Lại một lần nữa bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên sâu đậm liên quan đến vấn đề Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông.
Một đường lối ngoại giao thông minh
Sáng 16-5 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi Trung Quốc tiến hành các biện pháp nhằm giảm bớt căng thẳng trên biển Đông.
Ông cũng thông báo về các mối quan tâm của Mỹ trước nhịp độ và quy mô của các yêu sách chủ quyền lãnh thổ mới đây của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp ở biển Đông.
Ngoại trưởng John Kerry phát biểu như trên vào ngày đầu tiên trong chuyến viếng thăm Trung Quốc kéo dài 48 tiếng.
Tại cuộc họp báo chung sau hội đàm giữa Ngoại trưởng John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng John Kerry cho biết: “Tôi đã hối thúc Trung Quốc, thông qua ông Vương, tiến hành các biện pháp cụ thể phối hợp với thế giới để giảm căng thẳng và gia tăng các cơ hội cho giải pháp ngoại giao”.
Ông đã kêu gọi “một đường lối ngoại giao thông minh” thay cho “các tiền đồn và đường băng sân bay”.
Ngoại trưởng John Kerry trò chuyện với Ngoại trưởng Vương Nghị tại Bắc Kinh ngày 16-5. Ảnh: EPA
Trước đề nghị của ngoại trưởng Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vẫn khăng khăng cho rằng Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Một chủ đề khác trong hội đàm giữa hai ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc là các tàu thuộc Hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương ra vào các vùng biển mà Bắc Kinh xem là lãnh hải. Vấn đề này có thể dẫn đến khủng hoảng nghiêm trọng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố “Trung Quốc tiếp tục duy trì hối thúc phát triển quan hệ quân sự” giữa hai nước. Ông cho rằng đặc biệt cần thiết phải thông báo các hoạt động quân sự lớn giữa hai nước và nhanh chóng đạt được thỏa thuận về quy tắc ứng xử giữa không quân hai nước.
Mỹ cố thuyết phục Bắc Kinh
Hãng tin Reuters ghi nhận trong chuyến thăm lần này, Ngoại trưởng John Kerry mang theo thông điệp bày tỏ mối lo ngại ngày càng gia tăng của Mỹ và các nước trong khu vực trước tham vọng hàng hải của Trung Quốc.
Reuters nhận xét Trung Quốc đang đòi hỏi chiếm giữ 90% diện tích biển Đông. Trong những tháng qua, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng và bồi đắp trên nhiều đảo, đá đã chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Dưới đầu đề “Bắc Kinh tiến hành chính sách lấn biển ở biển Đông”, báo Le Monde ngày 16-5 nhận định Ngoại trưởng John Kerry đã mang đến Bắc Kinh một thông điệp quả quyết về động cơ cạnh tranh mới phát sinh trong quan hệ chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh.
Đó là tình trạng điên cuồng xây dựng trên biển Đông của Trung Quốc, nơi mà từ nhiều tháng qua Bắc Kinh đã biến đổi các đá và rạn san hô đang tranh chấp trở thành các đảo nhân tạo.
AFP dẫn nguồn từ giới thân cận với Ngoại trưởng John Kerry cho biết trong chuyến đến Bắc Kinh lần này, Ngoại trưởng John Kerry nỗ lực thuyết phục Trung Quốc về các hậu quả hết sức tiêu cực cho hình ảnh của đất nước Trung Quốc, cho quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, tình hình ổn định khu vực và quan hệ Trung-Mỹ.
Nguồn tin nêu trên nhấn mạnh: “Ông John Kerry sẽ không để cho những người đối thoại Trung Quốc bất kỳ hoài nghi nào về quyết tâm duy trì tự do hàng hải của Mỹ”.
Từ 200 ha lên 800 ha
Trong bài viết với đầu đề “Một bức tường cát đầu độc ngoại giao ở biển Đông”, đài RFI đã từng ghi nhận biển Đông là điểm giao thoa các đường hàng hải sống còn đối với thương mại quốc tế và giàu tiềm năng dầu khí. Trong khi đó, bất chấp cảnh báo từ Mỹ, quân đội Trung Quốc vẫn điều động máy xúc và tàu xây dựng các cảng nhân tạo cứ như tàu sân bay giữa đại dương.
Các bức ảnh vệ tinh đã chứng minh một bức trường thành bằng cát đang tồn tại trên biển Đông. RFI mô tả: Nhìn từ trên cao, vài đảo nhân tạo trông giống bãi biển thiên đàng nhưng các bãi cát nhỏ bé ấy có nguy cơ đầu độc quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở biển Đông.
RFI nhận định khu vực xa bờ này từ thuở xa xưa không phải là mục tiêu để tranh chấp. Ấy vậy mà hiện nay Trung Quốc đã tạo sự kiện và cao giọng đòi “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các đá ở biển Đông.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 8-5, Trung Quốc đã mở rộng diện tích bồi đắp ở biển Đông lên gấp 400 lần. Trong một năm, diện tích sử dụng đã tăng từ 200 ha lên 800 ha, trong đó 3/4 Trung Quốc bao chiếm từ đầu năm 2015.
Lầu Năm Góc đã dự kiến đưa tàu chiến và máy bay thám sát đến khu vực 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc mới bồi đắp ở biển Đông để bảo đảm quyền tự do hàng hải ở khu vực này. Khu vực 12 hải lý là phạm vi quốc tế thừa nhận xung quanh các đảo tự nhiên nhưng không áp dụng đối với các đảo do con người bồi đắp mà thành.
Về phía Trung Quốc, Tân Hoa xã bình luận Mỹ có thái độ đạo đức giả, mượn cớ để duy trì chủ nghĩa bá quyền trong khu vực.
- Ngày 9-4: Trong khuôn khổ chuyến thăm Jamaica trước thềm hội nghị thượng đỉnh các nước khu vực Caribbean tại Panama, Tổng thống Barack Obama tuyên bố Mỹ quan tâm đến sự kiện Trung Quốc không tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế, lợi dụng tầm vóc và cơ bắp để hăm dọa các nước nhỏ hơn như Philippines và Việt Nam. - Ngày 15-4: Phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương, đã lo ngại Trung Quốc có thể triển khai radar và tên lửa trên các tiền đồn mới xây dựng ở biển Đông. - Ngày 8-5: Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự Trung Quốc. Báo cáo nêu rõ tại bốn khu vực của quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã chuyển từ nạo vét và lấp nền sang xây dựng cơ sở hạ tầng gồm cảng, hệ thống thông tin, giám sát và tối thiểu một đường băng. Trung Quốc cũng đào kênh sâu đủ để tàu lớn vào đến các tiền đồn. - Ngày 13-5: Reuters đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng nghiên cứu nhiều giải pháp liên quan đến các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trên biển Đông, trong đó có giải pháp điều động tàu chiến và máy bay tiêm kích đến dưới 12 hải lý quanh các đảo được bồi đắp nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải. - Ngày 16-5: Báo The Australian (Úc) đưa tin Lầu Năm Góc cải chính trợ lý bộ trưởng Quốc phòng David Shear đã nói nhầm, Mỹ không điều động máy bay ném bom B-1 và máy bay do thám đến Úc. Hôm 13-5, tại phiên điều trần của Quốc hội Mỹ, ông David Shear nói Mỹ sẽ đưa các máy bay này đến Úc để răn đe Trung Quốc. Sau đó, Thủ tướng Úc Tony Abbott đã bác bỏ điều này.
Ảnh đăng kèm bài viết về Trung Quốc bồi đắp trên biển Đông đăng trên báo Huffington Post (Canada) ngày 13-5. - Thượng nghị sĩ Bob Corker (Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ): “Tôi không thấy Trung Quốc phải trả giá gì cho hoạt động của họ ở biển Đông và biển Hoa Đông. Trên thực tế, tôi thấy chính chúng ta đang phải trả giá. Chúng tôi thấy các nước bạn bè tỏ ra thường xuyên lo ngại chúng ta đứng ở đâu cũng như mức độ cam kết của chúng ta là gì”. - Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel: Dù Trung Quốc có bồi đắp cát lên các bãi đá ngầm thế nào thì cũng không thể tạo ra chủ quyền. Mỹ đang ngày càng nhận được yêu cầu bảo đảm an ninh cho khu vực. Mỹ sẽ đóng vai trò tích cực ở biển Đông nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ và luật pháp quốc tế. (Theo TTXVN) |