Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) với nhiều bất cập khiến một số bệnh viện (BV) tuyến trên thưa thớt bệnh nhân, tuyến phường/xã chưa được khám, chữa bệnh BHYT, trong khi đó “tuyến giữa” - BV quận/huyện lại quá tải… Những vấn đề trên được đặt ra tại cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT vào ngày 28-3. Đây là lần giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các bộ, ngành, địa phương để thu thập ý kiến, trình Quốc hội sửa Luật BHYT tiến đến lộ trình BHYT toàn dân.
Lắm thủ tục phiền hà
Tại cuộc giám sát một ngày trước đó, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đặt thẳng vấn đề với các cơ quan chức năng TP.HCM, vì sao không cho một số trạm y tế xã khám, chữa bệnh BHYT trong khi cả nước hiện nay đã có 7.000 trạm y tế xã thực hiện và khám, chữa bệnh cho 30% người dân.
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết tại TP.HCM, các trạm y tế không được kết nối với các BV điều trị, do đó muốn trạm y tế khám, chữa bệnh bằng BHYT phải thông qua trung tâm y tế dự phòng, nhưng nơi này lại… không có chức năng điều trị. Họ phải ký hợp đồng với BV quận/huyện. Nhưng BV quận/huyện lại “nói không” với trạm y tế vì thuốc cấp phát xuống còn sử dụng được, khi trả lại đã quá đát (!).
Sau bốn năm thực hiện Luật BHYT, dân thì kêu phiền hà, ngành y tế than thiếu nhân vật lực, mệt mỏi vì thủ tục hành chính, còn BHYT thì cứ giữ túi tiền lo vỡ quỹ. Ảnh: TÙNG SƠN
BHXH và Sở Y tế lý giải rằng theo quy định, trạm y tế muốn ký khám, chữa bệnh BHYT phải được Sở Y tế thẩm định, gửi danh sách cho BHXH thành phố ký hợp đồng. Từ năm 2010 đến nay, ngành y tế thành phố chỉ mới thẩm định được 35 phường/xã đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT.
“Tôi xuống Hóc Môn, trạm y tế nói có máy móc, nhân lực đầy đủ rồi nhưng không được khám BHYT. Mấy bác thương binh nói với tôi chỉ xin thuốc thôi nhưng phải xuống BV huyện chờ, mệt quá nên ra ngoài mua. Chẳng lẽ trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, có bác sĩ, có trang thiết bị, máy móc lại không được khám BHYT mà cần phải thẩm định lại rồi thêm thủ tục hành chính, giấy phép? Quyền của người dân là được tiếp cận dịch vụ một cách thuận tiện nên không được cản trở quyền của họ” - bà Mai nói.
Tuyến dưới quá tải, tuyến trên thưa thớt
Trong khi đó theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Luật BHYT quy định từ năm 2013, việc đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu phải thực hiện từ tuyến quận/huyện trở xuống. Thế nhưng nhiều BV quận/huyện đang phải đối mặt với tình trạng quá tải, mỗi ngày tiếp nhận 1.200-2.000, thậm chí là 3.000 bệnh nhân. Người dân đi từ 4-5 giờ sáng lấy số, đôi lúc chờ đến chiều cũng chưa khám xong.
Trong khi đó, BV Cấp cứu Trưng Vương, BV Nguyễn Tri Phương, BV Sài Gòn mới đến 10 giờ sáng đã vắng bệnh nhân, dù cơ sở vật chất hiện đại, máy móc thiết bị cao cấp, đội ngũ nhân lực đông. Trung bình mỗi bệnh viện này đón nhận chỉ… 500 lượt khám/ngày.
“Do vậy sắp tới, BHXH sẽ thống kê lại tất cả BV, xem mỗi BV đặt bao nhiêu bàn khám để điều tiết lại cho phù hợp, rất có thể điều tiết “chảy ngược” về… tuyến trên” - ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM, nói.
Để tiến tới BHYT toàn dân đúng lộ trình vào năm 2020 đạt 80% người dân tham gia, bà Mai đề nghị TP.HCM nghiên cứu để người dân mua theo hộ gia đình chứ hiện nay do điều kiện mua thẻ quá dễ nên chỉ có người bệnh mới mua. Có thể áp dụng ưu đãi như người mua đầu đóng 100%, người mua tiếp theo trả 80%... và người cuối cùng thì tặng luôn thẻ BHYT để khuyến khích. |
DUY TÍNH