Sáng nay, 8-11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố ven biển để triển khai công tác ứng phó với bão số 6.
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết vào sáng nay, bão số 6 đã đổi hướng tây, di chuyển về phía đất liền Việt Nam. Bão có khả năng mạnh lên cấp 12, giật cấp 15.
Dự kiến tối 10-11, bão số 6 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đúng vào thời điểm triều ở mức cao trong ngày từ 1,7-2,1 m.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão số 3. Ảnh:VP
Cơn bão này có phạm vi ảnh hưởng rộng tới bảy tỉnh, sóng cao, phổ rộng, kể cả hoàn lưu sau bão nên không được chủ quan. Hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa mở rộng cả Trung bộ và Tây Nguyên.
Để triển khai công tác phòng chống bão, đến 6 giờ sáng nay, 8-11, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã thông báo, kiểm đếm hướng dẫn cho 47.330 tàu với 243.063 người biết hướng di chuyển của bão để chủ động trú tránh. Hiện vẫn còn 112 tàu với 2.818 lao động đang hoạt động, neo đậu tại khu vực nguy hiểm.
Đáng lưu lý, một số đê, kè biển có một số vị trí xung yếu, đang thi công đã bị tổn thương do bão số 5 như kè biển Nhơn Hải bảo vệ 100 hộ dân ở Quy Nhơn bị sạt lở 200 m, tuyến đê Đông huyện Tuy Phước (Bình Định)...
Báo cáo tại cuộc họp, đầu cầu Phú Yên cho biết tỉnh đã huy động hơn 6.000 người tham gia túc trực ứng phó với bão số 6. Tính đến 7 giờ 30 sáng nay, đã thông báo cho hơn 4.000 tàu với 24.000 lao động.
Ở Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính cho biết tỉnh đã ban hành công điện chỉ đạo các sở, địa phương. Dự kiến chiều 8-11, UBND tỉnh sẽ tổ chức họp để ứng phó với bão số 6, đồng thời phối hợp với lực lượng liên quan kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, cho học sinh nghỉ học vào ngày 11-11.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng kiến nghị cơ quan chức năng của Trung ương điều 1 tàu vào Bình Định hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 5 điều động lực lượng phối hợp với tỉnh trong công tác ứng phó với bão.
UBND tỉnh đã họp bàn phương án ứng phó đồng thời tổ chức di dời hơn 1.000 người dân ở các xã ven biển ra khỏi khu vực nguy hiểm, chỉ đạo thành lập các tổ, đội xung kích ứng phó với bão và cho học sinh nghỉ học vào ngày 11-11.
Vị trí và đường đi của bão số 6 ngày 8-11. Ảnh: NHCMF
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đánh giá, đây là cơn bão mạnh có tính chất phức tạp, đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động các phương án ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo việc ứng phó với bão để đảm bảo an toàn trên cả ba tuyến (tuyến biển, tuyến đồng bằng và đô thị, khu vực miền núi). Cùng với đó, cử hai đoàn công tác xuống địa phương để chỉ đạo, phối hợp phòng chống bão số 6 theo phương châm bốn tại chỗ.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc sơ tán dân trên các lồng bè, khu vực ven biển, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Căn cứ vào tình hình thực tế các địa phương thông báo lệnh cấm biển và tổ chức cho học sinh nghỉ học.
Về vấn đề an toàn cho sản xuất và hạ du, Phó Thủ tướng đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát tình hình hồ đập, các công trình đê trọng yếu. Bảo đảm an toàn hồ đập, thủy lợi, thủy điện, đồng thời phải đảm bảo cho phát triển kinh tế, giữ được nguồn nước cho các nhà máy.
Các cơ quan liên quan (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) chỉ đạo việc hỗ trợ lực lượng, phương tiện cho các địa phương phục vụ công tác ứng phó với thiên tai.
Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ hai tàu cho tỉnh Bình Định để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn.