Tại sao họ bất chấp lợi nhuận “hủy diệt” đồng bào mình bằng chất cấm sabutamol, vàng ô (chất dùng trong công nghệ nhuộm vải), thuốc diệt cỏ, hóa chất... Chưa bao giờ câu chuyện này lại bùng phát như thời điểm hiện nay.
Người dân từ nông thôn đến thành thị, từ quan chức cấp tỉnh đến Chính phủ, Quốc hội quan tâm nhưng đã làm gì để kết thúc “thảm họa” thực phẩm bẩn đang đầu độc người Việt như thế. Hằng ngày chúng ta vẫn ăn thực phẩm bẩn và buộc phải chấp nhận một sự thật rằng không ăn thì không sống được và rồi thì tiếp tục ăn và bệnh tật tích lũy mỗi ngày.
Nhìn những miếng thịt tươi đỏ nhưng người tiêu dùng không dám chắc rằng mình thật sự đã lựa chọn được thực phẩm sạch hay chưa? Ảnh: CTV
Bộ trưởng Cao Đức Phát, tư lệnh ngành nông nghiệp, cũng từng phải thốt lên: “Tôi thấy lạnh sống lưng”, mỗi lần phát hiện những cơ sở chăn nuôi chứa chất cấm, pha thuốc diệt cỏ để ngâm chuối. Theo ông, cần phải xử lý thật nặng đối với những cơ sở kinh doanh này để làm gương. Thậm chí trong một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng còn treo giải thưởng 5 triệu đồng cho ai phát hiện chất cấm trong chế biến thực phẩm.
Các cơ quan, ban ngành liên quan nói rằng kiên quyết xử lý dứt điểm nhưng cơ chế ở đâu khi phát hiện người sử dụng chất cấm vẫn không thể xử lý hình sự. Nhiều người cho rằng phát hiện chất cấm là phải xử lý hình sự, không phải cứ chờ đến khi người ta chết mới xử lý hình sự. Lúc đó mới hỏi rằng anh ăn cái gì, ở đâu thì không thể xử lý được ai, không truy được nguồn gốc.
Rau củ quả xanh, bắt mắt nhưng không ai dám chắc chắn rằng không có thuốc diệt cỏ, hóa chất. Ảnh: CTV
Hơn một tháng qua, người dân Việt Nam vui vì chúng ta đã gia nhập TPP, chắc chắn sẽ sớm có những mặt hàng nhập khẩu an toàn, giá rẻ, chất lượng cao từ 11 nước thành viên TPP còn lại là Nhật Bản, Úc, Mỹ... Những hộ sản xuất, các doanh nghiệp nếu không làm ăn chân chính, nếu không thay đổi cách nhìn về một sản phẩm sạch, có giá trị, chất lượng cao chúng ta sẽ “chết” và rồi chẳng có cơ hội kể cả khi có TPP.