Phân tích những chuyển động mới trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ

(PLO)-  Đại sứ Phạm Quang Vinh phân tích những chuyển biến mới trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ và khẳng định rằng sáng kiến kinh tế của Mỹ với khu vực mang giá trị địa chiến lược và địa kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-6, tại trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM đã diễn ra chương trình tọa đàm khoa học với chủ đề “Những chuyển động mới của Mỹ trong chiến lược AĐD-TBD”. Diễn giả của chương trình là Đại sứ cao cấp Phạm Quang Vinh - Chủ tịch Trung ương Hội Việt - Mỹ, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ.

Trong buổi tọa đàm, Đại sứ Phạm Quang Vinh đã chia sẻ về nhiều nội dung, bao gồm chiến lược quốc gia Mỹ, đặc biệt là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AĐD-TBD) dưới thời Tổng thống Joe Biden như thế nào, những chuyển động gần đây của Mỹ về mặt chiến lược ở khu vực này ra sao, và các nước Đông Nam Á nhìn nhận những chuyển động này như thế nào.

Chiến lược quốc gia Mỹ thời ông Biden

Đại sứ Vinh cho biết vào đầu tháng 3-2021 Mỹ đã đưa ra chỉ dẫn tạm thời về chiến lược đối ngoại, an ninh quốc gia. Theo ông, chỉ dẫn tạm thời này rất đặc biệt bởi nó được đưa ra rất sớm, chỉ sau gần 2 tháng ông Biden nhậm chức tổng thống Mỹ, trong khi các chính quyền tiền nhiệm phải đợi một thời gian khá lâu mới công bố các định hướng này. Việc đưa ra định hình chiến lược rất sớm thể hiện tính quan trọng và cấp bách của vấn đề an ninh, đối ngoại của Mỹ.

Buổi tọa đàm khoa học “Những chuyển động mới của Mỹ trong chiến lược AĐD-TBD” tại trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM. Ảnh: KIM UYÊN

Buổi tọa đàm khoa học “Những chuyển động mới của Mỹ trong chiến lược AĐD-TBD” tại trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM. Ảnh: KIM UYÊN

Trong bản hướng dẫn tạm thời về chiến lược an ninh quốc gia, Mỹ đã xác định những thách thức mà mình đang phải đối mặt. Trước hết là 2 cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế (do đại dịch COVID-19 gây ra) diễn ra đồng thời và chưa từng có trước đây. Thách thức thứ hai là mâu thuẫn sâu sắc trong lòng nước Mỹ, mà cụ thể là chia rẽ đảng phái. Thứ ba là khủng hoảng liên quan đến trật tự thế giới, bao gồm vai trò lãnh đạo của nước Mỹ đã bị tổn hại dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Thứ tư là thách thức về biến đổi khí hậu và cuối cùng là thách thức về an ninh, đối ngoại trong việc cạnh tranh với các nước lớn là Trung Quốc (TQ) và Nga.

Để giải quyết những thách thức trên, theo hướng dẫn chiến lược tạm thời thì Mỹ sẽ phải mạnh trở lại, phải tái cam kết với cộng đồng quốc tế, trong đó nhấn mạnh đến khu vực AĐD-TBD và cùng cố lại hệ thống đồng minh, đối tác, đồng thời Mỹ phải tái trở lại các cam kết đa phương mà ông Trump đã rút và dự kiến là sẽ nối lại thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Iran.

Về cạnh tranh nước lớn, Mỹ tiếp tục coi quan hệ với các nước lớn là cạnh tranh chiến lược. Nghĩa là vẫn có hợp tác nhưng cạnh tranh sẽ trội hơn. Chính quyền ông Biden đã tiếp nối quan điểm mới về cạnh tranh chiến lược này của chính quyền ông Trump, trước đó là Mỹ luôn giữ quan điểm “can dự tích cực”, nhấn mạnh hợp tác, để TQ hội nhập, hợp tác với thế giới.

Theo Đại sứ Vinh, sự cạnh tranh chiến lược này có 3 điểm quan trọng là cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể và sẵn sàng đối đầu khi bắt buộc.

Trong cuộc cạnh tranh chiến lược, chính quyền ông Biden nhấn mạnh biện pháp ngoại giao, không dùng vũ lực với các đối thủ. Washington cũng nhấn mạnh cam kết với hệ thống đồng minh, đối tác để tạo thành mạng lưới cạnh tranh và khẳng định trọng tâm chiến lược là khu vực AĐD-TBD.

Những chuyển động mới của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Ngày 11-2, chính quyền Tổng thống Biden công bố chiến lược AĐD-TBD. Đáng chú ý là chiến lược ở khu vực này được công bố trước khi chiến lược an ninh quốc gia chung được đưa ra. Đây là sự cụ thể hóa chỉ dẫn tạm thời về chiến lược an ninh quốc gia Mỹ hồi năm 2021, với mục đích là tạo ra một khu vực tự do, rộng mở, dựa trên luật lệ.

Đại sứ cao cấp Phạm Quang Vinh trong buổi tọa đàm. Ảnh: KIM UYÊN

Đại sứ cao cấp Phạm Quang Vinh trong buổi tọa đàm. Ảnh: KIM UYÊN

Vào tháng 5, Mỹ đã tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt với các lãnh đạo Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Theo Đại sứ Vinh, cuộc gặp này cho thấy sự coi trọng đặc biệt của Mỹ dành cho ASEAN, thể hiện ở 2 điểm.

Thứ nhất, các nước ASEAN đã gặp nhiều vấn đề về mặt hậu cần và lịch trình về việc cùng đến Mỹ. Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn tỏ ra kiên nhẫn, cố gắng sắp xếp cho bằng được cuộc hội đàm này. Thứ hai, việc Mỹ coi trọng ASEAN thể hiện ở cách tiếp đón trọng thị của nước này. Hàng loạt các quan chức cấp cao, nghị sĩ Mỹ, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã gặp gỡ các quan chức ASEAN.

Về Khuôn khổ kinh tế AĐD-TBD (IPEF), theo Đại sứ Vinh, đây là một khung sườn để tiếp tục các cuộc đàm phán sâu hơn. Đây không giống như các thỏa thuận song phương hay hiệp định thương mại tự do (FTA) thông thường mà nó bao gồm 4 trụ cột chính và các nước đối tác có thể chọn một trong số đó để đàm phán. Đại sứ Vinh cho biết quá trình thương thảo sẽ diễn ra theo 2 giai đoạn, một là tham vấn chung thì các bên sẽ bày tỏ mong đợi về các trụ cột, hai là các bên lựa chọn trụ cột nào thì sẽ thỏa thuận về nó.

Theo Đại sứ Vinh, khuôn khổ này tạo ra không gian đa tầng về kinh tế, đối thoại và an ninh trong khu vực và sẽ mở ra nhiều chọn lựa cho các quốc gia.

Đại sứ khẳng định khuôn khổ kinh tế IPEF của Mỹ mang giá trị địa chiến lược và địa kinh tế. Mỹ đã đưa ra cam kết với tư cách là một cường quốc, một nền kinh tế lớn nhất thế giới, đủ để thấy chính quyền ông Biden nghiêm túc, coi trọng khu vực này.

Với khuôn khổ kinh tế mới, các nước đối tác được quyền lựa chọn và chủ động cuộc chơi. Dù không phải hàng hóa vào Mỹ sẽ được giảm thuế ngay nhưng nếu có thỏa thuận theo khuôn khổ này thì hàng hóa đỡ bị vướng rào cản kinh tế, cạnh tranh không lành mạnh.

Đại sứ Phạm Quang Vinh (trái) trả lời các câu hỏi của khán giả. Ảnh: KIM UYÊN

Đại sứ Phạm Quang Vinh (trái) trả lời các câu hỏi của khán giả. Ảnh: KIM UYÊN

Đại sứ Vinh cho biết Bắc Kinh nhìn nhận khuôn khổ kinh tế này nằm trong chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế TQ. Bắc Kinh nói rằng Mỹ đang cố tách các nền kinh tế Đông Nam Á ra khỏi TQ nhưng theo Đại sứ Vinh thì mối gắn kết giữa các nền kinh tế là rất lớn, không ai có thể tách rời nhau cả. Tương lai có khả năng là TQ sẽ đầu tư vào ASEAN, mở rộng sáng kiến Vành đai con đường để cạnh tranh lại với khuôn khổ kinh tế Mỹ.

Về điểm mới của Bộ tứ Kim cương (QUAD), gồm 4 nước là Mỹ, Úc, Nhật, Ấn Độ, Đại sứ Vinh cho biết nhóm QUAD đã thỏa thuận về sáng kiến an ninh hàng hải. Theo đó, các nước sẵn sàng chia sẻ dữ liệu vệ tinh cho nhau, kể cả việc sử dụng ngư dân và lực lượng dân quân tự vệ của các nước trong khu vực Biển Đông, nhằm đảm bảo hòa bình tự do an ninh hàng hải.

Bên cạnh đó, nhóm QUAD cũng đã bàn thảo những vấn đề khác như ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ vì lợi ích chung của khu vực, giải quyết vấn đề khủng hoảng y tế toàn cầu, viện trợ cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển. Theo Đại sứ Vinh, điều này đã tạo ra một sức hút mới cho nhóm QUAD, chứ không đơn thuần là chỉ nhằm vào TQ.

Về phản ứng của ASEAN với các chuyển động của Mỹ

Mỹ muốn tăng cường hiện diện trong khu vực thì cần hợp tác với ASEAN. ASEAN cũng nhận thức rõ được vai trò trung tâm của mình, cụ thể là tổ chức có các thiết chế kết nối các đối tác lớn trong khu vực, dù là các nước đối đầu nhau. Do đó, các nước lớn muốn thiết lập cuộc chơi thì phải gắn kết với ASEAN và ở khu vực AĐD-TBD thì không có tổ chức nào có thể kết nối các cường quốc như ASEAN.

Bên cạnh đó, việc ASEAN muốn kéo các nước lớn, bao gồm Mỹ vào khu vực là vì muốn cân bằng quyền lực, không muốn quốc gia nào độc tôn trong khu vực. Trong cạnh tranh nước lớn Trung – Mỹ, ASEAN không chọn bên mà chủ động chơi cả 2 bên và khối này biết mình có đủ năng lực để 2 nước lớn cùng hợp tác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm