Trong phiên họp cuối cùng tại hội nghị NATO, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Mỹ và EU sẽ tiếp tục đưa ra các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, bất chấp lệnh ngừng bắn trên quốc gia Đông Âu vừa được ký kết chưa đầy 1 tiếng.
Quân đội Mỹ và NATO tập trận tại Ba Lan vào tháng 5 (reuters)
Nước Mỹ và cả NATO vẫn nghi ngờ vào “lộ trình hòa bình” của Putin và thiện chí của phe ly khai miền Đông. Ông cho rằng thỏa thuận này cần phải được “kiểm chứng”, và kết quả này có được là “nhờ vào” áp lực từ những cấm vận kinh tế chống Nga mà EU đã và đang đe dọa đưa ra.
Hàng loạt các cấm vận kinh tế mà phương Tây áp đặt lên nền kinh tế Nga, theo như ông Obama mô tả, đang đẩy nước Nga đến trạng thái bị cô lập nhất kể từ sau chiến tranh lạnh.
Ông cho biết, chỉ đến khi các điều khoản thỏa thuận đươc tiến hành như cam kết, việc cấm vận mới thật sự kết thúc.
Ngược lại, chính quyền Moscow cũng chưa hết nghi ngờ về tham vọng “hướng Đông” của NATO và EU. Mối quan ngại càng tăng cao sau quyết định thành lập lực lượng phản ứng nhanh 4000 quân của NATO.
Moscow cáo buộc NATO đã lợi dụng cuộc khủng hoảng tại Ukraine là cái cớ để đẩy quân đội NATO càng ngày càng gần biên giới Nga và lộ trình hòa bình ở miền Đông Ukraine có nguy cơ bị đổ vỡ vì lực lượng này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị NATO (reuters)
Nga cũng cho rằng NATO đang hỗ trợ một cách “mù quáng” cho lực lượng dân tộc cực đoan và “phát xít” chính quyền Kiev.
Ông Aleksandr Grushko, trưởng phái đoàn Nga tại NATO, đánh giá tổ chức này đang hành xử bằng “tư duy của thời chiến tranh lạnh”, đe dọa phá vỡ hiệp ước ngừng đối đầu Nga – NATO vào năm 1997, quy định không đặt căn cứ quân sự tại các nước xung quanh biên giới của Nga.
Ông đánh giá, NATO đang bắt đầu “khoe cơ bắp” trở lại nhằm đe nẹt các nước không cùng lập trường. Ông cũng cảnh báo hành động đưa tàu chiến của NATO vào Biển Đen hôm 05-09 sẽ làm sụp đổ sự tin tưởng được gầy dựng lâu nay, và là bước đầu tiên hình thành một điểm nóng xung đột mới.