Thế nhưng Iran đã trả tự do cho các binh sĩ và tàu Mỹ chỉ sau một đêm giam giữ.
Có ít nhất hai bài học rút ra. Thứ nhất, Mỹ và Iran đều muốn tránh gây tổn hại cho thỏa thuận hạt nhân lịch sử đã ký kết hồi tháng 7-2015.
Đài NBC News dẫn lời chuyên gia Gary Sick ở ĐH Columbia (Mỹ) nhận định: “Rõ ràng Mỹ và Iran duy trì mối quan hệ tương hỗ theo kiểu nào đó để điều này (thỏa thuận hạt nhân) không bị cản trở. Họ có mọi lý do để tránh xảy ra khủng hoảng. Mỹ lẫn Iran đều không muốn điều đó”.
Sau khi 10 binh sĩ Mỹ bị bắt, gần như tức thời phe Cộng hòa Mỹ đòi từ bỏ thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, trong bộ máy quyền lực cấp cao có dấu hiệu cho thấy Tehran và Washington muốn giảm nhẹ tình hình, một phần nhằm tránh sự cố quốc tế và phần khác nhằm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân có lợi cho hai nước.
Về phía Iran, ban đầu Iran bày tỏ lập trường cứng rắn nhưng sau đó nhấn mạnh hành động xâm phạm mang tính chất “phi đe dọa”. Tehran mong muốn bảo đảm nhận được nhiều tỉ USD sau khi các biện pháp trừng phạt được nới lỏng.
Ông Shibley Telhami, GS ĐH Maryland và chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Brookings, ghi nhận tình hình có thể dễ dàng trở thành khủng hoảng nhưng phải thừa nhận hai nước đã xử lý vấn đề phù hợp.
Sự kiện Iran bắt giữ hai tàu tuần tra Mỹ hôm 12-1 tương đồng với một sự cố xảy ra năm 2007. Tháng 3 năm đó, 15 binh sĩ Anh đã bị Iran bắt giữ và bị giữ 13 ngày, sau đó chỉ được trả tự do sau khi nổ ra khủng hoảng ngoại giao. Ngược lại, lần này vụ việc đã được giải quyết trong chưa đầy 24 tiếng.
Báo The Washington Postghi nhận giới phân tích coi đó là bằng chứng mọi thứ đã thay đổi rất nhiều giữa Iran và Mỹ. Việc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có thể nhấc điện thoại gọi người đồng cấp Iran tổng cộng năm lần trong quá trình giải quyết sự cố đã phần nào cho thấy điều đó.
Chuyên gia Gary Sick ghi nhận: “Điều đó đã không thể xảy ra cách đây hai năm. Ông ấy có thể không biết số điện thoại (của phía Iran) để gọi và hẳn sẽ có nghi ngờ ở đầu dây bên kia”. Chính từ đây nêu bật được bài học thứ hai. Đó là Mỹ và Iran đều có hành vi tốt nhất nhằm bảo vệ tính chất bất khả xâm phạm của thỏa thuận hạt nhân cùng một kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương.
Hai năm thương thảo giữa Iran và phương Tây không chỉ mang lại một thỏa thuận hạt nhân mang tính đột phá mà còn đem đến cái khác: một mối quan hệ đặc biệt. Các giới chức Mỹ và Iran thực sự biết nhau ở mức độ cá nhân và bây giờ họ đã thoải mái trao đổi với nhau cả về các sự cố cấp bách nhất.