Mọi lo lắng đổ dồn về nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia ở Ukraine

(PLO)- Mọi diễn biến liên quan nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine đang được dõi theo sát sao, trong bối cảnh Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế báo động nguy cơ xảy ra thảm họa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vài tuần nay, khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở TP Energodar thuộc tỉnh Zaporizhia (Ukraine) hứng hàng loạt vụ tấn công và cả Nga lẫn Ukraine đổ trách nhiệm cho nhau.

Phía Ukraine cho biết khu vực nhà máy bị tấn công năm lần trong ngày 11-8, trong đó có cả địa điểm gần nơi trữ vật liệu phóng xạ. Còn phía Nga thì cáo buộc rằng Ukraine đã hai lần nã pháo vào nhà máy, theo hãng tin Tass.

Hội đồng Bảo an họp

Ngày 11-8, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) họp bàn về tình hình nhà máy. Cuộc họp được tổ chức theo yêu cầu phía Nga, theo hãng tin Reuters.

Nhà máy điện hạt nhân TP Energodar thuộc tỉnh Zaporizhia (Ukraine). Ảnh: SPUTNIK

Nhà máy điện hạt nhân TP Energodar thuộc tỉnh Zaporizhia (Ukraine). Ảnh: SPUTNIK

Trong cuộc họp, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cảnh báo rằng các hành động “bất cẩn” của Ukraine đang đẩy thế giới đến gần hơn với thảm họa hạt nhân nghiêm trọng.

Theo ông Nebenzia, nếu phía Ukraine tiếp tục tấn công nhà máy thì thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, có thể gây ô nhiễm phóng xạ cả một vùng rộng lớn, ảnh hưởng đến ít nhất tám tỉnh của Ukraine bao gồm cả thủ đô Kiev và các TP lớn như Kharkov hay Odessa, cũng như một số vùng lãnh thổ của Nga và Belarus nằm giáp Ukraine.

Các tỉnh Luhansk và Donetsk ở vùng Donbass (đông Ukraine) cũng như Moldova, Romania, Bulgaria khả năng lớn cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng.

Cùng ngày tại Nga, Bộ Ngoại giao nước này cũng lên tiếng rằng nếu Ukraine cứ tấn công nhà máy thì hành động khủng bố đó có thể dẫn tới một thảm họa nghiêm trọng hơn cả thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.

Phần Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga đang đặt toàn bộ châu Âu vào tình thế nguy hiểm. Theo ông, chỉ có việc rút hết quân nga khỏi khu vực nhà máy, quyền kiểm soát được trao trả cho Ukraine thì mới đảm bảo khôi phục an toàn hạt nhân cho toàn châu Âu.

Trước mắt, Energoatom - Cơ quan hạt nhân của Ukraine cho biết mức độ bức xạ tại nhà máy vẫn trong giới hạn bình thường.

Nhà máy Zaporizhzhia đang trong sự kiểm soát của phía Nga nhưng do công nhân Ukraine vận hành.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nêu ý kiến rằng chuyện gây rủi ro với nhà máy là “không thể chấp nhận”. Ông đề nghị các bên rút quân và khí tài khỏi nhà máy, kiềm chế không tái triển khai quân và vũ khí tới đây. Nga và Ukraine phải đối thoại để lập một vùng phi quân sự ở khu vực nhà máy, theo ông.

Lính Nga đứng gác gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine. Ảnh: REUTERS

Lính Nga đứng gác gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine. Ảnh: REUTERS

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế Bonnie Jenkins cáo buộc Nga gây ra mọi rủi ro liên quan đến nhà máy với hành động phát động cuộc chiến ở Ukraine và yêu cầu Nga rút quân. Bà cũng ủng hộ lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ Guterres lập khu phi quân sự ở khu vực nhà máy.

Ngày 10-8, các nước G7 (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Mỹ) kêu gọi Nga trao trả nhà máy cho Ukraine để bảo đảm sự an toàn và an ninh của các hoạt động của nhà máy. Trung Quốc đề nghị các bên liên quan đối thoại thống nhất giải pháp về vấn đề nhà máy.

IAEA báo động nguy cơ thảm họa

Trước HĐBA, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cảnh báo rằng tình trạng "đáng báo động" tại nhà máy đã đến "thời điểm nghiêm trọng".

Theo ông, nhiều bộ phận của nhà máy đã bị đánh sập do các vụ tấn công gần đây, tiềm tàng nguy cơ rò rỉ phóng xạ và điều này "không thể chấp nhận được".

"Các chuyên gia của IAEA tin rằng không có mối đe dọa ngay lập tức đối với an toàn hạt nhân, nhưng điều đó có thể thay đổi bất cứ lúc nào…Bất kỳ hành động quân sự nào gây nguy hiểm cho an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân, đều phải dừng lại ngay lập tức. Những hành động quân sự gần một cơ sở hạt nhân lớn như vậy có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng” – ông Grossi cảnh báo.

Ông Grossi cũng nói rằng các báo cáo mà ông nhận từ phía Nga và Ukraine mâu thuẫn nhau, đồng thời đề nghị hai bên tạo điều kiện để thanh sát viên của IAEA đến kiểm tra nhà máy “càng sớm càng tốt”.

Theo IAEA, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này chứa tới 60 tấn uranium và plutonium đã được làm giàu trong các lõi lò phản ứng và kho chứa nhiên liệu đã qua sử dụng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm