Ngày 14-10, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cảnh báorủi ro thiên tai cấp 4 - cấp cao nhất về mưa lớn với hai địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng.
Cảnh báo đặc biệt này phát theo Điều 44, Quyết định số 18/2021 của Thủ tướng, quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai.
Trong đó, rủi ro thiên tai cấp độ 4 do mưa lớn gồm các trường hợp: Dự báo lượng mưa từ trên 200 mm đến 400 mm trong 24 giờ kéo dài trên 4 ngày ở khu vực trung du, vùng núi trong phạm vi nhiều tỉnh khác nhau. Dự báo lượng mưa trên 400 mm trong 24 giờ kéo dài từ trên 2 ngày ở khu vực trung du, vùng núi hoặc kéo dài trên 4 ngày ở khu vực đồng bằng, ven biển trong phạm vi nhiều tỉnh khác nhau.
Theo số liệu quan trắc, đêm qua và sáng nay, 14-10, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to.
Lượng mưa tính từ 19 giờ tối qua đến 8 giờ sáng nay ở Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Núi Thành (Quảng Nam) có lượng mưa trên 250mm, ở Hòa Phú (Đà Nẵng) 339.4mm, Hòa Phong (Đà Nẵng) 298.2mm.
Dự báo trong 24 giờ đến 48 giờ tới ở khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi vẫn có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 400mm.
Khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam mưa còn lớn hơn, 300-500mm, có nơi trên 800mm. Ở khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 70-120mm, có nơi trên 150mm.
Ngoài ra, ở khu vực phía Nam Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai có mưa vừa, cục bộ có mưa to với lượng mưa 30-60mm, có nơi trên 80mm. Khu vực Nam Trung Bộ, các nơi khác ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm. Thời gian mưa dông tập trung vào chiều và tối.
“Giai đoạn từ ngày 16 đến 17-10 khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa lớn 150-300mm, có nơi trên 700mm. Sau ngày 17-10 mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài và diễn biến phức tạp. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét ở khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng cấp 4; Quảng Nam cấp 3; Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi cấp 2; Hà Tĩnh: cấp 1” - Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cảnh báo.
Tin phát yêu cầu các địa phương trên đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các diện tích lúa, hoa màu tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Do ảnh hưởng của mưa lớn, nhiều nơi ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng đã ngập sâu trong biển nước. Suốt đêm qua, lực lượng chức năng và người dân ở Đà Nẵng và một số tỉnh đã phải thức trắng đêm để chạy lụt.
Ngày 12-10, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động ứng phó với mưa lũ. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi phải chủ động rà soát, sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm. Tổ chức canh gác, kiểm soát người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nguy cơ sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại.
Các tỉnh phải có phương án đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục tại các khu vực xảy ra ngập lụt và phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập theo cấp báo động.
Các địa phương được yêu cầu hướng dẫn người dân tại các khu vực thường xuyên bị tác động của thiên tai dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm để chủ động đề phòng mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất gây chia cắt cục bộ, kéo dài nhiều ngày.
Phó Thủ tướng giao các Bộ Công Thương, NN&PTNT, TN&MT, GTVT, GD&ĐT, Quốc phòng, Công an, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Văn phòng Chính phủ, cơ quan báo chí thực hiện công tác phòng chống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được giao.