Lãnh đạo nhiều nước đang đổ về thủ đô New Delhi (Ấn Độ) để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 nền kinh tế hàng đầu G20. Hội nghị lần này kéo dài từ ngày 9 đến ngày 10-9.
Dưới sự chủ trì của nước Chủ tịch Ấn Độ, hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ tập trung thảo luận nhiều vấn để nổi bật của thế giới như biến đổi khí hậu, vai trò của các nước nam bán cầu.
Cờ của các nước và các tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ. Ảnh: REUTERS |
Dưới đây là một số thông tin về hội nghị lần này.
G20 là gì?
G20 là tên viết tắt của Group of Twenty - nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, được thành lập sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. G20 gồm 19 quốc gia (Argentina, Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc (TQ), Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ) và Liên minh châu Âu.
G20 chiếm khoảng 85% GDP toàn cầu, hơn 75% thương mại và khoảng 2/3 dân số thế giới. Theo tờ The Indian Express, là một diễn đàn hợp tác kinh tế quốc tế, G20 đóng vai trò lớn trong việc định hình, củng cố cơ cấu và quản trị toàn cầu đối với các vấn đề kinh tế quan trọng.
Lực lượng an ninh làm nhiệm vụ trên đường phố New Delhi (Ấn Độ), trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: REUTERS |
Chủ đề và logo G20 năm nay là gì?
Theo website chính thức của G20, chủ đề của năm nay là “Vasudhaiva Kutumbakam - Một trái đất, một gia đình, một tương lai”. Ngoài ra, website cho biết chủ đề này cũng nhấn mạnh đến LiFE - lối sống vì môi trường.
Về logo năm nay, thông cáo báo chí của chính phủ Ấn Độ cho biết: “Logo G20 lấy cảm hứng từ màu sắc rực rỡ của quốc kỳ Ấn Độ - màu nghệ tây, trắng, xanh lá cây và xanh lam. Trong logo, Trái Đất được đặt cạnh hoa sen - quốc hoa của Ấn Độ, nhằm phản ánh sự phát triển trong bối cảnh thách thức toàn cầu. Trái Đất phản ánh cách tiếp cận cuộc sống của Ấn Độ - một cách tiếp cận hoàn toàn hòa hợp với thiên nhiên”.
Logo và chủ đề của G20 năm nay, tại một địa điểm ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ). Ảnh: REUTERS |
Trong lễ giới thiệu logo, Thủ tướng Ấn Độ - ông Narendra Modi cho biết: “Biểu tượng hoa sen trong logo G20 là đại diện cho niềm hy vọng trong thời điểm này. Dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu, hoa sen vẫn nở. Ngay cả khi thế giới đang gặp khủng hoảng sâu sắc, chúng ta vẫn có thể tiến bộ và biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn”.
Khách mời của Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay gồm những ai?
Ngoài các nước thành viên, hàng năm, chủ tịch G20 đều mời các nước khách mời tham gia các cuộc họp bên lề và hội nghị thượng đỉnh. Năm nay, Ấn Độ đã mời Bangladesh, Ai Cập, Mauritius, Hà Lan, Nigeria, Oman, Singapore, Tây Ban Nha và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất làm khách mời.
Ngoài ra, nước chủ tịch cũng có thể mời đại diện một số tổ chức quốc tế. Các tổ chức quốc tế được Ấn Độ mời trong năm nay là Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế (ISA), Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thảm họa (CDRI), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Liên Hợp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), WTO, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Ấn Độ cũng mời nước chủ tịch của các tổ chức khu vực, bao gồm Liên minh châu Phi (AU), Cơ quan Phát triển Liên minh châu Phi - Đối tác mới vì sự phát triển của châu Phi (AUDA-NEPAD) và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Nhà lãnh đạo nào vắng mặt trong hội nghị năm nay?
Ngày 4-9, bà Mao Ninh - người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ - cho biết Thủ tướng TQ Lý Cường sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu nước này tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, theo Tân Hoa xã.
“TQ hy vọng Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi sẽ xây dựng sự đồng thuận về việc phục hồi, tăng trưởng của kinh tế thế giới và phát triển bền vững toàn cầu, truyền đi niềm tin, cùng thúc đẩy sự thịnh vượng và phát triển” - bà Mao nói.
Điều này đồng nghĩa với việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh năm nay. Theo tạp chí Time, đây là lần đầu tiên ông Tập không dự hội nghị thượng đỉnh G20, kể từ khi giữ chức chủ tịch TQ vào năm 2012.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đến sân bay Indira Gandhi (Ấn Độ) tối 8-9. Ảnh: AP |
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng được xác nhận là sẽ vắng mặt tại Hội nghị thượng đỉnh G20. Thông tin trên được người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov xác nhận với báo giới vào ngày 25-8, theo hãng thông tấn Tass.
“Xét cho cùng thì hiện tại, ngài ấy thực sự có một lịch trình bận rộn. Và tất nhiên, trọng tâm chính vẫn là hoạt động quân sự đặc biệt. Vì vậy, việc dự hội nghị không nằm trong chương trình nghị sự lúc này" - ông Peskov nói.
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay sẽ bàn về những gì?
Theo đài BBC, với tư cách là nước chủ tịch, Ấn Độ muốn hội nghị thượng đỉnh năm nay tập trung vào các vấn đề như phát triển bền vững, “phấn đấu cho sự tăng trưởng công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người trên thế giới", xóa nợ cho các nước đang phát triển.
Liệu G20 có ra được tuyên bố chung?
Ngày 15-8, Ấn Độ cho biết các nước G20 gần như đã hoàn tất tuyên bố chung cho Hội nghị thượng đỉnh G20. Theo hãng tin Reuters, điều này cho thấy các nước đã đạt được bước tiến về việc khắc phục những bất đồng.
Ông Amitabh Kant - người đại diện Ấn Độ đàm phán tuyên bố chung - cho biết tuyên bố chung lần này sẽ là "tiếng nói" của các nước nam bán cầu và các nước đang phát triển.
“Tuyên bố chung của hội nghị gần như đã sẵn sàng, tôi không muốn bàn tới nó nữa. Tuyên bố này sẽ được trình lên các nhà lãnh đạo" - ông Kant nói.