Iran làm ăn với châu Âu

Ngày 25-1 (giờ địa phương), Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã bắt đầu chuyến công du chính thức đầu tiên đến châu Âu. Tháp tùng theo tổng thống Iran là phái đoàn gồm 120 người, trong đó có rất nhiều nhà doanh nghiệp (DN).

Chặng dừng chân đầu tiên của tổng thống Iran là Ý, nước có quan hệ kinh tế truyền thống với Iran. Trước khi Iran bị cấm vận, Ý là đối tác kinh tế và thương mại hàng đầu với giao dịch 7 tỉ euro mỗi năm (nay giảm còn 1,6 tỉ euro).

Tổng thống Hassan Rouhani đã hội đàm với Tổng thống Sergio Mattarella. Sau đó ông đã tham dự lễ ký kết nhiều hợp đồng kinh tế với sự có mặt của Thủ tướng Ý Matteo Renzi.

Các DN Ý đã ký kết với phía Iran nhiều hợp đồng trị giá tổng cộng 15-17 tỉ euro.

Cùng tham gia có các DN như Công ty Saipem (thăm dò và công trình dầu mỏ), Tập đoàn Danieli (xây dựng nhà máy luyện thép), Công ty Fincantieri (đóng tàu).

Thủ tướng Matteo Renzi ghi nhận đây chỉ mới là bước đầu hợp tác và viễn ảnh sắp tới sẽ là trao đổi văn hóa và giáo dục đại học giữa hai nước vốn là hai cường quốc về cái đẹp và văn hóa.


Thủ tướng Ý Matteo Renzi và Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại Rome ngày 25-1. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Iran nhấn mạnh thị trường Iran sẽ mở ra cho các nhà đầu tư Ý và châu Âu viễn ảnh phát triển đầu tư trên toàn khu vực. Ông tiếp tục nhắc đến thông điệp này tại diễn đàn kinh tế Ý-Iran vào sáng 26-1 ở Rome.

Ngày 26-1, Tổng thống Hassan Rouhani sẽ đến Tòa thánh Vatican. Trong hai ngày thăm Pháp vào ngày 27 và 28-1, ông sẽ tiếp xúc với các DN lớn và hội kiến Tổng thống François Hollande.

Đây là chuyến thăm chính thức châu Âu đầu tiên của tổng thống Iran từ khi thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực vào giữa tháng 1, xóa bỏ thế cô lập ngoại giao của Iran.

Theo phân tích của GSTS Thierry Coville thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế và chiến lược của Pháp, chuyến thăm này mang nhiều ý nghĩa:

Chính trị:Chuyến thăm châu Âu rất quan trọng đối với Iran vì chứng minh Iran đang bình thường hóa quan hệ, đồng thời cải thiện quan hệ ngoại giao và kinh tế với các nước phương Tây. Đây cũng là thông điệp chính phủ Iran muốn nhắn gửi đến người dân trong bối cảnh Iran chuẩn bị bầu cử Quốc hội vào tháng 2.

Kinh tế và thương mại: Chuyến thăm châu Âu nhắm đến mục tiêu phát triển kinh tế và thương mại Iran sau thời gian cấm vận. Iran đang cần vực dậy kinh tế và tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Tại Iran, nhà nước kiểm soát 80% kinh tế, bởi thế trong chuyến công du lần này, chắc chắn tổng thống Iran sẽ ký kết và thúc đẩy đàm phán nhiều hợp đồng quan trọng.

Ngoại giao: Đây là chuyến thăm Pháp đầu tiên của tổng thống Iran kể từ năm 1998, đánh dấu bước ngoặt mở ra giai đoạn mới trong quan hệ Iran-Pháp sau giai đoạn Iran bị cấm vận. Mục tiêu của Iran là cải thiện quan hệ với Pháp và rộng hơn là cải thiện quan hệ với châu Âu.

Hiện nay châu Âu đang cạnh tranh thị trường Iran vốn lâu nay đã rơi vào tay Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong cuộc chạy đua giành hợp đồng, hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu đã nhanh chân hơn với cam kết bán 114 máy bay Airbus cho Iran.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đặt chân đến Tehran (Iran) ngay sau khi lệnh cấm vận Iran được gỡ bỏ. Trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Hassan Rouhani và Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối tuần trước, hai bên đã bày tỏ mong muốn củng cố quan hệ song phương. Tổng thống Hassan Rouhani mong muốn hai bên nâng giá trị trao đổi thương mại lên 600 tỉ USD trong 10 năm tới. Hai bên Iran và Trung Quốc đã ký kết 17 hợp đồng.

_________________________________

Nếu chúng ta đã đạt được thỏa thuận về hạt nhân, chúng ta có thể và phải đạt được thỏa thuận về Syria với viễn ảnh giải pháp hòa bình nhắm đến quá độ chính trị.

Thủ tướng Ý MATTEO RENZI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm