Khách hàng mở cửa xe gây tai nạn: Ai phải chịu trách nhiệm?

(PLO)- Nếu khách hàng tự ý mở cửa xe gây tai nạn cho người khác thì phải chịu trách nhiệm đóng tiền phạt và bồi thường thiệt hại.

Tôi là tài xế xe công nghệ, hiện mức phạt tiền mở cửa xe gây tai nạn rất cao. Tuy nhiên nhiều khách hàng khi lên xuống xe rất ẩu, không đợi hướng dẫn của bác tài. Xin hỏi trong trường hợp mở cửa xe gây tai nạn, tài xế hay khách hàng sẽ nộp phạt và đền bù cho nạn nhân?

Bạn đọc Hoàng Trang (TP.HCM)

Luật sư Trương Văn Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: khoản 5, khoản 10 Điều 6 Nghị định 168/2024 quy định phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn.

Phạt tiền từ 20-22 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông: điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 1; điểm c khoản 2; điểm b, điểm g, điểm h, điểm n, điểm o, điểm p, khoản 3; điểm a, điểm c, điểm d khoản 4; điểm c, điểm d, điểm e, điểm h, điểm n, điểm o, điểm q khoản 5 (Mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn); điểm b khoản 7; điểm b, điểm c, điểm d khoản 9 Điều này.

Mở cửa xe ô tô không quan sát có thể gây ra tai nạn. Ảnh: Pexels.

Trong trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 260 Mục 1 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù tối đa lên đến 15 năm.

Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả (quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này) nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Ngoài ra, người mở cửa xe ô tô không đảm bảo an toàn, gây tai nạn cho người khác còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 584 Mục 1 Chương XX Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

“Ai thực hiện hành vi thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Như vậy trong trường hợp này, nếu khách hàng tự ý mở cửa xe gây tai nạn cho người khác phải chịu trách nhiệm đóng tiền phạt và bồi thường thiệt hại” - LS Tuấn nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới