Khách sạn hạng sang 'đau đớn nhìn đàn chim thành đạt bay đi'

Ngày 8-7, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức công bố, phát động chương trình “Giải pháp cấp bách cung ứng nguồn nhân lực chất lượng quốc tế cho ngành quản trị khách sạn”.

GS.TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam nhận định, những năm gần đây Việt Nam luôn được đánh giá là thị trường phát triển bậc nhất cho ngành khách sạn tại khu vực châu Á.

Tuy nhiên, ngành khách sạn đang thiếu hụt lớn nhân sự chất lượng cao. Mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng đáp ứng được chỉ có khoảng 15.000 người và chỉ 12% trong số này được đào tạo cao đẳng, đại học.

Mặt khác, thực trạng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu khi 85% thời gian bốn năm học sinh viên được đào tạo lý thuyết, 15% là thực hành. Trong khi tại các nước sinh viên chỉ dành 15% thời gian học lý thuyết 85% là đi học việc thực tế…Vì thế, nhiều sinh viên ra trường chuyên môn, nghiệp vụ yếu, không có kinh nghiệm, vốn ngoại ngữ ít nên gặp nhiều khó khăn trong tìm việc phù hợp.

Nhân viên của khách sạn năm sao tại Vũng Tàu tiễn chào khách 

Theo ông Hùng, hiện nay Việt Nam có hơn 120 khách sạn 5 sao, 270 khách sạn 4 sao, khoảng 500 khách sạn 1-3 sao với gần 35.000 phòng. Dù các khách sạn đã cố gắng thu hút, đào tạo và hoàn thiện đội ngũ nhân sự quản lý cao cấp...nhưng vẫn gặp khó về nguồn nhân lực. Đặc biệt, các khách sạn xa trung tâm tình trạng này khá trầm trọng.

Ông Hùng dẫn báo cáo về thực trạng chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Tổng cục Du lịch cho thấy tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch chỉ chiếm 43% tổng số lao động du lịch thì có hơn một nửa không biết ngoại ngữ.

“Do chất lượng thấp nên năng suất lao động ngành du lịch, khách sạn của Việt Nam chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/10 Nhật Bản và 1/5 của Malaysia. Việt Nam đành để nguồn nhân lực các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia  làm chủ thế trận. Đặc biệt tại các khách sạn bốn năm sao của Việt Nam đều có những lao động nước ngoài ở những vị trí quan trọng”, ông Hùng nói.

Nghịch lý là trong khi đội ngũ nhân lực có chất lượng ngành quản trị khách sạn thiếu trầm trọng thì những người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên lại đang thừa. Theo khảo sát tỉ lệ thất nghiệp hoặc việc làm không bền vững ở nhóm này đang nằm ở mức cao nhất.

Nhân viên lễ tân là bộ mặt quan trọng của khách sạn 

Theo ông Huỳnh Trung Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Imperial, với sự tăng trưởng đột biến của du lịch Việt Nam những năm gần đây, có hàng nghìn phòng chuẩn bốn đến năm sao được đưa vào khai thác. Kéo theo đó là nhu cầu cần hàng chục nghìn nhân sự có chuẩn nghề.

Tuy nhiên, tình trạng đào tạo hiện nay chủ yếu vẫn là lý thuyết, chưa gắn với nhu cầu của DN trong đào tạo kỹ năng thực hành, thái độ phục vụ và ngoại ngữ. Điều này dẫn đến hầu hết khi ra trường sinh viên có bằng cấp nhưng các khách sạn lại phải mất từ sáu tháng đến một năm đào tạo lại. Vì vậy nguồn nhân lực đã thiếu lại còn yếu.

“Không phải chỉ Imperial "đau đớn" nhìn từng đàn chim thành đạt bay đi mà các khách sạn đồng nghiệp khác chắc chắn đã và sẽ vướng vào cơn bão mất nhân sự, áp lực gia tăng về chi phí bởi sự dành giật bằng mọi giá nhân sự có chuẩn tay nghề”, ông Nam ví von.

Theo ông Nam, với kỳ vọng năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam đứng top 10 trong bản đồ du lịch thế giới. Để đạt mục tiêu này còn một chặng đường chông gai, đặc biệt là lấy tiêu chí chất lượng nhân lực chuẩn quốc tế làm lợi thế cạnh tranh và trở thành tài sản quốc gia cần một cuộc cách mạng để thay đổi.

Căn cứ vào chỉ đạo của Chính Phủ, hiệp hội du lịch Việt Nam chọn Trường Cao Đẳng khách sạn du lịch Quốc tế Imperial đồng hành với Hiệp hội Đào Tạo du lịch Việt Nam làm mô hình thí điểm trong việc xây dựng và phát triển khóa đào tạo ngắn hạn 16 tuần thực hành nghề và quản lý theo chuẩn được quốc tế công nhận để làm giải pháp ứng cứu.

Chuyển hóa hiệu quả cho sự mất cân bằng giữa lực lượng lao động học cao dôi dư và nhu cầu thiếu báo động về nguồn nhân lực chất lượng quốc tế từ các khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm