Khép lại chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN: Chung tâm thế hợp tác, hỗ trợ

(PLO)- ASEAN cùng các đối tác nhất trí tăng cường hợp tác giải quyết các mối quan tâm chung giữa lúc tình hình thế giới nhiều biến động.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) đã chính thức khép lại vào hôm qua, 13-11.

Chuỗi hội nghị lần này chú trọng tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên trong khu vực, cũng như với các đối tác của ASEAN trong bối cảnh tình hình thế giới đang biến động mạnh.

Hợp tác đi đầu

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN, Trung Quốc (TQ), Hàn Quốc và Nhật Bản (ASEAN+3 hay APT) ngày 12-11, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh: APT vô cùng quan trọng đối với ASEAN trong tất cả khía cạnh hợp tác, bao gồm trong các lĩnh vực kinh tế, hòa bình và chính trị, tờ The Phnom Penh Post đưa tin.

Ngay sau Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 17, lãnh đạo các nước đã tham dự lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 40, 41 và lễ chuyển giao vai trò chủ tịch ASEAN từ Campuchia sang Indonesia. Chủ đề của năm ASEAN 2023 sẽ là “ASEAN Matters: The Epicentrum of Growth” (tạm dịch: Tầm vóc ASEAN: Tâm điểm của tăng trưởng), theo Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Theo ông Hun Sen, APT phản ánh cam kết vững chắc của các nhà lãnh đạo ASEAN và ba nước trong việc tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác trong tất cả lĩnh vực, cũng như cùng nhau giải quyết các thách thức chung trong khu vực và toàn cầu.

Trong hội nghị, các nhà lãnh đạo nhất trí mở rộng hợp tác sang nhiều lĩnh vực gồm chính trị, an ninh, thương mại, đầu tư, tài chính, năng lượng, du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp, môi trường, giáo dục, y tế, văn hóa và nghệ thuật.

Tại APT, phía Nhật Bản cam kết hợp tác, hỗ trợ ASEAN phát triển các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, hệ thống pháp luật, thúc đẩy giao lưu nhân dân, cũng như hỗ trợ ASEAN xây dựng Kế hoạch hành động chiến lược về biến đổi khí hậu cho toàn khu vực đến năm 2030.

Phía Hàn Quốc bày tỏ hy vọng tái kích hoạt các cơ chế hợp tác giữa Seoul, Bắc Kinh và Tokyo, cũng như với khối ASEAN+3. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhấn mạnh: Nếu khối APT có thể cùng nhau hợp tác, ứng phó với các vấn đề trên thì có thể thúc đẩy việc hướng tới hòa bình và thịnh vượng toàn cầu nhanh hơn, theo đài KBS World.

Không chỉ ở các hội nghị trên, hợp tác cũng là kim chỉ nam tại các hội nghị cấp cao ASEAN+1. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ ngày 12-11, hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện (CSP) nhằm tăng cường hợp tác trong tất cả lĩnh vực, cũng như giải quyết các thách thức chung của khu vực và thế giới.

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia đồng thời là phát ngôn viên Hội nghị cấp cao ASEAN, Kung Phoak hy vọng sau khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện này, ASEAN và Mỹ sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác, đặc biệt là trong các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế kỹ thuật số, hay nỗ lực chung để giải quyết các vấn đề cùng quan tâm.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ ngày 12-11, các nhà lãnh đạo cũng nhất trí thúc đẩy các hợp tác hiện có, đồng thời tăng cường kết nối trong các lĩnh vực tiềm năng. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Úc cùng ngày, Thủ tướng Úc Anthony Albanese nhấn mạnh cam kết tăng cường quan hệ với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của khối ở khu vực và cùng khối triển khai hợp tác thực chất.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Canada ngày 13-11, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công bố “những khoản đầu tư cụ thể” mà ông cho rằng sẽ mở đường cho một hiệp định thương mại tự do ASEAN - Canada, như một phần trong cam kết củng cố quan hệ của Ottawa với khối.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Đông Á (EAS) lần thứ 17. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Đông Á (EAS) lần thứ 17.
Ảnh: TTXVN

Nhìn nhận những thách thức mới

Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao đầu tư và kinh doanh Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) 2022 tại Phnom Penh (Campuchia) ngày 10-11, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức mới và ngày càng phức tạp, tờ Khmer Times đưa tin.

Theo ông, những thách thức này đang diễn ra nối tiếp nhau trên các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường và địa chính trị, dù hiện tại dịch COVID-19 đã giảm đáng kể trên toàn cầu. Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh triển vọng của nền kinh tế toàn cầu vẫn còn mong manh và dễ xảy ra các cuộc khủng hoảng mới.

“ASEAN phải tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc của hệ thống thương mại đa phương và tăng cường thương mại tự do. Điều này nhằm thúc đẩy khối trở thành một khu vực mở, minh bạch và bao trùm, trong khi vẫn giữ vai trò trung tâm và thống nhất trong việc xây dựng quan hệ toàn cầu và khu vực” - ông Hun Sen nói.

Trong hội nghị (còn được gọi là ABIS), chiến tranh ở Ukraine, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và số hóa là những chủ đề được thảo luận chính.

“RCEP đánh dấu một thành tựu quan trọng của ASEAN khi các thành viên luôn nỗ lực mở cửa nền kinh tế và đa dạng hóa thị trường khu vực” - Thủ tướng Hun Sen cho hay. Ông nói thêm rằng hiệp định thương mại tự do khổng lồ này sẽ thúc đẩy các hoạt động thương mại cả trong và ngoài ASEAN, cũng như thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn.

Chia sẻ về thách thức mới, tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 17 diễn ra ngày 13-11, các lãnh đạo ASEAN cùng các đối tác (TQ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Mỹ) nhất trí cần thúc đẩy EAS phát huy hơn nữa giá trị chiến lược và khả năng thích ứng trước những thách thức mới sắp tới.

Theo plo.vn, các nhà lãnh đạo nhất trí rằng EAS cần phát huy vai trò, đóng góp hiệu quả vào nỗ lực bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực và thế giới, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Biển Đông, tình hình Myanmar, chiến sự Nga - Ukraine và diễn biến trên bán đảo Triều Tiên.

Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh hợp tác để giải quyết những khác biệt một cách hòa bình là vì lợi ích chung của thế giới. Ông hy vọng các nhà lãnh đạo sẽ nêu cao “tinh thần đoàn kết duy trì chủ nghĩa đa phương rộng mở và bao trùm, hành động thực tiễn và tôn trọng lẫn nhau trong việc giải quyết những thách thức chiến lược mà tất cả các bên đang phải đối mặt”, theo hãng tin AP.•

ASEAN sẵn sàng làm “trung gian tin cậy” tìm giải pháp an ninh

Theo plo.vn, phát biểu tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ASEAN sẵn sàng làm “trung gian tin cậy” cùng các đối tác EAS tham vấn, đối thoại, tìm kiếm các giải pháp hiệu quả và lâu dài cho các thách thức an ninh hiện nay dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Theo Thủ tướng, khối sẽ tiếp tục cùng các đối tác đề cao chủ nghĩa đa phương, hành động dựa trên tuân thủ luật pháp quốc tế, với phương châm minh bạch, xây dựng, tham vấn đầy đủ và tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN.

Thủ tướng khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nước EAS ủng hộ nỗ lực sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) một cách công bằng và hợp lý với tất cả các bên liên quan, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Bên cạnh đó, Thủ tướng còn nhấn mạnh ASEAN và các nước đối tác EAS cần ưu tiên đẩy mạnh phục hồi kinh tế dựa trên phát triển bền vững, giao thương thông thoáng và bảo đảm các chuỗi cung ứng thông suốt. Thủ tướng cũng kêu gọi các nước khẩn trương mở cửa thị trường nhằm giúp hoạt động tạo chu chuyển hàng hóa và dịch vụ diễn ra thuận lợi hơn, “thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thương mại tự do, công bằng và bao trùm, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm