Bà được chọn vì là một trong những nữ nghệ sĩ tài danh bậc nhất của sân khấu và có tầm ảnh hưởng sâu rộng với nhiều thế hệ.
NSND Kim Cương: “Với hòa bình, tôi sẽ làm đến hơi thở cuối cùng” - Ảnh: Gia Tiến
Bà nhẹ nhàng bảo: “Đã là một con người có lý trí thì bất cứ ai cũng mong được sống trong hòa bình. Vì hòa bình mang lại cho người ta những niềm vui, hạnh phúc, không gian an lành để làm ăn sinh sống, môi trường thuận lợi học tập, làm việc, sáng tạo và vui chơi giải trí. Chỉ có những người “sống bám” vào chiến tranh thì mới mong có chiến tranh để thay đổi trật tự, bán vũ khí hoặc cướp bóc, hôi của...".
"Sau một cuộc chiến, người ta có thể tổng kết được bao nhiêu nhà máy phải đóng cửa, bao nhiêu tòa nhà bị phá hủy, bao nhiêu cây cầu bị đánh sập, bao nhiêu người chết và bị thương... nhưng có một thứ không ai có thể tính được chính là những mất mát hiện lên trong ánh mắt những người cha, người mẹ, người vợ, trẻ nhỏ khi mất đi người mình yêu thương. Lấy gì để đo được nỗi đau khổ vô tận của những người còn sống sau một cuộc chiến?”- bà chia sẻ.
* Phải chăng những mất mát từ cuộc chiến đã được bà dồn vào những kịch bản sân khấu của mình một cách “kín đáo”?
- Hồi đó vì những ràng buộc của thời thế nên tôi không thể nói thẳng ra những gì mình nghĩ hay cảm nhận. Bằng cách này hay cách khác, trong kịch bản của tôi có lồng vào đó những khung cảnh, những mối quan hệ, những số phận trong một cuộc xung đột nào đó, như vở Khát sống mà tôi viết và dựng khi còn ở trong phong trào phản chiến. Câu chuyện là một cuộc chiến của hai phe, trong đó có một mối tình ngang trái của chàng trai ở phe này và cô gái ở phe kia. Họ khát khao dùng tình yêu chân thành của mình để làm cánh chim hòa bình hóa giải thù hận.
Tôi tin rằng khi con người thương nhau đủ nhiều, biết quý trọng từng phút giây bình yên, biết nâng niu từng tấc đất không bom đạn, biết đề cao từng cái đẹp trong cuộc sống, biết tôn trọng đạo lý và luật lệ thì chắc chắn chiến tranh khó xảy ra. Bởi vậy cách sống của gia đình tôi, cuộc đời của má, những kịch bản của tôi, những suất diễn của đoàn Kim Cương trước sau như một là đề cao và ca ngợi tình thương của con người: tình mẹ con, tình vợ chồng, tình anh em, tình bè bạn. Hồi đó anh Chế Lan Viên có nói một câu mà tôi tâm đắc: “Tận cùng của lý là lý thì lại vô lý, tận cùng của lý mà là tình thì mới thật có lý”.
* Biển Đông dậy sóng, lòng người cũng không yên, hòa bình và ổn định đang trở thành một khát vọng chung của nhiều người, không chỉ của người VN...
- Có đất nước nào mà người dân lại muốn có chiến tranh đâu. Hổm rày chuyện biển Đông làm tôi cứ nghĩ hoài, lãnh đạo Trung Quốc họ tính toán và có những mục đích hay lợi ích cá nhân, chứ phần đông dân Trung Quốc cũng là những người yêu chuộng hòa bình. Tôi cho rằng họ còn sợ chiến tranh hơn ai hết vì mỗi gia đình chỉ có một con, nếu lỡ bị chết vì chiến tranh thì không có gì có thể bù đắp được, không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất người thân và tuyệt tự. Nếu bây giờ mà xảy ra một cuộc chiến với trình độ khoa học kỹ thuật hiện tại thì tổn thất sẽ vô cùng khủng khiếp. Và bao giờ nỗi đau dành cho người còn lại cũng sẽ là nỗi đau vô tận.
* Bà sẽ làm gì để kêu gọi hòa bình?
- Trong cuộc đời của mình, đối với niềm đam mê sân khấu, tôi dành hơn 40 năm nhưng vì giới hạn tuổi tác nên phải dừng lại. Đối với công việc xã hội - từ thiện, tôi định sẽ làm đến lúc nào sức khỏe không cho phép nữa thì thôi. Nhưng đối với hòa bình, tôi xin hứa rằng tôi sẽ làm đến hơi thở cuối cùng! Tôi sắp đi Pháp vì công việc từ thiện của mình, ở đó tôi dự định sẽ có những buổi nói chuyện nêu cao khát vọng hòa bình của người VN. Được trở thành đại sứ của chương trình Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình, là một vinh dự lớn của tôi, tôi sẽ làm tất cả những gì trong khả năng mình cho phép.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn: vì một “tinh thần Gióng” Hà Anh Tuấn trong buổi đi bộ đồng hành gây quỹ “Tiếp sức đến trường” của báoTuổi Trẻ sáng 10-8- Ảnh: Thanh Đạm Là người đưa ra ý tưởng thực hiện đêm nhạc “Tuổi trẻ VN - Câu chuyện hòa bình”, ca sĩ Hà Anh Tuấn chia sẻ: - Tuấn đã ấp ủ tham gia, thực hiện những chương trình như thế này từ cách đây hai năm. Khi đó, Tuấn thấy mình đang trong giai đoạn khủng hoảng của tuổi trẻ, tức là cảm thấy mọi việc mình làm như hiện tại không còn quá thú vị, cuốn hút mình nữa. Mục tiêu cuộc đời mình là gì? Cứ hát, cứ sống làng nhàng vậy thôi ư? Vậy nên Tuấn đã “lội ngược dòng”, tìm đến các bạn sinh viên, thanh niên tình nguyện và có nguồn cảm hứng để thực hiện album Gióng, đề cao tinh thần yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau khi thực hiện album, Tuấn nuôi ý định tổ chức những đêm nhạc trên “tinh thần Gióng” nhưng vì nhiều yếu tố mà không thành. Tuy vậy, Tuấn vẫn chia sẻ ý tưởng cũng như ước nguyện đó của mình với mọi người. Một trong những người đó là chú Phạm Phú Ngọc Trai, lúc đó là chủ tịch Công ty Pepsi VN. Và khi câu chuyện giàn khoan Trung Quốc xảy ra thì chú đã chủ động gọi cho Tuấn để nói rằng đây là thời điểm phù hợp để kêu gọi “tinh thần Gióng” và cùng tham gia vào việc mời gọi các đơn vị tài trợ cũng như các đại sứ cho chương trình. Chú Trai cũng chính là cố vấn của chương trình. Và cũng phải rất cảm ơn anh Lê Quốc Phong - bí thư T.Ư Đoàn, chủ tịch Hội SV VN - đã là cầu nối tuyệt vời để những ý tưởng và nhiệt huyết đó đến được với “bạn cùng chí hướng” là báo Tuổi Trẻ. Những người Tuấn muốn hướng tới nhiều nhất cũng là tuổi trẻ. Hơn ai hết, giới trẻ là nhóm đối tượng xông xáo nhất, có nhiều khả năng và điều kiện để kết bạn nhất. Bằng tri thức của bạn, phương tiện của bạn, hãy nói với bạn bè mình, nói cho cả thế giới biết về những gì đang diễn ra, về câu chuyện hòa bình để nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ từ bạn bè năm châu. QUỲNH NGUYỄN |
Theo HOÀNG OANH (Tuổi Trẻ)