Tình hình ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nguy hiểm đến mức nào?

(PLO)- Việc Nga và Ukraine liên tục tung thông tin cáo buộc nhau tấn công nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu đã cản trở việc xác định tình hình hiện tại, cũng như mức độ nguy hiểm xung quanh nhà máy.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-8, Ukraine và Nga tiếp tục cáo buộc nhau tái pháo kích Zaporizhzhia - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu trong ngày 6-8. Nhiễu loạn thông tin từ hai phía đã khiến các bên liên quan khó có thể xác định được tình hình hiện tại, cũng như mức độ nguy hiểm xung quanh nhà máy, theo tờ The Guardian.

Tại sao nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lại quan trọng?

Được xây dựng từ thời Liên Xô, nhà máy Zaporizhzhia là lò phản ứng hạt nhân lớn nhất ở châu Âu. Sáu lò phản ứng nước điều áp bên trong nhà máy (với ít nhất hai lò hiện đang hoạt động) rất quan trọng đối với Kiev vì chúng có thể sản xuất điện cung cấp tới 4 triệu ngôi nhà.

Nằm trên bờ nam của sông Dnepr ở TP Enerhodar (tỉnh Zaporizhzhia), phía tây nam của TP Zaporizhzhia, nhà máy này chiếm một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng đối với cả lực lượng Nga và Ukraine. Bằng chứng là ngay từ những ngày xung đột đầu tiên, Nga đã quyết tâm giành quyền kiểm soát nhà máy.

Một binh sĩ Nga đứng gác tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: REUTERS
Một binh sĩ Nga đứng gác tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: REUTERS

Sự hiện diện của các lò phản ứng làm mát bằng nước và một kho lưu trữ nhiên liệu đã qua sử dụng trên một khu vực rộng lớn và ngổn ngang đã tạo ra một bãi pháo “có mái che”. Các lực lượng Nga đã tận dụng các phương tiện này để nhắm bắn vào các mục tiêu Ukraine, trong khi Ukraine gần như sẽ không bắn trả để tránh một tai nạn hạt nhân.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cáo buộc Nga sử dụng nhà máy này như một "lá chắn hạt nhân". Ông cho rằng việc Ukraine không thể bắn trả đã cho phép Nga nhắm mục tiêu vào các khu vực như TP Nikopol bên kia sông, nơi đã bị pháo kích dữ dội trong những tuần gần đây.

Các vấn đề khiến giới chuyên môn quan ngại

Có ba vấn đề khiến các chuyên gia quan ngại về an toàn tại nhà máy.

Thứ nhất, các quan chức an toàn hạt nhân quốc tế lo ngại về tình trạng thiếu phụ tùng thay thế, và thiếu khả năng tiếp cận để bảo trì các lò phản ứng theo định kỳ. Ngoài ra, việc nhà máy nằm dưới sự kiểm soát của Nga nhưng lại do nhân viên người Ukraine vận hành cũng đã khiến việc liên lạc với đội ngũ bên trong nhà máy vô cùng khó khăn.

Vấn đề thứ hai là các vụ bắn tên lửa xung quanh nhà máy vào cuối tuần qua mà Nga và Ukraine quy trách nhiệm cho nhau. Theo Energoatom - cơ quan quản lý hạt nhân Ukraine, Nga đã nhắm mục tiêu vào khu vực chứa nhiên liệu đã qua sử dụng, bất chấp sự hiện diện của quân đội Nga tại khu vực này.

Lính cứu hỏa cố gắng dập tắt đám cháy sau một cuộc tấn công ở nhà máy Zaporizhzhia. Ảnh: REUTERS

Lính cứu hỏa cố gắng dập tắt đám cháy sau một cuộc tấn công ở nhà máy Zaporizhzhia. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, các quan chức Ukraine từng bị cáo buộc là cường điệu hóa về các nguy cơ hạt nhân gây ra do chiến sự ở hai nhà máy Chornobyl và Zaporizhzhia. Vì vậy, hiện vẫn chưa rõ mức độ nguy hiểm của các cuộc tấn công cuối tuần qua.

Một vấn đề tiếp theo là tuyên bố của tình báo Ukraine - được báo cáo trên các phương tiện truyền thông Ukraine - rằng Nga đã đặt mìn bên trong nhà máy Zaporizhzhia.

Báo cáo nói trên trích dẫn lời của người đứng đầu lực lượng phòng vệ bức xạ, hóa học và sinh học của lực lượng vũ trang Nga - Thiếu tướng Valery Vasiliev nói: "Sẽ có một là đất của Nga, hoặc hai là sa mạc cháy sém”.

Tuy nhiên, The Guardian cho rằng một vụ nổ lớn và có chủ ý ở Zaporizhzhia sẽ đe dọa không chỉ Ukraine mà còn tạo ra nguy cơ ô nhiễm hạt nhân ở cả miền nam nước Nga. Chính vì thế, Nga sẽ phải cân nhắc về việc này.

Việc tấn công xung quanh nhà máy nguy hiểm như thế nào?

Các lò phản ứng được thiết kế để chịu được tác động đáng kể. Tuy nhiên, các khu chứa nhiên liệu đã qua sử dụng không được xây dựng với mức độ bảo vệ tương tự. Chiến sự đã đe dọa tình hình an toàn của nhà máy, khi đạn pháo có thể bị rơi trúng khu vực này bất cứ lúc nào.

Điều đó đồng nghĩa với việc một cuộc tấn công vào kho chứa nhiên liệu đã qua sử dụng có thể là một thảm họa thật sự.

Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế - ông Rafael Mariano Grossi, mô tả những động thái đang diễn ra là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường ở Ukraine, và có thể vượt xa biên giới của nó.

Ông mô tả tình hình hiện tại "hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát".

Trước đó, ông Grossi đã đề xuất được đến thăm nhà máy. Tuy nhiên, phía Ukraine đã ngăn chặn ý tưởng ​​này. Vào tháng 6, Energoatom lập luận rằng bất kỳ chuyến thăm nào đều là sự hợp pháp hóa sự hiện diện của Nga ở đây.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm