Sau khi điện đàm với một số lãnh đạo của Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13-8 bất ngờ thông báo hai bên đã đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ song phương với tên gọi là Hiệp định Abraham. Đổi lại, Tel Aviv cam kết đình chỉ kế hoạch sáp nhập Bờ Tây, theo hãng tin Reuters.
Với thỏa thuận trên, UAE trở thành quốc gia thứ ba thuộc khối ả rập đặt quan hệ ngoại giao chính thức với Israel, sau Ai Cập và Jordan. Phái đoàn hai nước dự kiến sẽ gặp nhau ở thủ đô Washington, D.C. (Mỹ) để tham gia lễ ký kết.
Hầu hết giới quan sát đều có nhận định chung rằng Hiệp định Abraham sẽ thay đổi đáng kể cấu trúc an ninh và tình hình chính trị ở Trung Đông. Tuy nhiên, liệu những thay đổi này có đem lại một bức tranh tươi sáng hơn hay không lại là một câu chuyện khác.
Các bên trong cuộc nói gì?
Theo ông Trump, thỏa thuận mới trước mắt sẽ là nền tảng để Israel và UAE mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực như an ninh, du lịch, kinh tế, công nghệ hay năng lượng. “Giờ là lúc các nước ả rập khác nên theo bước UAE và mở rộng vòng tay (với Tel Aviv - PV)” - nhà lãnh đạo này khẳng định.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định đây là cột mốc lịch sử trong quan hệ giữa Israel và khối ả rập nói chung. “Chúng ta từ đây có thể cùng nhau đem đến tương lai tuyệt vời cho người dân hai nước và toàn khu vực bằng tất cả sức lực của mình. Chắc chắn sẽ có thêm những nước khác tham gia cùng Israel và UAE để kiến tạo thành một cộng đồng vì hòa bình rộng lớn” - ông Netanyahu nói.
Hiện quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud của UAE chưa đưa ra tuyên bố chính thức.
Thỏa thuận Israel - UAE phản ánh những toan tính chính trị riêng của các bên, cũng như sự thay đổi về nhận thức và sự dịch chuyển mới về địa chính trị của khu vực. Ảnh minh họa: CNN
Hòa bình không thực chất
Dù thỏa thuận giữa Israel và UAE được khen ngợi là một thỏa thuận “lịch sử”, “đột phá” với mục đích mở đường thiết lập nền hòa bình lâu dài ở Trung Đông nhưng trên đây lại không phải là một thỏa thuận khiến các bên cùng có lợi.
Bình luận cho tờ The New York Times, chuyên gia về chính trị Trung Đông Aaron David Miller thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ) cho rằng đây thực chất là một thỏa thuận ba thắng - một thua, mà bên chịu thiệt là Palestine.
“Chỉ có người dân Palestine là kẻ thua cuộc lớn nhất ở đây. Họ phải chứng kiến khối ả rập đang xích lại gần Israel hơn, dành nhiều ưu ái cho ông Netanyahu hơn trong khi phớt lờ lợi ích của Palestine” - ông Miller chia sẻ.
Ủy viên Ban chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Ahmed Majdalani thì cảnh báo đây là thời khắc đen tối trong lịch sử của nước này khi quyền lợi và số phận của người dân Palestine bị các nước khác đem ra đổi chác, còn lãnh thổ bị tùy ý định đoạt. Ông nhấn mạnh: Không thể nào có hòa bình thực chất chừng nào quyền tự quyết của Palestine bị xâm phạm và bị bỏ qua trong khi nước này rõ ràng là một quốc gia độc lập được Liên Hợp Quốc và nhiều nước khác công nhận.
Phía nhà nước Palestine trong ngày 13-8 đã ra thông cáo bác bỏ Hiệp ước Abraham, chỉ trích đây là “một hành động gây hấn trực tiếp chống lại người Palestine” và cho triệu hồi đại sứ tại UAE về nước, đài CNN cho hay. |
Thỏa thuận bị “thổi phồng”?
Còn theo ông Daoud Kuttab, một nhà báo Palestine, bản chất của Hiệp ước Abraham đã bị các bên liên quan “thổi phồng quá mức”.
“Cả Israel và UAE khi ký kết thỏa thuận không phải đánh đổi thứ gì quá đáng kể. Mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn từ trước và họ chỉ cần ngồi vào bàn và ký thôi. Chỉ nên xem thỏa thuận mới là cách mà Tel Aviv và Abu Dhabi lợi dụng tình thế hiện tại để thực hiện các dự tính riêng của họ, bỏ mặc Palestine” - ông Kuttab nói.
Vấn đề mà nhà báo này đề cập nằm ở hai việc: (i) Kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel thời gian qua gặp phải rất nhiều khó khăn; (ii) Quan hệ Israel - UAE từ lâu đã nồng ấm hơn hẳn so với các quốc gia thuộc khối ả rập khác.
Ở điểm đầu tiên, kế hoạch của Israel vấp phải sự phản đối mạnh mẽ không chỉ từ Palestine mà còn đến từ phía Liên đoàn ả rập, các nước ả rập nói chung, các nước Hồi giáo và cộng đồng quốc tế. Trong một báo cáo gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi tháng 6, Tổng thư ký Antonio Guterres kêu gọi Israel phải từ bỏ kế hoạch sáp nhập Bờ Tây vì sẽ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và phá vỡ mọi hy vọng đàm phán hiện thực hóa “giải pháp hai nhà nước” giữa Palestine và Israel.
Chính đồng minh quan trọng nhất của Israel là Mỹ cũng yêu cầu ông Netanyahu tạm hoãn việc thúc đẩy kế hoạch sáp nhập do nội bộ Washington vẫn chưa thống nhất được quan điểm chung. Trong khi đảng Dân chủ và Hạ viện do đảng này kiểm soát bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ thì Tổng thống Donald Trump và những người ủng hộ lại muốn Tel Aviv kiểm soát Bờ Tây thông qua kế hoạch hòa bình Trung Đông công bố vào tháng 1. Do đó, nếu không ký thỏa thuận thì Israel cũng khó có thể tiến hành sáp nhập như dự tính
Ở điểm thứ hai, The New York Times cho hay Israel và UAE từ lâu vẫn duy trì mối quan hệ bí mật vì lợi ích của nhau và ý tưởng thiết lập quan hệ chính thức cũng được đề xuất một vài lần hồi năm ngoái. Giữa Israel và UAE dù khác nhau về hệ thống chính trị và ý thức hệ nhưng lại có đối thủ cạnh tranh chung là Iran, cũng như chia sẻ chung mối lo ngại về chương trình hạt nhân của Tehran.
Trước tình hình căng thẳng gần đây sau khi Israel tiến hành không kích lãnh thổ Syria và hai vụ nổ bí ẩn ở Lebanon - một đồng minh thân cận của Iran và Lebanon, nhiều khả năng UAE đã đánh giá đây là lúc thích hợp để liên minh với Tel Aviv, hình thành một gọng kìm kiểm soát Iran cùng với Mỹ. Do đó, sau nhiều lần đàm phán gián tiếp thông qua qua con rể Tổng thống Trump là Jared Kushner, hai nước đã quyết định công khai mối quan hệ này như đã nói ở trên.
Trên thực tế, cơ quan tình báo Mossad của Israel đã tập trung nhiều nỗ lực vào việc xây dựng các mối quan hệ bí mật với nhiều nước ở Vùng Vịnh suốt nhiều năm qua. Giám đốc Mossad - ông Yossi Cohen cũng thường xuyên gặp gỡ những người đồng cấp từ UAE, Saudi Arabia, Qatar, Jordan và Ai Cập.
Rõ ràng vượt qua bề nổi là đem lại hòa bình cho Trung Đông như tuyên bố của UAE và Israel, thỏa thuận này lại phản ánh những toan tính chính trị riêng của các bên, cũng như sự thay đổi về nhận thức và sự dịch chuyển mới về địa chính trị của khu vực.
Ông Netanyahu gặp khó vì thỏa thuận với UAE The New York Times cho hay việc ký thỏa thuận mới với UAE diễn ra trong thời điểm nhạy cảm với Thủ tướng Benjamin Netanyahu - người đang phải lãnh đạo một chính phủ liên minh đầy chia rẽ, cũng như phải đối mặt với nhiều cáo buộc tham nhũng. Hiện thỏa thuận này đã bắt đầu vấp phải sự phản ứng dữ dội trong xã hội Israel từ các đảng phái, tổ chức có tư tưởng dân tộc cao. Một số người định cư của Israel và các đồng minh chính trị của họ đã thể hiện sự thất vọng khi ông Netanyahu từ bỏ kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây. Để trấn an dư luận trong nước, ông Netanyahu khẳng định sẽ không có sự thay đổi nào trong các kế hoạch của ông và việc sáp nhập chỉ là do phía chính quyền Tổng thống Trump yêu cầu “tạm dừng”. Nhà lãnh đạo Israel cũng khẳng định vẫn cam kết thúc đẩy kế hoạch sáp nhập nhưng phải được thực hiện dựa trên “sự hợp tác đầy đủ với Mỹ”. |