“Tôi mắc bệnh tiểu đường, điều trị một thời gian thì bệnh biến chứng qua viêm gan mạn, khô gan và suy thận. Tôi tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng lại được phân bố thẻ về nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu là Phòng khám Đa khoa Y đức Trị An. Theo tôi biết, đối với những căn bệnh này phòng khám trên không thể chữa được. Tôi muốn đổi về BV Đa khoa Thống Nhất nhưng Phòng BHYT huyện Trảng Bom không giải quyết” - ông Nguyễn Đăng Biết, ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom (Đồng Nai), phản ánh với Pháp Luật TP.HCM.
Không được mua thẻ theo nguyện vọng
Tương tự như ông Biết, nhiều người khác cũng không được giải quyết chuyển tuyến BHYT như mong muốn. “Luật BHYT quy định người tham gia được quyền lựa chọn một cơ sở y tế để đăng ký khám, chữa bệnh, được đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý, thế nhưng không hiểu sao chúng tôi lại không được giải quyết cho nguyện vọng” - một bạn đọc cho hay.
Bà Nguyễn Thị Phương (ngụ phường Tân Biên, TP Biên Hòa) có thẻ BHYT ở trạm y tế phường. Song với căn bệnh tiểu đường và suy thận, bà không thể thăm khám hay điều trị được ở đây. Do vậy cứ hai lần/tháng, bà Phương phải đi mất 10 km đến trạm y tế phường xin giấy chuyển viện đến BV Đa khoa Thống Nhất, cách nhà bà chỉ gần cây số.
“Cơ quan BHXH cần có sự điều chỉnh thế nào đó để tránh tình trạng người dân phải chạy đôn chạy đáo mỗi khi đi khám bệnh. Nơi nào chữa được bệnh mà gần nhất, thuận tiện nhất cho người bệnh thì đưa thẻ của họ về đấy. Phân thẻ vào nơi không chữa được bệnh như đánh đố người bệnh” - bà Phương bức xúc.
Ông Nguyễn Đăng Biết (người đang phát biểu) bức xúc về việc không được lựa chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu khi tham gia BHYT. Ảnh: TD
Nơi quá tải, nơi thiếu hụt
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tỉnh có gần 1,7 triệu thẻ BHYT. Số lượng thẻ được phân bố cho 209 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập đủ điều kiện đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu cho người tham gia BHYT. Sau khi rà soát, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai thừa nhận việc phân bố thẻ BHYT chưa phù hợp với năng lực và yêu cầu chất lượng khám, chữa bệnh của một số cơ sở khám, chữa bệnh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT. Đặc biệt, việc phân bố trên dẫn đến nhiều bất cập giữa các cơ sở y tế là chỗ thừa, quá tải và chỗ thiếu hụt bệnh nhân.
Cụ thể như BV Đa khoa huyện Trảng Bom chỉ có 30 bác sĩ nhưng năm 2014 được cấp 110.000 thẻ BHYT. Việc được cấp quá nhiều thẻ BHYT khiến BV Đa khoa huyện Trảng Bom hiện đang trong tình trạng quá tải dẫn đến việc tiếp đón và tổ chức khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT gặp nhiều khó khăn. Do vậy trong quý II, III-2014, BHXH tỉnh Đồng Nai phải gửi văn bản hướng dẫn một số công ty đóng trên địa bàn huyện chuyển đổi nơi khám, chữa bệnh ban đầu cho một số lao động ban đầu từ BV Đa khoa huyện Trảng Bom về các cơ sở khám, chữa bệnh khác. Tuy nhiên, hiện BV Đa khoa huyện Trảng Bom vẫn còn quá tải.
Tương tự, BV Đa khoa TP Biên Hòa chỉ có 30 bác sĩ, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, trang thiết bị nghèo nàn nhưng năm 2014 cũng được phân gần 90.000 thẻ BHYT.
Trong khi đó, các bệnh viện tuyến tỉnh cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ nhiều lại có sự thiếu hụt bệnh nhân do được cấp quá ít thẻ BHYT. Như BV Đa khoa Thống Nhất có 220 bác sĩ, trang thiết bị hiện đại nhưng năm 2014 chỉ được cấp 85.000 thẻ BHYT, giảm hơn 40.000 đến 50.000 thẻ so với trước đây.
Quá lãng phí
Theo BS Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc BV Đa khoa Thống Nhất, trước đây bệnh viện có rất đông bệnh nhân tham gia BHYT đến khám và chữa bệnh. Tuy nhiên, sau khi có sự phân bố thẻ BHYT thì lượng người khám bị san sẻ. Có điều là san sẻ một cách không công bằng. Bệnh viện nhiều bác sĩ giỏi, trang thiết bị hiện đại thì số bệnh nhân BHYT lại ít, còn một số phòng khám tư nhân chỉ ba hoặc bốn bác sĩ, trạm y tế một bác sĩ… lại có đến hàng chục ngàn thẻ BHYT khám ở đó. Phân thẻ về trạm y tế, một bác sĩ mà phải khám nhiều bệnh nhân thì rất khó khăn nên xảy ra tình trạng quá tải. Bệnh viện lớn có đầy đủ, bác sĩ nhiều lại được cấp thẻ BHYT ít. Như vậy là đang diễn ra tình trạng lãng phí về tài nguyên, về chất xám, về trang thiết bị.
Hướng đến lợi ích bệnh nhân
BS Dũng nhìn nhận vì sự phân bố chưa hợp lý nên BHYT chưa nắm bắt được nhu cầu của người dân, người dân cũng chưa thực hiện được quyền của mình là muốn khám, chữa bệnh ở đâu. Bệnh nhân có quyền được điều trị bởi những bác sĩ tốt nhất, thiết bị hiện đại nhất. Các bệnh viện lớn sẽ có khả năng đáp ứng nhu cầu đó cao hơn là các bệnh viện tuyến dưới và phòng khám tư nhân. BHYT tại các bệnh viện đều có người giám sát nhưng chức năng giám sát cũng như nhiệm vụ giám sát đó chưa cao, có nhiều bất cập (nhưng họ vẫn chưa báo cáo về để có biện pháp khắc phục triệt để, cân đối lại việc phân BHYT đến các cơ sở y tế nhằm có thể đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân) nên phía bệnh nhân vẫn bị thiệt thòi.
Cũng theo BS Dũng, trách nhiệm cấp thẻ là của Sở Y tế và BHYT. Nơi đây phải xét về mức độ, đánh giá trên cơ sở vật chất để xem xét và phân thẻ BHYT xem nên cấp mức độ bao nhiêu, như thế nào, ở cơ sở nào. Hai cơ quan cần có chỉ đạo, phân cấp thẻ rõ ràng, phân chia ra các cơ sở khám, chữa bệnh theo hạng 1, hạng 2, hạng 3,… phân chia theo đầu bác sĩ, theo chất lượng khám, chữa bệnh và cơ sở vật chất để tránh tình trạng quá tải ở các bệnh viện.
Đang xem xét điều chỉnh Theo quy định (Thông tư 10/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT), người tham gia BHYT được quyền lựa chọn đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại một trong các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã và tương đương hoặc tuyến huyện và tương đương. Còn đối với các bệnh viện tuyến tỉnh thì chỉ có một số trường hợp đặc biệt thì mới được phân thẻ BHYT vào như bệnh nhân mắc bệnh nan y có đơn yêu cầu và có sự đồng ý của Sở Y tế, người có công, thương bệnh binh… Việc phân bố thẻ BHYT như trên là nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh. Để khắc phục tình trạng bất cập trong việc phân bố thẻ BHYT, Sở Y tế vừa họp bàn với BHXH tỉnh và thống nhất sắp tới sẽ dựa trên các tiêu chí: cơ sở vật chất, đội ngũ bác sĩ và năng lực chuyên môn, tính chất đặc thù bệnh lý của người tham gia BHYT, địa bàn sinh sống của người bệnh... để phân bố thẻ cho các cơ sở y tế. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh, đồng thời tránh tình trạng phân bố không hợp lý dẫn đến giảm sút chất lượng khám, chữa bệnh và lãng phí nguồn lực. Bà NGUYỄN THỊ NGỌC CẨM, Trưởng phòng Thu BHXH tỉnh Đồng Nai |