Kết nối hệ thống đô thị ở Bắc Trung Bộ - duyên hải Trung Bộ

(PLO)- Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp để phát triển đô thị vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, trong đó tập trung vào các đô thị hạt nhân, đô thị trung tâm cấp vùng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Tập trung đẩy mạnh việc kết nối hệ thống các đô thị hạt nhân và đô thị trung tâm cấp vùng trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung nói riêng và với hệ thống đô thị toàn quốc Bắc - Trung - Nam nói chung; hỗ trợ liên kết phát triển giữa các vùng trên cả nước”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nêu giải pháp như vậy khi trình bày tham luận tại hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, vừa được tổ chức tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn. Ảnh: TTBC

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn. Ảnh: TTBC

Hệ thống đô thị được liên kết thuận lợi

Theo thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, hệ thống các đô thị trung tâm, hạt nhân cấp vùng trong khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có những yếu tố thuận lợi.

Thứ nhất, một số địa phương đã có nghị quyết riêng của Bộ Chính trị như Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa nhằm thúc đẩy sự phát triển các tỉnh, trong đó các đô thị là động lực của sự phát triển.

Thứ hai, hệ thống các đô thị trung tâm, hạt nhân cấp vùng này được liên kết thuận lợi với nhau và liên kết với cả các đô thị khác trong nước và quốc tế.

Về đường bộ: quốc lộ 1A đi qua 73/210 đô thị của 14 tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Hệ thống liên kết này đã kết nối hầu hết các đô thị trung tâm và hạt nhân cấp vùng, hình thành mạng lưới đô thị theo chuỗi bám dọc quốc lộ 1A.

Về đường hàng không, đây là một điểm khá nổi bật của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Trong số 14 tỉnh của vùng thì có tám sân bay đang hoạt động và sân bay Phan Thiết (Bình Thuận) dự kiến đi vào hoạt động trong năm sau; sân bay Quảng Trị (Quảng Trị) đang được chuẩn bị thủ tục triển khai đầu tư.

Tất cả các sân bay này đều nằm tại các đô thị hạt nhân và đô thị trung tâm cấp vùng.

Về cảng biển: Trong vùng 11/14 tỉnh có cảng biển, tạo nên hệ thống cảng biển phục vụ phát triển kinh tế vùng, liên kết với các đô thị hình thành con đường thông thương ra thế giới.

Thứ ba, nhiều đô thị được thiên nhiên ưu đãi về du lịch khi có đường bờ biển với nhiều cảnh quan, bãi biển đẹp, hoang sơ, hấp dẫn… cùng các giá trị văn hóa đa dạng của nhiều dân tộc khác nhau. Từ đó, tạo tiền đề để phát triển hình thành các đô thị du lịch ven biển; phát triển ngành du lịch, kinh doanh bất động sản, các khu nghỉ dưỡng, biệt thự cao cấp ven biển...

Một góc TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: HUỲNH HẢI

Một góc TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: HUỲNH HẢI

Lao động trẻ di chuyển ngày càng tăng

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho rằng hệ thống các đô thị hạt nhân, trung tâm cấp vùng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cũng cho thấy còn có những khó khăn. Đó là 12/14 tỉnh trong vùng với 37 đô thị ven biển được xác định chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là khu vực có địa hình bị phân chia rõ rệt khu vực ven biển và khu vực miền núi, ảnh hưởng nhiều đến công tác đầu tư phát triển đô thị.

Trong vùng còn có vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với TP Đà Nẵng là trung tâm. Tuy nhiên TP Đà Nẵng chưa thực sự đóng vai trò là hạt nhân tạo sự lan tỏa chung cho cả vùng.

Trong vùng có sự di chuyển lao động trẻ, lao động có đào tạo sang các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong những năm qua và vẫn đang tiếp diễn là thách thức đối với sự phát triển của vùng.

Đẩy mạnh kết nối hệ thống các đô thị để phát triển. Ảnh: HUỲNH HẢI

Đẩy mạnh kết nối hệ thống các đô thị để phát triển. Ảnh: HUỲNH HẢI

Đẩy mạnh kết nối hệ thống đô thị

Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp để phát triển đô thị vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, trong đó tập trung vào các đô thị hạt nhân, đô thị trung tâm cấp vùng.

Thứ nhất, 14 tỉnh cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp theo tinh thần nghị quyết của Bộ chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam, chú trọng đối với các đô thị là hạt nhân và trung tâm cấp vùng.

Thứ hai, tập trung đẩy mạnh việc kết nối hệ thống các đô thị hạt nhân và đô thị trung tâm cấp vùng trong vùng nói riêng và với hệ thống đô thị toàn quốc Bắc - Trung - Nam nói chung; hỗ trợ liên kết phát triển giữa các vùng trên cả nước.

Các đô thị lớn có hạ tầng hiện đại như Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vinh... cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư nâng cấp hệ thống mạng lưới kết cấu hạ tầng để nâng cao hơn nữa khả năng kết nối, trong vùng cũng như trên cả nước; trọng tâm là các dự án quan trọng, nhất là giao thông tạo động lực phát triển các cực tăng trưởng, vùng đô thị, đô thị lớn, kết nối nông thôn – đô thị.

Thứ ba, các đô thị lớn cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hình thành nhiều các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng gắn liền đô thị tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế đô thị.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 210 đô thị

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh ven biển, có tổng cộng 210 đô thị. Năm 2021, tỉ lệ đô thị hóa của vùng là 37,5%, thấp hơn tỉ lệ trung bình cả nước là 40,5%.

Trong số 210 đô thị của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 6 đô thị loại I, 7 đô thị loại II, 10 đô thị loại III, 21 đô thị loại IV, 166 đô thị loại V.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm