CIA lên tiếng việc Nga dọa Thụy Điển, Phần Lan phải sống chung với vũ khí hạt nhân ở 'gần nhà'

(PLO)- Giám đốc CIA - ông William Burns nói "không ai có thể coi nhẹ mối đe dọa về việc Nga có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp".
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-4, Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) - ông William Burns nói không thể coi nhẹ mối đe dọa về việc Nga có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp ở Ukraine, theo hãng tin Reuters.

"Không ai trong chúng ta có thể xem nhẹ mối đe dọa gây ra từ việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp" - ông Burns nói. Tuy nhiên, theo ông Burns, CIA không có nhiều bằng chứng thực tế có thể củng cố mối lo ngại đó.

Theo ông, bất chấp việc Điện Kremlin "ngụy biện” về việc đặt kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới trong tình trạng báo động cao, CIA chưa thấy các bằng chứng thực tế về cách chúng được triển khai hoặc cách bố trí quân sự để củng cố cho mối lo ngại này.

Bình luận của giám đốc CIA được đưa ra sau khi Nga cảnh báo sẽ triển khai vũ khí hạt nhân ở một số khu vực tại châu Âu.

Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) - ông William Burns. Ảnh: REUTERS

Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) - ông William Burns. Ảnh: REUTERS

Cụ thể, ngày 14-4, cựu Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Moscow sẽ triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh tại một khu vực châu Âu nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật và vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp được thiết kế để sử dụng trên chiến trường. Một số chuyên gia ước tính Nga có khoảng 2.000 vũ khí có thể được chuyển giao cho các lực lượng không quân, hải quân và mặt đất.

Theo ông Medvedev - người hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO thì Nga sẽ phải tăng cường lực lượng trên bộ, hải quân và không quân ở Biển Baltic.

Ông Medvedev cũng nêu rõ mối đe dọa hạt nhân khi nói rằng không thể có chuyện một Baltic "không có hạt nhân" - nơi Nga có vùng đất Kaliningrad nằm giữa Ba Lan và Lithuania.

Lithuania cho biết những lời đe dọa của Nga không có gì mới và Moscow đã triển khai vũ khí hạt nhân tới Kaliningrad từ rất lâu trước cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Medvedev nói rằng ông hy vọng Phần Lan và Thụy Điển sẽ hiểu lý lẽ, nếu không, họ sẽ phải sống chung với vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh ở “gần nhà”.

Cựu Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: SPUTNIK

Cựu Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: SPUTNIK

Khi được hỏi quan điểm của Washington về việc cho phép Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO trước lời cảnh báo của Nga, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết không có sự thay đổi nào trong quan điểm của Washington và lặp lại rằng "cánh cửa của NATO là cánh cửa rộng mở".

"Không nói riêng với bất kỳ quốc gia nào, chúng tôi sẽ không lo ngại rằng việc mở rộng một liên minh phòng thủ sẽ làm bất cứ điều gì khác ngoài việc thúc đẩy sự ổn định trên lục địa châu Âu" - người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết trong một cuộc họp báo ngày 14-4.

Nga có kho vũ khí mang đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới và cùng Trung Quốc với Mỹ là một trong những quốc gia dẫn đầu toàn cầu về công nghệ tên lửa siêu thanh.

Tuy nhiên, việc Phần Lan và Thụy Điển có thể gia nhập NATO sẽ là một trong những hậu quả chiến lược lớn nhất của cuộc xung đột ở Ukraine.

Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga và Thụy Điển đang xem xét gia nhập NATO. Thủ tướng Sanna Marin cho biết Phần Lan sẽ quyết định trong vài tuần tới.

Phần Lan giành được độc lập từ Nga vào năm 1917. Ngày 14-4, Phần Lan đã thông báo tập trận quân sự ở miền tây nước này với sự tham gia của Anh, Mỹ, Latvia và Estonia.

Thụy Điển đã không tham chiến trong 200 năm. Chính sách đối ngoại nước này tập trung vào việc hỗ trợ dân chủ và giải trừ vũ khí hạt nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm