Lớn lên, cô đầu đi định cư ở nước ngoài, cô thứ hai lấy chồng rồi ra riêng, bà vẫn ở tại căn nhà mà bà đã mua khi chồng mới mất bằng tiền dành dụm từ buôn thúng bán bưng cùng với vợ chồng con út.
Thời gian trôi đi, căn nhà ngày càng xuống cấp, bà bàn với vợ chồng con út xây nhà mới để ở và thờ phụng chồng cho tươm tất. Cô con út nói với bà: “Mẹ đã lớn tuổi rồi mà thủ tục xin phép, xây dựng, hoàn công nhà rất phức tạp, tốn nhiều thời gian đi lại. Thôi mẹ ủy quyền lại cho con thay mặt mẹ lo liệu mọi việc”. Bà đồng ý ngay, lòng không một chút mảy may nghi ngờ.
Ngày ra phòng công chứng ký hợp đồng ủy quyền, công chứng viên hỏi bà đã đọc và có đồng ý với nội dung của hợp đồng không, bà trả lời ngay là đã đọc và đồng ý cho được việc dù thực tế vì tin con nên bà không đọc gì cả. Bà không hề biết rằng hợp đồng bà ký là hợp đồng tặng cho căn nhà cho con gái út chứ không phải là hợp đồng ủy quyền cho con gái út thay mặt bà lo thủ tục xin phép, xây dựng và hoàn công căn nhà.
Theo yêu cầu của con gái út, bà đưa hết số tiền dành dụm, tích góp cả đời mình cũng như tiền con gái lớn tặng bà dưỡng già cho con gái út để mua nguyên vật liệu, trả công thợ.
Kể từ khi căn nhà mới xây xong, con gái út luôn hắt hủi bà. Thấy vậy, con gái đầu đang định cư ở nước ngoài mời bà đi du lịch sang đó một thời gian, nếu thấy ổn thì bảo lãnh bà định cư luôn. Để được cấp visa đi du lịch, bà phải đưa ra cơ sở chứng minh là bà sẽ quay trở lại Việt Nam sau khi kết thúc tour du lịch. Một trong các cơ sở đó là bà phải đứng tên sở hữu tài sản tại Việt Nam. Bà liền yêu cầu con gái út đưa lại cho bà toàn bộ giấy tờ căn nhà. Cô này thẳng thừng: “Nhà mẹ đã cho con rồi còn đòi lấy lại giấy tờ làm gì nữa” và đưa cho bà xem hợp đồng tặng cho căn nhà mà bà ký tại phòng công chứng.
Bà choáng váng, đọc lại từng chữ của bản hợp đồng mà cứ tưởng mình bị hoa mắt. Cả số tiền vài trăm triệu đồng mà bà đã đưa cho con gái út để xây nhà cũng coi như mất trắng vì ngày đó chỗ mẹ con nào nghĩ đến chuyện giấy tờ.
Bà tìm đến văn phòng luật sư vào một buổi trưa. Sau khi nghe ý kiến tư vấn của luật sư, bà gần như không thể đứng lên được. Bà nói trong nước mắt: “Tôi cũng định lập di chúc để căn nhà lại cho nó nhưng tôi chưa kịp cho thì nó đã “nhận” mất rồi”.
Bà mất nhà, mất tiền, “mất” luôn cả con gái út mà bà từng hết mực yêu thương!
Luật sư NGUYỄN ĐỨC THỊNH, Đoàn Luật sư TP.HCM