Lãi suất đô la tăng mạnh khiến các nhà đầu tư trên toàn cầu có xu hướng rút tiền khỏi các thị trường khác để đầu tư vào các tài sản Mỹ với kỳ vọng có lợi suất cao hơn. Đó là góc nhìn của các chuyên gia kinh tế chia sẻ tại talkshow với chủ đề “Ứng phó dưới áp lực tỉ giá” do tạp chí Saigontimes tổ chức chiều 27-10.
Tiền đồng ổn định hơn so với nhiều nước trên thế giới
Đánh giá về việc áp lực tăng tỉ giá USD/VND trong thời gian gần đây, ông Cao Việt Hùng, Trưởng bộ phận Phân tích tài chính, Công ty chứng khoán ACBS, cho biết: Quan sát, vấn đề cung cầu trên thị trường đô la Mỹ hiện nay cho thấy khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tiếp điều chỉnh tăng lãi suất USD khiến cho dòng vốn có xu hướng chảy ngược về Mỹ, điều này đã gây ra sự thiếu hụt thanh khoản đồng đôla trên thị trường Việt Nam. Để ổn định tỉ giá, trong thời gian qua NHNN đã phải bán ngoại tệ để hỗ trợ thị trường.
Ông Trịnh Viết Hoàng Minh, chuyên gia mảng phân tích Công ty chứng khoán ACBS nói: Ngoài việc bán ngoại tệ để giữ ổn định tỷ giá thì NHNN cũng sử dụng một công cụ khác nữa là từ tháng 6 cho đến nay cơ quan này đã liên tục điều tiết trên thị trường liên ngân hàng để giữ cho lãi suất liên ngân hàng ở mức cao, tương đối là hấp dẫn so với lại đồng đô la Mỹ để từ đó giảm bớt áp lực tỷ giá.
Cụ thể, hồi đầu năm lãi suất liên ngân hàng chỉ quanh 1%/năm và bây giờ đã tăng lên khoảng 7%/năm, tức là cao hơn so với đồng đô la Mỹ đang ở mức 3,25%/năm.
"Bên cạnh đó, lãi suất huy động tại các ngân hàng thời gian qua cũng được điều chỉnh tăng khá mạnh nhằm tạo ra sức hấp dẫn để mọi người có thể giữ đồng Việt Nam, qua đó cũng giúp giảm áp lực lên tỉ giá và giữ đồng Việt Nam tương đối ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực cũng như trên thế giới”, ông Minh nói.
Theo con số của ACBS, quỹ dự trữ ngoại hối tại Việt Nam hiện đang ở quanh mức 86 tỉ USD, tương đương NHNN đã bán khoảng 24 tỉ USD từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng với việc cải tạo môi trường kinh doanh tốt hơn để thu càng ngày càng nhiều vốn đầu tư FDI, đẩy mạnh phát triển của ngành du lịch, thu hút khách du lịch quốc tế là những cách để bổ sung nguồn thu ngoại tệ, qua đó góp phần ổn định tỉ giá.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo hưởng lợi kép khi cả giá lương thực và tỷ giá đều tăng |
Mặt trái của đồng USD tăng giá mạnh
Khi tỉ giá tăng, kéo theo lãi suất tiền gửi cũng phải tăng theo và điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của một số lĩnh vực, trong đó có đầu tư chứng khoán.
Liên quan đến kênh đầu tư chứng khoán liên tục giảm điểm từ đầu tháng 9 đến nay, ông Cao Việt Hùng cho biết: Thị trường chứng khoán trong ngắn hạn, dòng tiền là yếu tố quan trọng nhất nó có vai trò thúc đẩy thị trường tăng hoặc kéo chỉ số Vn-index tiếp tục đi xuống. Khi mà FED tăng lãi suất đồng USD thì đồng Việt Nam cũng phải tăng theo và gây áp lực giảm giá đối với thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, khi NHNN giữ ổn định tỉ giá bằng cách bán dự trữ ngoại hối và đã thu hút lực lượng tiền đồng tương ứng ra khỏi hệ thống ngân hàng thương mại thì điều đó cũng gây áp lực cho thanh khoản không chỉ của thị trường liên ngân hàng mà còn tất cả các thị trường khác như là thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho không chỉ thị trường chứng khoán mà còn cả thị trường khác như là bất động sản, trái phiếu cũng bị "đóng băng" trong thời gian vừa qua.
Ngoài ra, các sai phạm của một số công ty bất động sản trong việc phát hành trái phiếu cũng ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán.
Khi tỉ giá tăng thì các doanh nghiệp vay nợ bằng đồng USD sẽ chịu tác động mạnh đó là vừa chịu lỗ tỉ giá tăng đồng thời chi phí lãi vay ngày càng trở nên đắt đỏ hơn do lãi suất đồng đôla đã và đang tiếp tục tăng. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng từ Mỹ như: bông, hoá chất, nhựa máy móc thiết bị… cũng chịu tác động trực tiếp khi mà chi phí nhập khẩu của họ sẽ tăng lên theo biến động của tỉ giá.
Còn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ các mặt hàng như: dệt may, thuỷ sản… sẽ được hưởng lợi trong bối cảnh đồng đôla Mỹ đang tăng cao như hiện nay.
"Tuy nhiên những doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường thuộc khu vực châu Âu, Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, thâm hụt nguồn thu bởi VND giảm so với USD nhưng lại tăng giá so với các đồng tiền khác trên thế giới trong đó đồng Euro và Yên Nhật", ông Hùng nói.
Ông Trịnh Viết Hoàng Minh cho rằng: Tỉ giá tăng lên có lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhưng cũng phải xem cơ cấu của hoạt động xuất khẩu ra sao. Đối với nền kinh tế Việt Nam, xuất khẩu chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI, trong khi đó họ lại nhập khẩu hơn 80% nguyên vật liệu, cho nên nếu tiền đồng bị mất giá thì họ sẽ có lợi về xuất khẩu nhưng lại gặp bất lợi về mặt nhập khẩu nguyên vật liệu.
"Cho nên, Việt Nam nên giữ ổn định tỉ giá để các doanh nghiệp này cân đối được chi phí đầu vào và đầu ra, và như vậy sẽ tốt hơn cho các hoạt động xuất nhập khẩu hơn là phá giá đồng tiền Việt Nam”, ông khuyến nghị.