông qua thiết bị trinh sát (như máy bay hoặc máy bay không người lái) mà còn phải bắn vào mục tiêu với số lượng đạn ít nhất có thể.

Việc sử dụng pháo binh nặng về hậu cần. Càng có nhiều đạn pháo được sử dụng thì càng cần nhiều xe tải chuyên chở và cần nhiều nỗ lực hơn trong vấn đề tiếp tế. Đây là vấn đề khó khăn đối với quân đội Nga khi hoạt động trên chiến trường Ukraine.

Kho vũ khí ngày càng tăng của Ukraine

Các yếu tố quan trọng về độ chính xác và tầm bắn trong tác chiến pháo binh là lý do quân đội Ukraine đang khao khát có được càng hệ thống pháo và tên lửa tầm xa có độ chính xác cao càng nhiều càng tốt.

Ukraine đã nhận 90 khẩu lựu pháo M777 từ Mỹ. Ngoài ra, Ukraine còn nhận pháo Cesar của Pháp, Zuzana của Slovakia, hệ thống pháo tự hành Panzerhaubitzer 2000 của Đức và Hàn Lan, … tất cả đều có tầm bắn, độ chính xác và khả năng sát thương ấn tượng.

Tuy nhiên, không có hệ thống nào đáng gờm hơn Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) mà Mỹ sắp gửi cho Ukraine. Đây là phiên bản cải tiến của Hệ thống pháo phản lực bắn loạt (MLRS) M 270. Anh đã cam kết sẽ chuyển cho Ukraine loại vũ khí này.

Hệ thống pháo phản lực bắn loạt M270. Ảnh: MILITARY-TODAY.COM

Hệ thống pháo phản lực bắn loạt M270. Ảnh: MILITARY-TODAY.COM

Lý do người Ukraine lên tiếng để có được những hệ thống này là vì họ muốn vươn xa hơn tới phía sau chiến tuyến của Nga so với những loại pháo mà Ukraine đang có. Một số phiên bản của hệ thống HIMARS có tầm bắn lên tới 300 km.

Với ít ỏi HIMARS và MLRS, Ukraine khó giành chiến thắng

Lo ngại xung đột leo thang, người Mỹ hạn chế cung cấp đạn dược tầm xa cho Ukraine. Theo đó, Ukraine sẽ không nhận được Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) có tầm bắn lên tới 300 km phòng trường hợp lực lượng Kiev dùng tên lửa này tấn công căn cứ cung ứng và trụ sở chỉ huy ở Nga.

Mức độ không hài lòng của Nga với khả năng này gần đây đã được thể hiện thông qua việc Nga phóng tên lửa hành trình vào Kiev, lần đầu tiên trong năm tuần qua. Tổng thống Nga Vladimir Putin còn cảnh báo hậu quả sẽ còn nhiều hơn nữa nếu Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Tên lửa M30 và M31 mà Ukraine có thể được cung cấp để bắn từ HIMARS và MLRS có tầm bắn ngắn hơn nhưng vẫn đáng kể - hơn 64 km. Điều này khiến HIMARS trở thành vũ khí đáng gờm được bổ sung vào kho vũ khí của Ukraine.

Các khoản tài trợ gần đây nhất của Mỹ và các nước khác về pháo binh bao gồm các thiết bị hỗ trợ quan trọng không kém, chẳng hạn như radar chống pháo binh có khả năng xác định vị trí của pháo và bệ phóng tên lửa của đối phương với tốc độ và độ chính xác cao.

Xe tăng Ukraine tại vùng Donetsk (miền Đông Ukraine). Ảnh: Serhii Nuzhnenko/REUTERS

Xe tăng Ukraine tại vùng Donetsk (miền Đông Ukraine). Ảnh: Serhii Nuzhnenko/REUTERS

Mỹ và đồng minh sẽ mất vài tuần trước khi binh sĩ Ukraine được huấn luyện để sử dụng những hệ thống vũ khí phức tạp này. Đó là chưa kể sẽ cần thêm thời gian để triển khai và tích lũy kinh nghiệm sử dụng chúng.

Hiện Mỹ mới chỉ thông báo sẽ gửi cho Ukraine bốn tổ hợp HIMARS cùng một số MLRS do Anh tài trợ. Về lâu dài, chưa rõ Anh sẽ cung cấp cho Ukraine bao nhiêu tên lửa dù một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh từng tuyên bố con số sẽ rất nhiều.

Theo nhận định của Asia Times, MLRS và HIMARS với số lượng ít ỏi sẽ khó giúp quân đội Ukraine giành chiến thắng. Quân đội Ukraine sẽ cần nhiều vũ khí tương tự hơn cùng với xe tăng, máy bay không người lái, máy bay và nhiều phương tiện khác như xe tải, xe tăng vận tải, để đảm bảo thành công cho cuộc phản công của họ sau đó trong mùa hè này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm