Miền Trung mưa xối xả, nhiều nơi ngập sâu

(PLO)- Nhiều nơi ở Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng ngập sâu trong biển nước sau khi xuất hiện mưa xối xả suốt hai ngày qua.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-10, mưa lớn kéo dài khiến nhiều địa phương tại miền Trung bị ngập úng. Nhiều tuyến đường bị sạt lở, chia cắt giao thông khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn.

P5-Bai-dotruong-h1.jpg
Đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP Huế) bị ngập sâu. Ảnh: N.DO

Huế ngập sâu, thủy điện xả điều tiết

Tại Thừa Thiên-Huế sáng 13-10 mưa bắt đầu nặng hạt, đặc biệt đến trưa cùng ngày mưa trở nên xối xả khiến nước tại các sông lên cao, nhiều vùng trũng ngập sâu.

Quốc lộ 1 tuyến tránh TP Huế bị ngập sâu ở một vị trí khiến tuyến Tỉnh lộ 10 cùng nhiều tuyến đường trong tỉnh cũng bị ảnh hưởng. Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, một số khu vực nguy hiểm được lực lượng chức năng tổ chức chốt chặn.

Tại Trường Tiểu học Phú Tân (phường Thuận An, TP Huế), nước vào phòng khi cô trò đang dạy và học. Giáo viên các lớp phải vất vả đẩy nước ra ngoài và trường đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học chiều cùng ngày. Để ứng phó với mưa lũ, trường đã chuyển đồ dùng phục vụ việc dạy và học từ tầng 1 lên tầng 2 của trường để phòng tránh nước lũ dâng cao gây hư hỏng.

Để tăng dung tích phòng lũ, chuẩn bị sẵn sàng đón các trận lũ trong thời gian tới và đảm bảo an toàn đập, vùng hạ du thủy điện Hương Điền, TP Huế đã cho vận hành điều tiết nước với hồ thủy điện Hương Điền. Cụ thể, thực hiện điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng 200-400 m3/giây.

P5-Bai-dotruong-h2.jpg
Một người dân tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế dùng thuyền đi giao gas cho nhiều nhà dân. Ảnh: N.DO

Chiều cùng ngày, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có công điện về việc chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Công điện này yêu cầu các huyện, thị xã và TP Huế khẩn trương kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, doanh trại ven sông suối, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi có mưa lớn.

“Kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ...” - công điện nêu.

Các tuyến đường trung tâm TP Đà Nẵng như Hùng Vương, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Nghị... từ sáng 13-10 đều bị ngập cục bộ do mưa lớn.

Đèo Hải Vân sạt lở, đường bị vô hiệu hóa

Ghi nhận tại các tuyến đường trung tâm TP Đà Nẵng như Hùng Vương, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Nghị... từ sáng 13-10 đều bị ngập cục bộ do mưa lớn. Hầu hết các điểm ngập có độ sâu 30-50 cm, có nơi ngập sâu hơn khiến việc đi lại gặp khó khăn.

Riêng tại đường Âu Cơ, nước đã biến đường thành sông kèm theo màu nâu đỏ của bùn đất. Ngã ba giao lộ giữa đường số 2 và đường Nguyễn Lương Bằng vào Khu công nghiệp Hòa Khánh cũng bị ngập nước, không thể lưu thông. Chiều cùng ngày, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng có công văn cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Một diễn biến khác, chiều 13-10, mưa lớn đã khiến taluy dương đèo Hải Vân (địa phận TP Đà Nẵng) tại Km905+600 bị sạt lở khiến tuyến đường này bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Tại điểm sạt lở, đất đá cùng bùn đất tràn xuống mặt đường kéo theo hệ thống khung sắt gia cố taluy dương đổ sập gây ách tắc.

Trạm CSGT cửa ô Hòa Hiệp (Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng) đã cử cán bộ đến chốt chặn, phân luồng và không cho người, phương tiện lưu thông lên đèo.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng đã có công điện ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn TP. Đặc biệt là sẵn sàng phương án sơ tán người dân.

Theo đó, các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị có liên quan được giao tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống sạt lở, ngập úng, khơi thông dòng chảy cho các khu dân cư do công trình đang thi công dở dang. Đồng thời kiểm tra, rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, lũ quét, ngập lụt. Từ đó, chủ động có giải pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản.•

Hà Tĩnh sẵn sàng sơ tán dân

Ngày 13-10, từ phía Nam tỉnh Nghệ An vào Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa lớn, trong khi khu vực miền núi các tỉnh này đã no nước từ trận lụt vừa qua. Hiện nhiều tuyến đường dân sinh trên địa bàn huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã bị ngập sâu, chia cắt giao thông. Trong khi đó, tại các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Hà Tĩnh đang có nguy cơ lũ ống, sạt lở đất.

Theo ông Trần Đức Bá, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, mưa lớn kéo dài không chỉ gây ngập úng ở vùng trũng thấp, khu vực đô thị mà còn gây nguy cơ rất cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi, ven các sông suối. Đặc biệt, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hai đợt mưa lớn và nhiều khu vực đồi núi đã ngấm no nước, nguy cơ xảy ra lũ lụt, sạt lở đất lại càng tăng cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã ban hành công điện khẩn ứng phó với mưa lũ. Dự báo sau ngày 17-10, mưa lớn còn tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng sẽ kiểm tra, rà soát tất cả vị trí có nguy cơ cao về lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động phòng tránh. Tỉnh sẽ rà soát các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng sơ tán đến nơi an toàn.

Cạnh đó, chủ động lực lượng, phương tiện di dời các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Hướng dẫn người dân chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu để đề phòng mưa lũ gây ngập lụt, chia cắt kéo dài. ĐẮC LAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm