Vừa ‘rót’ vũ khí cho Ukraine, phương Tây vừa lo mất bí mật quân sự

(PLO)- Các nước phương Tây lo ngại khi các vũ khí hiện đại mình gửi cho Ukraine rơi vào tay quân Nga thì bí mật công nghệ quốc phòng sẽ bị lộ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa liên tục "đổ" vũ khí hiện đại về Ukraine, các nhà tài trợ phương Tây vừa thấp thỏm trước nguy cơ mất bí mật công nghệ quốc phòng nếu các trang thiết bị quân sự này bị Nga thu giữ.

Đã có tiền lệ

Mối lo này không phải là mới bởi có rất nhiều tiền lệ rằng một khi vũ khí phương Tây rơi vào tay Nga thì Moscow sẽ nghiên cứu và khám phá ra được công nghệ làm vũ khí đó. Chuyên san The National Interest đã chỉ ra những trường hợp như vậy. Đó là khi các đồng minh, đối tác của Nga gửi vũ khí phương Tây, đặc biệt là của Mỹ, cho Nga và nhờ đó Moscow có thể tìm ra được các đối phó và tạo ra những phiên bản mới dựa trên thiết kế của các loại khí tài quân sự này.

Vào tháng 9-1958, trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan, một tên lửa không đối không AIM-9B Sidewinder tối tân của Mỹ tài trợ cho Đài Loan đã găm trúng tiêm kích MiG-17 của Bắc Kinh nhưng không nổ. Kết quả là Bắc Kinh đã gửi “chiến lợi phẩm” này đến Moscow. Hãng tin Sputnik sau đó đưa tin quả tên lửa này đã “giúp các nhà thiết kế Liên Xô rất nhiều trong việc phát triển tên lửa không đối không tầm ngắn K-13” để phục vụ cho 20 quốc gia trên thế giới trong nhiều thập niên sau đó.

Tiêm kích phản lực MiG-29 của Nga. Ảnh: WIKIPEDIA

Tiêm kích phản lực MiG-29 của Nga. Ảnh: WIKIPEDIA

Trong chiến tranh Việt Nam, các vũ khí của Mỹ, bao gồm chiến đấu cơ F-5E cũng đã được các chuyên gia quân sự Moscow nghiên cứu. Theo Sputnik, các chuyên gia Liên Xô đã phát hiện những điểm yếu của F-5E và từ đó hỗ trợ phát triển tiêm kích phản lực thế hệ thứ ba MiG-23MLD và thứ 4 MiG-29.

Gần đây nhất là tháng 5-2018, công ty sản xuất thiết bị điện tử quân sự Nga Radio-Electronic Technologies Concern (KRET) công bố kế hoạch phát triển các hệ thống tác chiến điện tử mới sau khi phân tích tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ được Syria gửi đến Nga, theo hãng thông tấn RIA Novosti.

Phó giám đốc KRET Vladimir Mikheyev khẳng định nếu biết tất cả thông số của loại tên lửa này thì Nga có thể gây nhiễu chúng hiệu quả hơn. Tướng Nga Sergei Rudskoy cũng nói rằng kết quả nghiên cứu tên lửa này sẽ giúp cải tiến vũ khí của Nga.

Phương Tây “sốt ruột”

Với những tiền lệ nói trên thì trong cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và Ukraine, việc phương Tây lo ngại mất bí mật công nghệ quốc phòng do vũ khí gửi Kiev bị Nga thu được là điều dễ hiểu.

Theo một quan chức quốc phòng Anh đề nghị không nêu tên, phương Tây đang ngày càng lo ngại mất bí mật quốc phòng khi kho vũ khí từ thời Liên Xô trong kho của Ukraine cạn dần và chính quyền Kiev liên tục yêu cầu hỗ trợ vũ khí hiện đại, có tầm bắn xa hơn và có khả năng chiến đấu tốt hơn, theo tờ Defense News.

Máy bay không người lái (UAV) MQ-1C Gray Eagle (Đại bàng xám) của Mỹ. Ảnh: OTC

Máy bay không người lái (UAV) MQ-1C Gray Eagle (Đại bàng xám) của Mỹ. Ảnh: OTC

Một quan chức của Đại sứ quán Anh cho biết bất kỳ loại vũ khí nào, bao gồm các bộ phận dò tìm đối phương và bộ phận dẫn đường để nhắm tới mục tiêu, cũng như các thuật toán được mã hóa, đều có thể cung cấp manh mối cho quân Nga về cách thức hoạt động của những vũ khí này và có thể giúp Nga tìm ra cách phòng thủ.

Đơn cử, hồi giữa tháng 5, trên Twitter đã xuất hiện các hình ảnh về một tên lửa Brimstone của Anh bị Nga thu giữ ở miền đông nam Ukraine. Điều này làm dấy lên quan ngại rằng việc mất các loại vũ vũ khí phức tạp có tầm ngắn, có công nghệ nhận dạng mục tiêu trên tàu, bao gồm Brimstone, rơi vào tay quân Nga thì sẽ rất đáng lo ngại. Lý do là điều này có thể sẽ giúp quân Nga tìm cách phòng thủ và phá vỡ hệ thống phòng tuyển bờ biển của Ukraine mà hiện Kiev đang căng mình để giữ.

Không chỉ Anh, Mỹ cũng đã có những động thái thể hiện mối quan ngại này. Cụ thể, vào giữa tháng 6, hãng tin Reuters dẫn lời hai nguồn thạo tin đề nghị không nêu tên cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đã quyết định tạm hoãn kế hoạch bán máy bay không người lái (UAV) MQ-1C Gray Eagle (Đại bàng xám) cho Ukraine vì lo ngại thiết bị giám sát tiên tiến trên UAV này có thể rơi vào tay Nga.

Theo đó, sau cuộc đánh giá của Cục Quản lý An ninh Công nghệ Quốc phòng (DTSA) thuộc Lầu Năm Góc thì kế hoạch bán 4 UAV ‘Đại bàng xám’ tạm thời bị đình chỉ. Lý do là các nhà chức trách Mỹ lo ngại rằng an ninh Mỹ sẽ bị đe dọa nếu radar và thiết bị giám sát trên các UAV này rơi vào tay Nga.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sue Gough khẳng định việc đánh giá an toàn công nghệ nằm trong quy trình chuyển giao thiết bị quân sự của Mỹ cho các đối tác và mọi hợp đồng về mua bán trang thiết bị quân sự đều được xem xét riêng rẽ về vấn đề an ninh.

Theo các nguồn tin, một giải pháp được đề xuất để tiến tới việc tiếp tục bán UAV MQ-1C cho Ukraine là thay radar, cảm biến trinh sát bằng những thiết bị kém tinh vi hơn nhưng quá trình này có thể mất nhiều tháng.

Theo tờ The National Interest, quy luật cơ bản của chiến tranh là nếu một nước sử dụng vũ khí trên chiến trường thì đối thủ có thể lấy được nó hoặc có cơ hội để quan sát, nghiên cứu kỹ lưỡng để phát triển những biện pháp đối phó. Do vậy, đó là lý do bí mật vũ khí quân sự không thể tồn tại được lâu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm