Thách thức lớn với Ukraine khi được Phương Tây cung cấp vũ khí ồ ạt

(PLO)- Phương Tây đã nâng cấp kho vũ khí của Ukraine với các loại vũ khí ngày càng tinh vi, nhiều hứa hẹn hơn. Thế nhưng việc huấn luyện binh sĩ cách sử dụng và bảo dưỡng những loại vũ khí này như thế nào là một trở ngại ngày càng lớn với quân đội Ukraine.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kể từ khi Nga phát động tấn công Ukraine hồi tháng 2, các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nâng cấp kho vũ khí của Ukraine với các loại vũ khí ngày càng tinh vi, với nhiều hứa hẹn hơn, như hệ thống pháo phản lực bắn loạt hiện đại mà Mỹ và Anh đã cam kết.

Thế nhưng việc huấn luyện binh sĩ cách sử dụng vũ khí như thế nào đã trở thành một trở ngại ngày càng lớn và đáng kể với quân đội Ukraine, điều mà trung sĩ Dmytro Pysanka và đồng đội của ông đối mặt hằng ngày, theo báo The New York Times.

Giống như được tặng iPhone 13 nhưng chỉ có thể sử dụng để nghe gọi

Nhìn qua ống ngắm được gắn vào một khẩu súng chống tăng, trước mắt trung sĩ Pysanka là những con số và dòng chữ phức tạp mà nếu đọc đúng thì mới giúp ông tính toán để bắn trúng mục tiêu. Tuy nhiên, sai sót vẫn thường xảy ra trên chiến trường.

Cuộc họp của binh sĩ Ukraine tại một căn cứ. Ảnh: Tyler Hicks/The New York Times

Cuộc họp của binh sĩ Ukraine tại một căn cứ. Ảnh: Tyler Hicks/The New York Times

Hơn một tháng trước, các chỉ huy thuộc đơn bị pháo binh tiền tuyến của ông phải sử dụng máy đo khoảng cách công nghệ cao sử dụng công nghệ laser do phương Tây cung cấp để giúp xác định mục tiêu. Tuy nhiên, có một trở ngại là không ai biết sử dụng nó.

“Điều này giống như được tặng một chiếc iPhone 13 nhưng chỉ có thể sử dụng để nghe gọi” – trung sĩ Pysanka nói.

Trung sĩ Pysanka cho hay máy đo khoảng cách công nghệ cao JIM LR nằm trong gói hỗ trợ quân sự Mỹ viện trợ cho Ukraine, dường như là một lựa chọn hoàn hảo. Máy đo này có thể quan sát mục tiêu vào ban đêm và tính toán khoảng cách. Thế nhưng một số binh sĩ có thể sử dụng nhưng số khác thì không.

“Tôi đã cố gắng học cách sử dụng nó bằng cách đọc bản hướng dẫn bằng tiếng Anh và sử dụng công cụ Google Dịch để hiểu” – trung sĩ Pysanka nói.

Hôm 6-6, Anh cam kết sẽ gửi hệ thống pháo phản lực bắn loạt cho Ukraine, giúp cải thiện tầm bắn và độ chính xác của pháo binh Ukraine. Vài ngày trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cam kết sẽ cung cấp vũ khí tương tự cho Kiev.

Các nhà lãnh đạo Ukraine thường xuyên yêu cầu phương Tây cung cấp vũ khí, thiết bị hiện đại như tên lửa dẫn đường chống tăng mới, lựu pháo và tên lửa dẫn đường bằng vệ tinh với hy vọng giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga.

Tuy nhiên, trước nhu cầu về vũ khí mới, binh sĩ Ukraine cần biết cách sử dụng chúng. Nếu không được huấn luyện đầy đủ thì những tình huống khó xử như đơn vị của trung sĩ Pysanka đang gặp phải có thể diễn ra ở quy mô lớn hơn. Giới phân tích cho rằng điều này có thể lặp lại kịch bản như hướng tiếp cận của Mỹ tại Afghanistan. Đó là khi quân đội Afghanistan được cung cấp vũ khí nhưng không thể bảo trì và sử dụng nếu không có sự hỗ trợ lớn về hậu cần.

Lực lượng Ukraine bắn lựu pháo M777 về phía vị trí của Nga ở vùng Donetsk (miền Đông Ukraine) tháng trước. Ảnh: Ivor Prickett/The New York Times

Lực lượng Ukraine bắn lựu pháo M777 về phía vị trí của Nga ở vùng Donetsk (miền Đông Ukraine) tháng trước. Ảnh: Ivor Prickett/The New York Times

“Người Ukraine muốn sử dụng vũ khí phương Tây nhưng cần được huấn luyện để sử dụng chúng. Tuy nhiên, không phải điều gì cũng có thể vội vàng” – ông Michael Kofman, giám đốc nghiên cứu về Nga tại viện nghiên cứu C.N.A ở quận Arlington (bang Virginia, Mỹ) nói.

Mỹ và các nước NATO đã huấn luyện sâu rộng cho quân đội Ukraine trong nhiều năm trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, mặc dù không phải huấn luyện về một số vũ khí hiện đại mà họ đang cung cấp cho Kiev. Từ năm 2015 đến đầu năm 2022, giới chức quân sự Mỹ cho hay các huấn luyện viên quân sự của Mỹ đã huấn luyện cho hơn 27.000 binh sĩ Ukraine tại Trung tâm huấn luyện chiến đấu Yavoriv gần TP Lviv (miền tây Ukraine). Hơn 150 cố vấn quân sự Mỹ ở Ukraine khi Nga tấn công nước này hồi tháng 2 nhưng họ đã rút đi.

Binh sĩ Ukraine gặp áp lực lớn

Kể từ khi bắt đầu xung đột, Mỹ đã cam kết viện trợ khoảng 54 tỉ USD cho Ukraine và cung cấp hàng loạt vũ khí và thiết bị, gần đây nhất là bệ phóng tên lửa di động HIMARS.

Tuy nhiên, để tránh đối đầu trực tiếp hơn với Nga, chính quyền Mỹ đến nay từ chối cử cố vấn quân sự trở lại Ukraine để giúp lực lượng nước này sử dụng hệ thống vũ khí mới, thay vào đó dựa vào chương trình huấn luyện bên ngoài.

Một đơn vị pháo binh Ukraine cùng với súng chống tăng cũ kỹ ở vùng Kherson. Ảnh: Tyler Hicks/The New York Times

Một đơn vị pháo binh Ukraine cùng với súng chống tăng cũ kỹ ở vùng Kherson. Ảnh: Tyler Hicks/The New York Times


Điều này đã gây áp lực rất lớn lên binh sĩ Ukraine như trung sĩ Andriy Mykyta, thành viên của lực lượng biên phòng Ukraine. Trước chiến tranh, trung sĩ Mykyta đã được đào tạo ngắn hạn từ các cố vấn quân sự NATO về vũ khí chống tăng hiện đại NLAW của Anh.

Giờ đây, trung sĩ Mykyta chạy quanh các vị trí tiền tuyến cố gắng hướng dẫn đồng đội sử dụng chúng. Trung sĩ Mykyta cho biết trong nhiều trường hợp binh sĩ Ukraine đã tự học cách sử dụng một số vũ khí, bao gồm NLAW thông qua video trực tuyến và thực hành.

“Tuy nhiên có nhiều loại vũ khí bạn không thể học bằng trực giác: tên lửa đất đối không, pháo binh và một số thiết bị. Do đó, chúng tôi cần các khóa huấn luyện chính thức” – trung sĩ Mykyta nói thêm.

Trung tá Lục quân Mỹ đã về hưu Daniel Davis nhận xét về thách thức mà quân đội Ukraine đang đối mặt như sau: “Ý tưởng là nếu bạn có đủ vũ khí của phương Tây, bạn sẽ có thể ngăn chặn cuộc tấn công của Nga. Tuy nhiên, vấn đề lại nảy sinh với điều đó: chiến tranh không chiến thắng bằng thiết bị, chiến tranh thắng bằng quân đội và binh sĩ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm