Chiều 22-10, TAND huyện Phú Vang (Thừa Thiên-Huế) đã xử sơ thẩm vụ bốn thanh niên địa phương bị truy tố về hành vi cướp giật vé số.
Đây là một nghi án oan mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh. Trước khi xử, tòa đã từng phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung bởi chứng cứ buộc tội chỉ dựa vào lời khai vu vơ của phía nạn nhân, các bị cáo có bằng chứng ngoại phạm…
Đầy mâu thuẫn
Từ mờ sáng, hàng ngàn người dân trong vùng đã kéo về trụ sở TAND huyện Phú Vang để theo dõi phiên tòa. Tuy nhiên, cảnh sát chỉ cho những người “có liên quan” vào phòng xử, số còn lại theo dõi bên ngoài qua loa phóng thanh.
Sau khi chủ tọa công bố lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, Nguyễn Thành Huy, Nguyễn Văn Hùng, Võ Đại Quốc Dũng đồng loạt kêu oan. Họ cho rằng mình đã bị cán bộ điều tra dọa nạt, ép cung nên hoảng sợ nhận tội bừa chứ sự thật họ chẳng liên quan gì đến vụ cướp giật vé số cả.
Bị cáo còn lại là Dương Quang Việt. Khác ba người trên, suốt quá trình điều tra, truy tố, Việt luôn một mực kêu oan. Ra tòa, Việt cũng cương quyết không nhận tội.
Bị cáo Nguyễn Văn Hùng khóc tức tưởi, kêu oan khi bị kết án 42 tháng tù. Ảnh: TRƯỜNG AN
Trước đây, khi trả hồ sơ, tòa yêu cầu phải làm rõ nạn nhân nhìn thấy bao nhiêu xe máy gây án, chiếc xe các bị cáo dùng để phạm tội bị hư hỏng vào thời điểm nào, chiếc dép rơi lại tại hiện trường là của ai, sao không dùng làm vật chứng, vì sao khi dựng lại hiện trường không có Việt với vai trò đầu vụ… Đến nay, sau khi điều tra bổ sung, các yêu cầu của tòa vẫn chưa được đáp ứng.
Cáo trạng ghi khi thấy nạn nhân đứng nói chuyện với người bán trứng vịt lộn bên đường, Việt nói với các bạn: “Có bà bán vé số nơi tề, đi theo để giật đồ”. Khi nạn nhân đạp xe về, Huy chở Hùng, còn Dũng chở Việt bám theo. Huy áp sát bên trái xe đạp của nạn nhân để Hùng ngồi sau giật túi xách rồi rồ ga bỏ chạy. Dũng chở Việt chạy theo với khoảng cách 10 m…
Trong khi đó, tại tòa, nạn nhân xác nhận chỉ thấy có một xe máy nhưng không rõ số người trên xe. Đặc biệt, một mâu thuẫn nữa cũng chưa được lý giải: VKS khẳng định Hùng là người giật túi xách, trong khi nạn nhân khai rằng người giật túi xách mặc áo sọc trắng, na ná chiếc áo Việt mặc.
VKS cũng không làm rõ được thời gian chiếc xe của các bị cáo bị hư hỏng. Đối với chiếc dép da màu vàng rơi lại hiện trường vụ va chạm giữa người nhà nạn nhân với xe máy của kẻ nghi là kẻ cướp, cơ quan điều tra không tìm ra chủ nhân nên… cất vào kho vật chứng.
Bỏ qua bằng chứng ngoại phạm
Tranh tụng, hai luật sư bào chữa đã đưa ra những bằng chứng ngoại phạm của thân chủ, có nhân chứng xác nhận.
Theo các luật sư, tối 17-6-2009, bốn thanh niên này qua nhà một người bạn gái ở xã Phú An chơi, đến 22 giờ 30 mới về. Trên đường, họ gặp một vụ tai nạn nên dừng lại xem khoảng 5 phút. Sau đó họ tiếp tục chạy về, đến một nhà hàng trên quốc lộ 49 thì xe của Dũng chở Việt bị ngã làm cả hai bị thương ở đầu gối, xe máy bị gãy chốt bánh, không thể tiếp tục chạy được.
5 phút sau, cả nhóm áp tải chiếc xe máy bị hỏng về cầu Phú Khê, xã Phú Dương. Dũng ngồi lại trông xe, còn Hùng chở Huy, Việt chạy vào nhà một người dân trong thôn hỏi công chuyện làm ăn. Sau đó cả ba quay lại, đẩy xe máy của Dũng về quán cháo ở gần cầu chợ Nọ lúc 23 giờ 5.
Một luật sư phân tích: “Thời điểm xảy ra vụ cướp giật trùng thời điểm bốn thanh niên này chạy xe từ xã Phú An về và gặp nạn trên quốc lộ 49. VKS cần phải làm rõ quỹ thời gian của nạn nhân và thời điểm xảy ra vụ việc. Nếu đúng như khẳng định của VKS thì làm sao chỉ trong 5 phút, bốn thanh niên này có thể cướp giật tài sản, chạy trốn, chia nhau tiền rồi đến quán cháo ăn nhậu?”.
Luật sư còn lại chỉ ra: “VKS chỉ dựa vào lời khai bất nhất của các bị cáo để buộc tội là không thuyết phục, trong khi tại tòa, họ đều nói bị ép cung nên khai bừa. Cơ quan điều tra không thu giữ được một vật chứng nào, cả giá trị tài sản bị cướp giật cũng chỉ dựa vào lời khai của nạn nhân thì cơ sở đâu mà buộc tội? Chiếc dép rơi tại hiện trường là cơ sở để truy tìm thủ phạm thì cơ quan điều tra không lấy làm vật chứng. Chiếc xe mà VKS cho là phương tiện để gây án thì đã hỏng, không chạy được”...
Đối đáp, đại diện VKS đuối lý khi nói không cần thiết phải xem xét quỹ thời gian của nạn nhân, thời điểm xảy ra vụ cướp giật thì chỉ tính “khoảng” thôi bởi không ai biết chính xác, không lấy chiếc dép làm vật chứng do không chứng minh được đó là của bị cáo...
Luật sư phản đối ngay: Việc xác định thời điểm xảy ra vụ cướp rất cần thiết vì nó sẽ xác nhận bằng chứng ngoại phạm của các bị cáo. Nhưng sau đó VKS đã không tranh luận lại.
Vẫn kết án!
Khi nói lời sau cùng, cả bốn bị cáo đều khóc và nói: “Bị cáo bị bắt oan, xin quan tòa soi xét”.
Dù còn nhiều điều mâu thuẫn, chưa rõ nhưng cuối cùng, TAND huyện Phú Vang vẫn tuyên phạt Việt bốn năm tù, Hùng ba năm sáu tháng tù, Huy ba năm tù, Dũng hai năm tù.
Khi chủ tọa tuyên án, cả phòng xử nhốn nháo. Người thân của các bị cáo kêu khóc, có người lăn ra ngất xỉu khiến phiên tòa phải gián đoạn để xe cứu thương vào đưa đi cấp cứu. Phiên tòa kết thúc, hàng trăm người vẫn còn vây quanh trụ sở TAND huyện Phú Vang bàn tán, phản đối…
Phía gia đình các bị cáo cho biết sẽ kháng cáo. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn tiến mới.
Tai họa từ lời nói đùa Khoảng 22 giờ 30 ngày 17-6-2009, bà Lê Thị Hoa đi bán vé số dạo về đến ngõ nhà mình ở xã Phú Dương (Phú Vang) thì có người chạy xe máy áp sát, giật túi xách bên trong có hơn 1 triệu đồng cùng 250 tờ vé số. Bất ngờ, bà Hoa chỉ kịp thoáng thấy kẻ cướp giật mặc áo sọc màu trắng, còn biển số xe, màu xe cho đến số người ngồi trên xe bà đều không biết. Nghe tiếng bà quýnh quáng tri hô, hai con trai của bà chạy ra, lấy xe máy truy đuổi. Đến tỉnh lộ 2, xe họ va chạm với một xe máy khác mà họ nghi là của tên cướp. Họ bị ngã, còn chiếc xe kia chỉ chao đảo rồi tiếp tục phóng đi. Truy đuổi không thành, mẹ con bà Hoa đến công an xã trình báo. Trên đường về, mẹ con bà ghé một quán cháo ven đường. Bà Hoa than khóc kể lại chuyện và nói có thoáng thấy tên cướp mặc áo sọc màu trắng. Lúc này, Việt, Huy, Hùng và Dũng đang ngồi ăn cháo. Nghe vậy, Việt quay sang đùa: “Áo tên cướp có giống áo của tui không?”. Bà Hoa liền bảo Việt đừng đùa như thế rồi ra về. 12 ngày sau, Công an xã Phú Dương triệu tập Việt, Huy, Hùng, Dũng đến trụ sở rồi tạm giữ vì cho rằng họ có liên quan đến vụ cướp giật. Trong lúc bị tạm giữ, Huy và Dũng nhận tội. Tiếp đó, công an xã gọi điện thoại yêu cầu cha mẹ bốn thanh niên này đến xã bảo lãnh, nộp tiền phạt. Về nhà, Huy và Dũng viết đơn gửi UBND xã Phú Dương kêu oan rằng mình bị đánh đập nên nhận tội bừa. Tháng 8-2009, Công an huyện Phú Vang đã khởi tố, bắt tạm giam Việt, Huy, Hùng, Dũng. Tháng 4-2010, VKS huyện ra cáo trạng truy tố họ. Tháng 7, TAND huyện trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung. |
NGUYÊN LINH - TRƯỜNG AN