Cây Hồng Trâu, thuộc họ Màn màn, còn gọi là: cây Rom, cây Mề gà, cây Khua mật, cây Móc quạ (Thái Nguyên), chi pản sloa (Cao Bằng)... Độc tố của quả Hồng Trâu là alcaloid, chứa chính trong nhân hạt (chưa thấy trong cùi). Bị ngộ độc Hồng Trâu sẽ dẫn tới suy hô hấp, trụy tim mạch
Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp. Thử nghiệm trên động vật cho thấy liều tối thiểu gây chết (LDmin) qua đường tiêu hóa của hạt có cả cùi đối với thỏ là 18g/kg thể trọng, đối với chuột cống trắng là 72g/kg thể trọng (động vật chết do suy hô hấp và trụy tim mạch).
Quả Hồng Trâu
Như Pháp luật TP.HCM phản ánh, ngày 1-8 các em nhỏ dân tộc H’Mông trú tại xóm Lũng Rạc, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng hái quả dại mọc trên rừng có màu tím, tròn, hạt bên trong màu hồng về ăn. Có 10 người khác cùng ăn và mắc các chứng ngộ độc, trong đó, 3 em nhỏ đã tử vong. Tại tỉnh Hà Giang vào ngày 2-8, ghi nhận ba người ăn quả này bị ngộ độc, trong đó hai tử vong.
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo tuyệt đối không tự ý ăn quả Hồng trâu (dù chỉ là thử nghiệm một lần) cũng như ăn các loại cây, củ, quả lạ mọc trong rừng. Nếu thấy bất kỳ một hiện tượng lạ nào xảy ra thì cần đưa người bệnh đến trạm xá hoặc các trung tâm y tế nhanh nhất.