“Văn bản của Bộ NN&PTNT về việc cấm sử dụng 22 loại hóa chất kháng sinh trong chăn nuôi đã có từ những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Đến năm 2014, bộ này lại ra văn bản tăng thêm bốn chất cấm. Ra văn bản thì dễ, thực thi văn bản là việc khó. Vì vậy, từ năm 2005 đến nay xảy ra thực trạng sử dụng tràn lan các loại kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi”. Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết thông tin trên buổi hội thảo.
Theo ông Lịch, nguyên nhân dẫn đến thực trạng sử dụng kháng sinh, chất cấm là do người chăn nuôi chạy theo lợi nhuận. Quản lý nhà nước ở cơ sở lỏng lẻo, có phần thông cảm và nể nang.
Nhiều mẫu thịt heo kinh doanh ở TP.HCM “dính” kháng sinh. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Để hạn chế việc sử dụng kháng sinh và chất cấm, cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra đột xuất những hộ chăn nuôi, trại chăn nuôi, nhà máy thức ăn gia súc. Nếu sử dụng chất cấm, kháng sinh không phép hoặc sử dụng kháng sinh quá liều thì không cho xuất bán sản phẩm trong thời gian từ 3-6 tháng. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng công bố liều lượng sử dụng từng loại kháng sinh” – ông Lịch đề xuất.
Trao đổi riêng với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Xuân Thảo, cho biết ngày 14-10-2015, sau khi phát hiện thịt gà chứa tồn dư kháng sinh Enrofloxacin và Flofenicol, Chi cục Thú y TP.HCM đã có công văn gửi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT).
Công văn có nội dung: “Bộ Y tế ban hành Thông tư 24/2013 ngày 14-8-2013 về quy định mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm. Tuy nhiên, thông tư này đang thiếu các quy định về mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc thú y đối với một số loại sản phẩm của ngành nông nghiệp (ví dụ Enrofloxacin, Flofenicol trong thịt gà…). Điều này gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình kiểm tra và không thể xử phạt nếu phát hiện tồn dư kháng sinh Enrofloxacin và Flofenicol trong thịt gà”.
Đến ngày 22-10-2015, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản có công văn phúc đáp với nội dung sau: “Bộ NN&PTNT đã có công văn đề nghị Bộ Y tế soát xét bổ sung quy định tại Thông tư 24/2013 đối với một số loại sản phẩm của ngành NN&PTNT (có thể tham khảo mức quy định của Codex hoặc EU, Nhật Bản). Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thống báo tới Chi cục Thú y TP.HCM biết để thực hiện”.
“Thực tình mà nói, sau khi nhận được công văn trả lời của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục Thú y TP.HCM… bó tay, không biết phải thực hiện như thế nào. Điều này có nghĩa không thể xử lý thịt gà “dính” tồn dư kháng sinh Enrofloxacin và Flofenicol” - ông Thảo cho hay.
Chín tháng đầu năm 2015, Chi cục Thú y TP.HCM đã lấy 159 mẫu thịt heo ngẫu nhiên được kinh doanh trên địa bàn TP để xét nghiệm tồn dư kháng sinh. Kết quả cho thấy 37/159 mẫu thịt heo (hơn 23%) tồn dư vượt mức kháng sinh Tetracycline. Bên cạnh đó, có đến 26 mẫu (trên 16%) tồn dư vượt mức kháng sinh Sulfadimidin.
Chưa hết, Chi cục Thú y TP.HCM còn phát hiện gần 28% mẫu thịt gà ở TP.HCM chứa tồn dư kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi là Enrofloxacin và Flofenicol.