Bệnh nhân Ma Văn Nhật (54 tuổi, trú xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) khi đi khám bệnh đã phát hiện ra trong ổ bụng có một chiếc kéo/panh dài 15 cm. Chiếc kéo này được cho là đã bị bỏ quên trong bụng bệnh nhân trong một ca phẫu thuật cách đây 18 năm tại BV Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. May cho ông là chưa bị thủng ruột.
Trước nay, thỉnh thoảng đọc thấy thông tin “bác sĩ mổ đẻ bỏ quên gạc trong bụng sản phụ”, “quên bông gòn trong ổ bụng” đã cảm thấy ngán ngẩm, hôm nay đến cây kéo to như vậy mà cũng quên được thì bó tay rồi. Đây không chỉ là sự cẩu thả mà là thái độ vô trách nhiệm, coi thường tính mạng bệnh nhân.
Chiếc kéo bị bỏ quên 18 năm trong bụng bệnh nhân Ma Văn Nhật.
Mới năm ngoái, anh bạn tôi từng là nạn nhân của chuyện bỏ quên như trên nhưng may mắn “dị vật” trong bụng anh ấy không phải là kéo. Chiều hôm ấy, anh gửi cho tôi cái hình miếng gạc nhuốm máu, bảo: “Vừa rút được miếng gạc bị bác sĩ bỏ quên hồi mổ ruột thừa mấy năm trước”. Anh kể bữa đó đang trông con thì anh phát hiện có miếng chỉ lòi ra, nghĩ là chỉ vết khâu nên anh tự kéo ra, ai dè tòi ra miếng gạc cỡ 2 cm ở vết mổ.
Vốn là công an, biết kỹ năng y tế nên anh bạn tôi không bị nhiễm trùng. Hôm sau, anh phải đến bệnh viện khám và xử lý lại vết thương.
Tháng 7 vừa rồi, một người bạn khác của tôi ở Hà Nội bị kính nổ vào tay. Anh đi tiểu phẫu ở một bệnh viện lớn. Sau một tuần, thấy tay vẫn còn đau nhức, có những đêm đau không ngủ được, cầm nắm vật nặng khó khăn nên bạn tôi quyết định đi chụp X-quang lại. Từ hình ảnh và thăm khám của bác sĩ, anh mới tá hỏa phát hiện vẫn còn sót sáu mảnh kính khá to trong tay mình.
Nếu những trường hợp tắc trách như trên không bị xử lý nghiêm mà lại tiếp tục kiểm điểm, rút kinh nghiệm thì còn bao nhiêu người nữa sẽ tiếp tục là bệnh nhân? Đừng nói rằng “đời người ai chưa từng phạm sai lầm” để xí xóa cho nhau, vì đây là sức khỏe, là tính mạng.
Điều tôi sợ nhất là mai này người ta đến bệnh viện chưa chết vì những căn bệnh nguy hiểm: ung thư, lao phổi… thì phải chết vì sự cẩu thả của kíp trực và bác sĩ!