Israel-Iran: ‘Quả bóng’ giờ trong tay Tehran, chuỗi trả đũa có kết thúc?

(PLO)- Việc Israel không kích Iran nhằm đáp trả đòn tấn công đầu tháng này của Tehran là diễn biến nóng nhất ở Trung Đông tuần qua, đặt ra câu hỏi liệu rằng chu kỳ xung đột của hai bên sẽ diễn biến thế nào.

Cuối tuần qua, Israel đã không kích các mục tiêu quân sự ở Iran - một diễn biến mà toàn bộ Trung Đông đã hồi hộp chờ xem sau khi Iran tấn công tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Israel đầu tháng 10.

Đòn trả đũa của Israel dù mang tính hạn chế nhưng liệu diễn biến này có kích hoạt cơn thịnh nộ của Iran hay không vẫn là câu hỏi lớn.

Toàn cảnh vụ việc

Ngày 26-10, Lực lượng Phòng vệ Israel tuyên bố đã không kích các mục tiêu quân sự ở Iran để đáp trả “các cuộc tấn công liên tục” từ Tehran và các lực lượng ủy nhiệm của Iran vào Israel kể từ ngày 7-10-2023.

“Để đáp trả các cuộc tấn công liên tục trong nhiều tháng của Iran nhằm vào Israel, Lực lượng Phòng vệ Israel tiến hành các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự tại Iran” - Lực lượng Phòng vệ Israel tuyên bố, nhấn mạnh rằng nước này đã phải chống chọi với Iran và lực lượng ủy nhiệm trên 7 mặt trận.

Theo truyền thông địa phương, nhiều vụ nổ mạnh đã được nghe thấy ở thủ đô Tehran và TP Karaj lân cận từ 2 giờ 15 sáng 26-10 (giờ Iran). Đến hơn 6 giờ sáng cùng ngày, Lực lượng Phòng vệ Israel nói rằng các cuộc không kích đã kết thúc sau khi 20 mục tiêu của Iran bị tấn công.

Toàn cảnh thủ đô Tehran (Iran) sau khi Israel không kích Iran ngày 26-10. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Lực lượng Phòng vệ Israel nói rằng đã triển khai 3 đợt máy bay chiến đấu không kích các cơ sở sản xuất tên lửa, các hệ thống tên lửa đất đối không và các địa điểm quân sự khác ở Iran.

Tờ The New York Times đưa tin một trong những mục tiêu là hệ thống phòng không S-300 tại Sân bay quốc tế Imam Khomeini (Tehran). Tờ Times of Israel cho biết làn sóng tấn công này cũng nhằm vào các địa điểm sản xuất tên lửa và máy bay không người lái được Iran sử dụng trong các cuộc tấn công trực tiếp vào Israel hồi tháng 4 và đầu tháng 10.

Sau loạt không kích, Lực lượng phòng không quốc gia Iran nói rằng Israel đã sử dụng “đầu đạn rất nhẹ” để tấn công các căn cứ quân sự ở các tỉnh Ilam, Khuzestan và xung quanh Tehran, gây “thiệt hại hạn chế”.

Bộ Ngoại giao Iran sau đó ra tuyên bố rằng Tehran “có quyền và nghĩa vụ” tự vệ, đồng thời mô tả cuộc tấn công của Israel là “vi phạm rõ ràng” luật pháp quốc tế.

“Cộng hòa Hồi giáo Iran nhấn mạnh việc sử dụng mọi khả năng vật chất và tinh thần của quốc gia để bảo vệ an ninh và các lợi ích quan trọng của mình, cũng như thực hiện nghĩa vụ đối với hòa bình và an ninh khu vực” - theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran.

"Quả bóng" đang trong tay Iran

Giới quan sát nhận định rằng đòn tấn công lần này của Israel và phản ứng tức thời của Iran cho thấy hai bên không muốn căng thẳng leo thang hơn nữa.

Toàn cảnh thủ đô Tehran (Iran) sau khi Israel không kích Iran ngày 26-10. Ảnh: REUTERS

Israel đã cho thấy sự tính toán cẩn thận khi mất đến 25 ngày để phản đòn Iran thay vì chỉ khoảng năm ngày như diễn biến hồi tháng 4. Theo chuyên gia, các cuộc đàm phán giữa Israel và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Mỹ có thể là một trong các nguyên nhân khiến Tel Aviv lựa chọn phản ứng vừa phải.

Bên cạnh đó, Israel cũng hạn chế bình luận chi tiết sau các cuộc không kích. Một nguồn tin thân cận với chính phủ Israel nói với đài CNN rằng việc này nhằm tạo cho Iran cơ hội hạ thấp mức độ nghiêm trọng của cuộc không kích và tránh leo thang hơn nữa.

Nguồn tin cho biết một số nhân vật trong chính phủ Israel tin rằng việc tránh leo thang với Iran có thể mở ra cánh cửa cho một thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin ở Dải Gaza.

Về phía Iran, việc Tehran hạ thấp tầm quan trọng của đòn tấn công từ Israel có thể xem là tín hiệu tích cực. Sau các cuộc không kích, phương tiện truyền thông nhà nước Iran đã phát sóng hình ảnh cho thấy sự bình yên trên đường phố Tehran, với giao thông bình thường và mọi người tiếp tục công việc thường ngày.

Ông Trita Parsi - phó chủ tịch điều hành của Viện Quincy về Chính sách Nhà nước có trách nhiệm (trụ sở Mỹ) cho rằng phản ứng của Iran có thể “phản ánh mong muốn hạ nhiệt hơn là đánh giá thực sự về thiệt hại mà Israel gây ra”.

Đồng quan điểm, chuyên gia Behnam Ben Taleblu - thành viên cấp cao tại Quỹ Quốc phòng vì nền Dân chủ (Mỹ) cho rằng việc Iran hạ thấp tầm quan trọng của đòn tấn công là động thái chiến lược nhằm giữ thể diện cho nước này và gây áp lực buộc Mỹ phải tác động để kiềm chế Israel. “Động thái này nhằm cố gắng biến sự không phản ứng thành vũ khí để đảm bảo rằng Washington cuối cùng sẽ trói chặt tay Israel” - theo ông Taleblu.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng còn quá sớm để kết luận rằng chuỗi xung đột đã kết thúc.

Theo ông Danny Citrinowicz, nghiên cứu viên của Chương trình Iran tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (Israel) và là một sĩ quan Tình báo Quốc phòng Israel đã nghỉ hưu, hiện tại chưa thể đoán định tình hình kế tiếp sẽ thế nào.

“Israel và Iran đã tiến gần hơn bao giờ hết đến bờ vực chiến tranh trực tiếp vào đêm qua. Bây giờ quả bóng đang ở trong tay giới lãnh đạo Iran” - theo ông Danny Citrinowicz, cựu sĩ quan tình báo quốc phòng Israel.

Ông Citrinowicz cho rằng Iran có thể sẽ phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan quen thuộc: Đáp trả để bảo vệ danh tiếng hoặc coi cuộc tấn công của Israel là dấu chấm hết cho cuộc xung đột trực tiếp.

Chuyên gia Parsi của Viện Quincy nhận định rằng “nếu Iran chọn cách kiềm chế thì chương này có thể khép lại, nhưng cuộc xung đột vẫn sẽ tiếp diễn”.

“Mặc dù chúng ta có thể thấy một số sự hạ nhiệt chiến thuật, nhưng quỹ đạo vẫn leo thang. Một cuộc đấu mới giữa Israel và Iran sẽ chỉ là vấn đề thời gian và nhiều khả năng sẽ dữ dội hơn” - theo vị chuyên gia.

Ông Abas Aslani, một nhà báo và nhà nghiên cứu người Iran, nói với CNN rằng có nguy cơ căng thẳng giữa Israel và Iran leo thang trở lại vào thời điểm một tổng thống mới của Mỹ bước vào Nhà Trắng.

“Có thể trong một thời gian ngắn, chúng ta tránh được một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực nhưng quỹ đạo bằng cách nào đó vẫn leo thang. Tôi nghĩ rằng đến lúc có một tổng thống mới tại Nhà Trắng, thì khả năng xảy ra xung đột mới giữa hai bên lại rất cao” - ông Aslan nêu quan điểm.

Phản ứng quốc tế sau vụ Israel không kích Iran

Người phát ngôn Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric nói rằng Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres “rất lo ngại” và lên án sự leo thang liên tục trên khắp Trung Đông, theo trang thông tin chính thức của tổ chức UN News.

Tổng thống Biden hôm 26-10 bày tỏ hy vọng rằng cuộc không kích mới nhất của Israel vào Iran sẽ đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn leo thang ở Trung Đông, theo CNN.

Trong một tuyên bố riêng, Nhà Trắng cho biết ông Biden “đã chỉ đạo rằng mọi nỗ lực phải được thực hiện để bảo vệ lực lượng của chúng tôi [của Mỹ] và giúp bảo vệ Israel trước mọi phản ứng tiềm tàng từ Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này”.

Thủ tướng Anh Keir Starmer nói rằng ông tin Israel có quyền tự vệ trước sự gây hấn của Iran. “Tôi cũng hiểu rõ rằng chúng ta cần tránh leo thang thêm trong khu vực và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế. Iran không nên đáp trả” - theo ông Starmer.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 26-10 kêu gọi tất cả các bên liên quan “kiềm chế, chấm dứt bạo lực và tránh kịch bản thảm khốc”.

Phong trào vũ trang Hamas (Dải Gaza) “lên án mạnh mẽ hành động xâm lược của Israel chống lại Iran”, gọi vụ tấn công là “vi phạm trắng trợn chủ quyền của Iran và là sự leo thang đe dọa đến an ninh của khu vực và sự an toàn của người dân”.

Nhóm vũ trang Houthis (Yemen) khẳng định sự đoàn kết với Iran và ủng hộ “quyền hợp pháp của Iran trong việc đáp trả Israel”. VĂN KIẾM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới