‘Nghi phạm chính’ vụ chìm soái hạm Nga ở Biển Đen là… tên lửa Na Uy?

(PLO)- Theo tờ Asia Times, nghi phạm chính khiến soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen Nga có thể không phải là vũ khí từ Mỹ, Ukraine, hay Thổ Nhĩ Kỳ mà là một tên lửa từ Na Uy.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-4, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Moskva của Nga bị trúng tên lửa và sau đó bị chìm ở Biển Đen, theo tờ Asia Times.

Sau đó, Ukraine tuyên bố đã hạ gục tàu Moskva bằng hai tên lửa R-360 Neptune vì thủy thủ đoàn của tàu tuần dương Nga vào thời điểm đó đã "bị phân tâm" khi phải theo dõi một hoặc nhiều máy bay không người lái Bayraktar.

Soái hạm của hạm đội Biển Đen Nga

Moskva là một tàu chiến hiện đại được đóng tại TP Nikolayev của Ukraine vào năm 1979. Tuần dương hạm lớp Slava phục vụ trong Hải quân Liên Xô cho đến năm 1990. Sau đó, hệ thống của nó đã được cập nhật và con tàu được đưa trở lại hoạt động vào năm 2000 với tư cách là soái hạm của hạm đội Biển Đen của Nga.

Soái hạm Moskva của Nga chìm ở Biển Đen. Ảnh: TWITTER
Soái hạm Moskva của Nga chìm ở Biển Đen. Ảnh: TWITTER

Moskva có một hệ thống phòng không và tên lửa tiên tiến bao gồm S-300F (SA-N-6) - một hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tầm xa, và OSA (SA-N-4) - một hệ thống phòng không tầm ngắn.

Đến nay vẫn không có bằng chứng nào cho thấy Moskva đã phóng bất kỳ tên lửa nào hoặc bắn bất kỳ vũ khí nào khi nó bị tấn công.

Khả năng Mỹ không có liên quan

Ngày 14-4, Moskva hoạt động cách Sevastopol khoảng 85 km. Vào khoảng thời gian Moskva bị tấn công, một trinh sát cơ P-8 Poseidon của Mỹ đang hoạt động gần soái hạm Nga ở ngoài khơi căn cứ Sigonella, (đảo Sicily, Ý).

Trạm Hàng không Hải quân Sigonella do Hải quân Ý điều hành, nhưng nó cũng là một trung tâm hải quân lớn của Mỹ và đóng một vai trò quan trọng trong khu vực phía đông Địa Trung Hải.

Trinh sát cơ P-8 Poseidon của Mỹ. Ảnh: WIKIPEDIA

Trinh sát cơ P-8 Poseidon của Mỹ. Ảnh: WIKIPEDIA

Trước khi Moskva bị tấn công, P-8 đã rời Sigonella với bộ phát đáp để có thể làm nhiệm vụ theo dõi thông qua ứng dụng Flight Radar 24, một dịch vụ theo dõi các chuyến bay toàn cầu.

Tuy nhiên, tại một số thời điểm ở Romania và khu vực Biển Đen, P-8 đã tắt thiết bị phát đáp trong khoảng ba giờ. Có thông tin cho rằng nhiệm vụ của P-8 là theo dõi Moskva.

Dù P-8 có thể đã phát hiện và theo dõi Moskva, cũng như có khả năng cung cấp thông tin chính xác cao. Lầu Năm Góc nói rằng họ không cung cấp cho Ukraine thông tin về vị trí của Moskva.

Ngay cả khi Lầu Năm Góc thực sự chuyển thông tin cho Ukraine, họ sẽ không công khai việc này và chắc chắn sẽ từ chối làm vậy để tránh đối đầu với Moscow.

Cũng không phải tên lửa Ukraine hay máy bay Thổ Nhĩ Kỳ

Hầu hết chuyên gia đồng ý rằng các hệ thống trên tàu Moskva có khả năng theo dõi và đánh chặn tên lửa Hải Vương tinh của Ukraine. R-360 Neptune là sản phẩm do Ukraine sản xuất và nhái lại tên lửa hành trình chống hạm Kh-35 Uran của Nga. Kiev rõ ràng đã mở rộng tầm bắn và cải thiện hệ thống điện tử của tên lửa nói trên.

Hệ thống có phạm vi hoạt động là 300 km và cũng được thiết kế để phóng vào đất liền tới 40 km, khiến đối phương khó xác định vị trí tên lửa được bắn ra.

Kh-35 được cải tiến vào năm 2015 và có cùng tầm hoạt động với tên lửa Hải Vương tinh. Cả hai đều được trang bị động cơ phản lực cánh quạt và có khả năng đạt tới vận tốc Mach-1 (1.225 km/giờ).

Tên lửa R-360 Neptune của Ukraine. Ảnh: MILITARY TODAY
Tên lửa R-360 Neptune của Ukraine. Ảnh: MILITARY TODAY

Cả Neptune và Kh-35 đều sử dụng radar chủ động gắn trong tên lửa để phát hiện và tiêu diệt mục tiêu. Việc dẫn đường bằng radar chủ động có điểm yếu là một con tàu tân tiến như Moskva có thể gây nhiễu radar của tên lửa, và phá hủy nó bằng cách sử dụng radar chủ động làm "hoa tiêu" cho tên lửa phòng không.

Moskva hoàn toàn có khả năng phát hiện tên lửa Neptune và phản công nó. Bởi vì thời tiết ngày hôm đó không tốt, nếu các máy bay không người lái Bayraktar được sử dụng làm thiết bị định vị để xác định vị trí của Moskva thì chưa chắc chúng đã thành công.

Máy bay không người lái Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất có thiết bị điện quang tốt, bao gồm cả cảm biến điện quang IR do Wescam - công ty con ở Canada của công ty quốc phòng L-3 của Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, Bayraktar sẽ cần phải ở khá gần Moskva để ghi lại được hình ảnh và thông tin vị trí đầy đủ.

Máy bay không người lái Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Ảnh: ARTSTATION
Máy bay không người lái Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Ảnh: ARTSTATION

Trong mọi trường hợp, không có bằng chứng cho thấy Bayraktars đang được sử dụng ở Ukraine được tích hợp với các hệ thống khác. Bởi vì Bayraktar được giới thiệu sau khi xung đột ở Ukraine bắt đầu. Ngay cả khi Ukraine muốn tích hợp máy bay không người lái với các hệ thống phòng không của mình thì có khả năng nước này không đủ thời gian để làm điều đó.

Hơn nữa, Nga chưa bao giờ báo cáo về sự hiện diện của máy bay không người lái Bayraktar và nếu chúng ở xa, chúng sẽ không đóng vai trò gì trong việc xác định vị trí và cuối cùng đánh chìm tàu ​​Moskva.

Ukraine có thể đã theo dõi các radar của Moskva từ đất liền như một giải pháp thay thế, nhưng có khả năng các radar của Moskva đang hoạt động ở chế độ thụ động khiến việc đánh chặn radar là không thể.

Tên lửa Na Uy là "nghi phạm lớn nhất"

Vì tên lửa Neptune có thể đã bị Moskva theo dõi, nên có thể một tên lửa chống hạm khác có thể tránh bị phát hiện và tấn công được soái hạm Nga.

Đó là một dòng suy đoán hiện đang được đăng tải trên báo chí Nga. "Nghi phạm chính" là một loại tên lửa thế hệ thứ 5, rất tiên tiến do công ty Kongsberg của Na Uy phát triển. Tên lửa nói trên là Tên lửa Tấn công Hải quân (NSM), phiên bản tiếp nối của tên lửa chống hạm Penguin.

Tên lửa Tấn công Hải quân (NSM). Ảnh: KONGSBERG
Tên lửa Tấn công Hải quân (NSM). Ảnh: KONGSBERG

Nó có thể hoạt động trên các khu vực tương đối nhỏ trên biển hoặc từ trên bờ. Thay vì gọi là Tên lửa tấn công của Hải quân, người Nga gọi nó là “Tên lửa tàng hình của Na Uy”.

NSM có thiết kế đặc biệt, giúp nó rất khó bị phát hiện và đánh chặn. Nó được làm từ vật liệu tổng hợp thay vì kim loại. Vì thế, tên lửa dài 3,66 m có tiết diện radar rất nhỏ.

Tên lửa cũng bay gần mặt biển hoặc tàu lướt sóng trên biển, nơi các radar của tàu gặp khó khăn trong việc phân biệt đối tượng vì sự nhiễu của radar. Tên lửa không sử dụng radar chủ động mà sử dụng tia hồng ngoại thụ động có độ phân giải cao làm cảm biến chính.

Nó được lập trình trước để biết mục tiêu “trông như thế nào”. Vì vậy, khi có được tọa độ, nó có thể tự tìm mục tiêu, nếu cần. Cuối cùng, tên lửa có thể thực hiện một số thao tác né tránh nhất định trong giai đoạn cuối của chuyến bay, khiến đối thủ khó theo dõi và tiêu diệt.

NSM được phóng bằng tên lửa và sau đó sử dụng động cơ tuabin, giống như Neptune và Kh-35. Nếu NSM được sử dụng để tấn công Moskva, có khả năng nó sẽ không bị phát hiện, hoặc ít nhất là nó quá nhanh để đối thủ có thể phát hiện và kịp phản ứng.

NSM đã được Mỹ mua lại và đang có mặt trên một số Tàu chiến Littoral. Nó cũng đã được giao cho một số khách hàng châu Âu, đặc biệt là Ba Lan.

Do đó, NSM có thể đã được chuyển đến Ukraine, vì cả Na Uy, Mỹ và Ba Lan đều có khả năng cung cấp hệ thống này cho Kiev. Hơn nữa, vào năm 2020, Ukraine thông báo họ đang mua 8 tàu Vita từ Anh (loại Barzan), một số trong số đó có khả năng hoạt động kết hợp với tên lửa NSM.

Tất nhiên, khả năng NSM nằm trong tay Ukraine và được Ukraine sử dụng vẫn chỉ là suy đoán. Phía Nga đã lục soát các khu vực trong và xung quanh TP Odessa nhưng vẫn chưa tìm thấy bất kỳ bệ phóng NSM nào.

Và trong khi hỏa lực thực sự đằng sau vụ chìm tàu ​​Moskva vẫn chưa được xác định, việc con tàu này bị chìm có thể báo hiệu về một loại hình tác chiến chống hạm mới có khả năng lan rộng, vượt ra ngoài khuôn khổ xung đột Ukraine.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm