Ngày 10-8, công ty dược phẩm Johnson & Johnson thông báo sẽ ngừng bán phấn rôm trẻ em sử dụng bột talc trên toàn cầu từ năm 2023, hãng Channel News Asia đưa tin.
|
Ảnh 1: Sản phẩm phấn rôm trẻ em của Johnson & Johnson. Ảnh REUTERS |
Johnson & Johnson cho biết quyết định chuyển sang sản xuất hoàn toàn phấn rôm trẻ em làm từ bột ngô “là một phần trong việc đánh giá lại danh mục sản phẩm trên toàn cầu”.
Hãng cũng cho biết thêm phấn rôm làm từ bột ngô được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Khác với bột talc là một loại khoáng chất, bột ngô có thành phần tự nhiên, thân thiện với môi trường và có thể ăn được nên được đánh giá là an toàn hơn cho trẻ em.
Vào năm 2020, Johnson & Johnson đã thông báo ngừng bán sản phẩm phấn rôm sử dụng bột talc của họ ở Mỹ và Canada do nhu cầu sản phẩm giảm mạnh bởi những thông tin quan ngại về độ an toàn của sản phẩm và những thách thức pháp lý mà hãng dược phẩm đang đối mặt.
Johnson & Johnson hiện phải đương đầu với khoảng 38,000 đơn kiện từ người tiêu dùng với cáo buộc các sản phẩm làm từ bột talc của hãng chứa chất amiăng gây ung thư.
Johnson & Johnson phủ nhận các cáo buộc nói trên. Công ty cho cho rằng các thử nghiệm khoa học và những phê chuẩn về bột talc trong nhiều thập niên qua cho thấy loại bột này an toàn và không chứa amiăng. Ngày 11-5, Johnson & Johnson cũng đã nhắc lại tuyên bố này lần nữa trong thông báo ngừng bán sản phẩm.
Vào tháng 10, Johnson & Johnson đã tách công ty con LTL Management ra khỏi công ty mẹ, chuyển các yêu cầu bồi thường liên quan đến bột talc cho LTL Management, đặt công ty này vào tình trạng phá sản.
Những người khởi kiện cho rằng Johnson & Johnson phải tự đứng ra giải quyết vấn đề, trong khi phía Johnson & Johnson lại nói rằng việc chuyển trách nhiệm pháp lý cho LTL Management là cách công bằng để bồi thường cho những người khiếu nại.
Theo một cuộc điều tra năm 2018 của hãng tin Reuters, Johnson & Johnson từ lâu đã biết các sản phẩm làm từ bột talc của họ có chứa amiăng. Ghi chép nội bộ của công ty và nhiều bằng chứng khác cho thấy ít nhất từ năm 1971 đến đầu những năm 2000, bột talc nguyên chất và bột thành phẩm của Johnson & Johnson thỉnh thoảng xét nghiệm dương tính với một lượng nhỏ amiăng.