Hàng năm, hàng ngàn người Hàn Quốc, chủ yếu là đàn ông trung niên, chết lặng lẽ và cô đơn, không có gia đình và bạn bè. Đôi khi phải mất nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần sau, người ta mới tìm thấy thi thể của họ.
Tình trạng trên được gọi là những “cái chết cô đơn” hay “godoksa” trong tiếng Hàn Quốc. Đài CNN gọi tình trạng này là "đại dịch" và là một vấn đề cấp bách đến mức chính phủ Hàn Quốc đang phải nỗ lực để giải quyết.
Hàng ngàn “cái chết cô đơn”
Trong thập niên qua, số lượng những người sống trong cô đơn ở Hàn Quốc ngày càng tăng lên. Theo một ước tính vào năm 2022, Hàn Quốc có tới 244.000 người sống một mình như vậy.
Số lượng những “cái chết cô đơn” cũng đang tăng lên. Theo số liệu từ Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, số ca này tăng từ 3.559 người vào năm 2022 lên mức 3.661 người vào năm 2023.
Một phần nguyên nhân của sự gia tăng này có thể là do Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đưa ra định nghĩa mới về “cái chết cô đơn”. Những năm trước, thi thể phải được tìm thấy sau “một khoảng thời gian nhất định” mới đủ điều kiện gọi là “cái chết cô đơn”. Thuật ngữ này hiện áp dụng cho bất kỳ ai sống cô lập, không liên hệ gia đình hoặc người thân và chết do tự tử hoặc bệnh tật.
Một yếu tố khác dẫn đến sự gia tăng này có thể là cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Hàn Quốc. Dân số già hóa và tỉ lệ sinh giảm dẫn đến việc Hàn Quốc có số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh trong những năm gần đây.
Tình trạng trên ảnh hưởng nhiều nhất đến những người đàn ông trung niên và cao tuổi. Theo Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, hơn 84% số ca “cái chết cô đơn” được ghi nhận vào năm 2023 là nam giới, gấp hơn 5 lần số ca của phụ nữ. Những người đàn ông ở độ tuổi 50 và 60 chiếm hơn một nửa trong nhóm này.
"Cô đơn" là thế nào?
Theo bà An Soo-jung – GS tâm lý học tại ĐH Myongji (Hàn Quốc), ở một số nền văn hóa, cô đơn được coi là cảm giác xảy ra "khi các mối quan hệ không trọn vẹn". Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, mọi người nói rằng họ cảm thấy rất cô đơn "khi họ không tìm thấy giá trị hoặc thiếu mục đích sống".
Trả lời CNN, một số chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm này. Theo họ, nhiều người Hàn Quốc thuộc thế hệ Gen Y và Gen Z rất nhạy cảm với những lời chỉ trích, thường cảm thấy dằn vặt và sợ thất bại.
Một nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng người Hàn Quốc có thể cảm thấy cô đơn sâu sắc hoặc cảm giác thất bại nếu họ cảm thấy mình không "tạo ra tác động đáng kể đến người khác hoặc xã hội".
Theo bà An, đây là sự khác biệt lớn giữa Hàn Quốc so với các quốc gia khác. Người Hàn Quốc có thể có đời sống xã hội phát triển và mối quan hệ chặt chẽ với người khác, nhưng họ vẫn có thể cảm thấy cô đơn “khi họ so sánh mình với người khác và tự hỏi liệu họ có hữu ích, đóng góp đủ cho xã hội hay không”.
Nghiên cứu trên cũng xác định các yếu tố khác như sự gia tăng các hộ gia đình chỉ có một thành viên, sự thiếu tương tác xã hội bên ngoài công việc và gia đình, sự thống trị của mạng xã hội và cách mạng xã hội nuôi dưỡng cảm giác bất lực cũng khiến nhiều người cảm thấy cô đơn và chọn sống một mình.
Nỗ lực của chính phủ
Tại thủ đô Seoul, trong tuần qua, chính quyền TP cho biết sẽ chi 451,3 tỉ won (gần 327 triệu USD) trong 5 năm tới để "tạo ra một TP không ai cô đơn". Các sáng kiến mới của TP bao gồm việc thiết lập đường dây nóng 24/7 và thực hiện các biện pháp theo sát thăm hỏi những người sống một mình và đến tư vấn trực tiếp.
"Sự cô đơn và cô lập không chỉ là vấn đề của cá nhân, mà là nhiệm vụ mà toàn xã hội phải cùng nhau giải quyết" – ông Oh Se-hoon, Thị trưởng Seoul nêu ý kiến, đồng thời khẳng định TP sẽ “huy động toàn bộ năng lực” để giúp những người cô đơn chữa lành và “trở lại xã hội”.
TP cũng có kế hoạch ra mắt các dịch vụ tư vấn tâm lý và không gian xanh mở rộng; cung cấp chế độ ăn dinh dưỡng cho cư dân trung niên và cao tuổi; triển khai một “hệ thống tìm kiếm” chuyên dụng để xác định những cư dân bị cô lập cần được giúp đỡ; cũng như triển khai các hoạt động khuyến khích mọi người ra ngoài và kết nối với những người khác, chẳng hạn làm vườn, thể thao, câu lạc bộ sách,…
Các chuyên gia hoan nghênh các biện pháp này nhưng cho biết TP cần phải hành động nhiều hơn nữa, một phần vì tình trạng này gắn liền với một số khía cạnh độc đáo của văn hóa Hàn Quốc, vốn rất khó thay đổi.
“Sự cô đơn là một vấn đề xã hội quan trọng hiện nay. Vì vậy, các nỗ lực hoặc chính sách giải quyết vấn đề này là hoàn toàn cần thiết” – bà An cho biết. Tuy nhiên, bà An cảnh báo rằng “cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về mức độ hiệu quả của các biện pháp này”.
Trong những năm qua, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều sáng kiến khác nhau để giải quyết vấn đề này, bao gồm ban hành Đạo luật Phòng ngừa và Quản lý "cái chết cô đơn”. Trong đó, đạo luật yêu cầu chính phủ lập một kế hoạch phòng ngừa toàn diện và báo cáo tình hình ngăn chặn “cái chết cô đơn” mỗi 5 năm/lần.
Vào năm 2023 chính phủ Hàn Quốc đã thông qua một số chính sách hỗ trợ cho thanh thiếu niên sống một mình. Chính sách này bao gồm khoản hỗ trợ 650.000 won (475 USD)/tháng cho chi phí sinh hoạt, để giúp họ "tái hòa nhập với xã hội".