Thế khó của Nga sau vụ chìm soái hạm: Không thể rút tàu về, cũng không thể gửi thêm tàu vào biển Đen

(PLO)- Sau vụ chìm soái hạm, giới phân tích cho biết Nga gần như không thể rút các tàu còn lại về nước, cũng như không thể gửi thêm tàu khác vào biển Đen.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo báo Nikkei Asia, sau vụ chìm tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Moskva của Nga, mọi sự chú ý đang đổ dồn về Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia kiểm soát hai eo biển Bosphore và Dardanelles ở biển Đen.

Cụ thể, ngày 16-4, một quan chức quốc phòng Mỹ nói với các phóng viên rằng Moscow đã ngay lập tức di chuyển 4-5 tàu còn lại của họ ở vùng biển đó về phía nam sau khi soái hạm Moskva bị chìm.

Tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Moskva của Hải quân Nga trong một lần đi qua eo biển Bosporus. Ảnh: REUTERS

Tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Moskva của Hải quân Nga trong một lần đi qua eo biển Bosporus. Ảnh: REUTERS

"Trước những thiệt hại mà tàu Moskva phải gánh chịu, tất cả các tàu phía bắc biển Đen hiện đã di chuyển ra ngoài, tránh xa các khu vực phía bắc nơi chúng đang hoạt động" - quan chức Mỹ cho biết.

Điều này khiến mọi sự chú ý một lần nữa được đổ dồn vào Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia nằm bên kia biển Đen và kiểm soát các tuyến hàng hải giữa vùng biển này và Địa Trung Hải.

Nga không thể rút tàu về

Tuy nhiên, nếu Nga muốn gửi thêm tàu ​​vào biển Đen để thay thế Moskva hoặc rút hạm đội biển Đen đến Địa Trung Hải, họ phải thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ mở eo biển Bosporus và Dardanelles. Các eo biển này đã bị đóng cửa đối với tàu chiến từ cuối tháng 2, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Việc đóng cửa hai eo biển, được gọi chung là eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, dựa trên Công ước năm 1936 về chế độ các eo biển - hay Công ước Montreux - cho phép Thổ Nhĩ Kỳ chặn tàu của các nước trong một cuộc xung đột.

Các tàu được phép đi qua, ngay cả trong thời gian eo biển đóng cửa, là những tàu đã rời khỏi căn cứ địa của họ và đang trên đường quay về nhà.

Theo đó, việc bốn đến năm tàu ​​còn lại của Nga muốn rút khỏi biển Đen thì điều này gần như không thể xảy ra. Vì chỉ những tàu đi từ bên ngoài vào và không ở cố định tại vùng biển này mới có thể đi qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ với danh nghĩa trở về căn cứ. Các tàu đã đóng tại biển Đen không thể rời khỏi đây.

Cũng không thể đưa thêm tàu hải quân vào biển Đen

Theo chuyên gia Soner Cagaptay - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, vụ đắm tàu ​​Moskva làm gián đoạn kế hoạch của Tổng thống Nga Vladimir Putin và làm dấy lên một cuộc đụng độ tiềm tàng với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

"Nếu kế hoạch của ông Putin vẫn bao gồm một cuộc đổ bộ vào Odesa hoặc tăng cường hiện hải quân để gây áp lực lên Ukraine, ông ấy sẽ cần đưa thêm tàu ​​đến biển Đen, và điều đó sẽ không xảy ra" - chuyên gia này nói.

Theo chuyên gia Cagaptay, nếu muốn cho thêm các tàu hải quân Nga vào biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần phải vi phạm Công ước Montreux - điều mà nước này chắc chắn sẽ không bao giờ làm.

Một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ nói với Nikkei Asia rằng Ankara sẽ không cho phép tàu hải quân ra vào nếu xung đột vẫn tiếp diễn.

"Câu trả lời rõ ràng là 'không'" - quan chức này nói khi được hỏi liệu các điều kiện có thể thay đổi nếu xung đột kéo dài hay không.

Ngày 14-4, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói với kênh NTV rằng nước này vẫn đang thực hiện đầy đủ Công ước Montreux.

Ngày 14-4, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby ca ngợi việc Thổ Nhĩ Kỳ xử lý các tình hình xung quanh eo biển.

Ông nói với đài CNN: “Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã rất có trách nhiệm trong cách họ quản lý trọng trách của mình theo Công ước Montreux về việc ra vào biển Đen. Và chúng tôi đánh giá cao tính minh bạch khi họ làm điều này".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm