Khen thưởng cuối năm: Vui là chính!

Cứ vào dịp cuối năm, các cơ quan, đơn vị lại tổ chức tổng kết, khen thưởng. Việc khen thưởng để ghi nhận, tôn vinh những giá trị lao động đã cống hiến trong một năm làm việc, tạo động lực khuyến khích các cá nhân, tập thể tiếp tục phát huy khả năng của mình cho nhiệm vụ của năm mới là rất cần thiết. Nhưng hiện nay việc khen thưởng gần như cho vui cả làng nên đang vô tình làm mất dần ý nghĩa tốt đẹp đó.

Khen thưởng tràn lan

“Nhẹ thi đua, nặng khen thưởng”. Đó là đánh giá của bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban thường trực Ban Thi đua khen thưởng trung ương, tại hội nghị tổng kết ngành nội vụ mới đây. Việc này thể hiện rõ qua con số khen thưởng và đề xuất khen thưởng từ cấp trung ương đến địa phương. Trong năm 2009, Ban Thi đua khen thưởng trung ương đã trình Thủ tướng khen thưởng gần 16.000 trường hợp. Trong đó có gần 1.000 cờ thi đua của Chính phủ, 10.802 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ... Ngoài ra, có hơn 56.200 trường hợp được trình Thủ tướng đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng.

Khen thưởng cuối năm: Vui là chính! ảnh 1

Hình ảnh xếp hàng ngang dài hết lượt này đến lượt khác nhận bằng khen đã trở nên quá quen thuộc tại các buổi tổng kết, sơ kết. Ảnh: XUÂN ĐẶNG

Tại TP.HCM, con số khen trưởng trong năm cũng không thua kém. Gần 13.500 bằng khen của UBND TP được tặng cho gần 3.486 tập thể và 9.985 cá nhân. Hàng ngàn danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp TP, tập thể lao động xuất sắc được công nhận… Con số khen thưởng ở cấp cơ sở của TP cũng hoành tráng không kém. Chỉ riêng Hội nghị tổng kết phong trào thi đua khen thưởng quận Tân Phú đã có tới 1.230 tập thể và 1.688 cá nhân có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực văn hóa xã hội, bảo vệ an ninh tổ quốc, xóa đói giảm nghèo… được khen thưởng.

Cả nhà cùng vui

“Chất lượng khen thưởng gần đây có nâng lên nhưng một số bộ ngành, địa phương còn đề nghị khen thưởng chưa đúng mức. Việc bình xét các danh hiệu thi đua chưa tiêu biểu. Có nơi đề xuất danh hiệu chiến sĩ thi đua chiếm từ 50% đến 70% số danh hiệu lao động tiên tiến” - bà Hà nhận xét.

Ông Đỗ Văn Đạo, Phó Trưởng ban thường trực Ban Thi đua khen thưởng TP.HCM, dẫn chứng cụ thể: “Danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở quy định cá nhân phải có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hoặc áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất lao động. Để đạt được điều này thì đếm trên đầu ngón tay. Vậy mà vẫn nhiều người đạt danh hiệu này. Để hạn chế tình trạng khen thưởng tràn lan, nhiều nơi quy định số lượng chiến sĩ thi đua cơ sở chỉ được bình xét không quá 20% tổng số lao động tiên tiến nhưng có nhiều nơi vẫn khen thưởng vượt con số này”.

“Năm nào cũng bình xét nhưng năm nào cũng anh bình tôi, tôi bình anh, anh khen tôi, tôi khen anh. Cứ càng có nhiều lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua thì càng vui cho đơn vị mình. Anh vui, tôi vui, cả cơ quan cùng vui!” - trưởng phòng của một sở nọ nửa đùa nửa thật nói.

Lãnh đạo đương nhiên được khen

“Nhìn vào danh sách cá nhân được khen thưởng hằng năm sẽ biết ngay năm nào các vị lãnh đạo cũng được khen thưởng cao. Còn lính lác thì đa số là lao động tiên tiến, năm thuở mười thì mới được danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở một lần, vì phải luân phiên nhau mà! Do vậy khi bình xét để TP khen thưởng, hiển nhiên các lãnh đạo được vì đủ hai năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, còn lính thì năm được năm không nên đâu có dễ gì” - một cán bộ làm công tác khen thưởng của một quận nói.

Theo ông Võ Quang Lâm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, một trong những yếu tố về mặt tinh thần để giữ chân người giỏi là động viên, khen thưởng kịp thời. Nhưng lâu nay nhiều nơi lại có xu hướng bầu chọn khen thưởng cho những người lãnh đạo. “Hiện nay người trực tiếp sản xuất, lao động được khen thưởng còn ít quá!” - Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng nhận xét tại hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng ngày 22-1.

Ông Đỗ Văn Đạo cho hay có hai nhận thức khác nhau về việc khen thưởng đối với lãnh đạo. Nhiều nơi xem việc khen thưởng hiển nhiên phải lãnh đạo trước, lính sau. Ngược lại, cũng có nơi theo tinh thần: Thi đua khen thưởng là để cho cấp dưới nên lãnh đạo “nhường” khen thưởng cho lính. “Nhưng gần đây có quy định: Tập thể, cá nhân muốn được đề xuất khen thưởng phải đạt danh hiệu thi đua nên lãnh đạo muốn tập thể mình được khen thưởng cũng phải tham gia bình xét. Mà khi bình xét tập thể thì lính tự động bình chọn sếp được danh hiệu thi đua cao chứ cũng chẳng ai ép buộc gì!” - ông Đạo lý giải thêm.

Chẳng còn hãnh diện nữa

“Tôi làm việc hơn 10 năm, không biết đã có bao nhiêu bằng khen, giấy khen. Mới đầu, khi được văn phòng gọi xuống ký sổ nhận bằng khen còn hứng thú, vui vui nhưng sau này biết chắc thể nào cuối năm cũng được nhận nên chẳng còn hào hứng gì. Giờ chỗ làm việc của tôi bằng khen chất thành một chồng cao, chẳng còn muốn mang về nhà treo để hãnh diện như hồi xưa. Vì khen nhiều quá đâu còn giá trị gì nữa!” - lãnh đạo một đơn vị trực thuộc của một sở tâm sự.

Công nghệ “xào”

“Cuối năm, tôi và nhiều anh chị khác thường được văn phòng yêu cầu làm báo cáo sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nộp vào hồ sơ bình chọn danh hiệu thi đua khen thưởng. Nhưng nhớ lại cả năm rồi thấy mình cũng chỉ làm những việc thường xuyên thuộc chức trách của mình thôi, chẳng biết lấy gì báo cáo cả. Thế là bổn cũ soạn lại, tôi lại lôi báo cáo từ năm trước ra để “xào nấu” lại rồi nộp cho đủ lệ bộ” - một cán bộ kể.

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm