Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 112/2013, trong đó quy định rõ về các trường hợp được phép tạm giữ người theo thủ tục hành chính.
Theo đó, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau:
- Khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay các hành vi sau: gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác.
- Khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong các trường hợp sau mà người vi phạm có dấu hiệu bỏ trốn, tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm, gây cản trở việc xử lý vi phạm.
- Khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều 20 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP.
Trong mọi trường hợp, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền. Nghiêm cấm việc tùy tiện tạm giữ người không có quyết định bằng văn bản.
Ảnh minh họa
Thông báo quyết định tạm giữ: ngay sau khi ra quyết định tạm giữ, theo yêu cầu của người bị tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo bằng văn bản, điện thoại, fax hoặc các phương tiện thông tin khác về quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính cho gia đình, cơ quan, tổ chức nơi làm việc, học tập của người bị tạm giữ biết. Nếu không thể thông báo được thì phải báo cho người bị tạm giữ biết và ghi vào sổ theo dõi người bị tạm giữ hành chính.
Trong trường hợp tạm giữ người chưa thành niên vi phạm hành chính vào ban đêm hoặc tạm giữ họ trên 6 giờ thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người giám hộ của họ biết. Trường hợp không xác định được cha, mẹ, người giám hộ hoặc vì lý do khách quan mà không thể thông báo được thì phải báo ngay cho người bị tạm giữ biết và phải ghi rõ lý do vào sổ theo dõi người bị tạm giữ hành chính.
Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.
Đối với người vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.
Đối với người bị tạm giữ trên tàu bay, tàu biển thì phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền khi tàu bay đến sân bay, tàu biển cập cảng.
Người bị tạm giữ có quyền: được thông báo về việc bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính; yêu cầu người ra quyết định tạm giữ thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc, học tập biết việc mình bị tạm giữ; được biết lý do tạm giữ, thời hạn tạm giữ và địa điểm bị tạm giữ; khiếu nại về việc tạm giữ; được bảo đảm tiêu chuẩn ăn uống; được điều trị, chăm sóc y tế khi bị bệnh.
Trường hợp người bị tạm giữ chết trong thời gian bị tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải báo ngay cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật, đồng thời, thông báo cho gia đình, thân nhân của người chết biết. Trường hợp người chết là người nước ngoài thì người ra quyết định tạm giữ phải báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền cấp trên biết để thông báo ngay cho Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan đại diện lãnh sự của nước mà người chết có quốc tịch để phối hợp giải quyết.
Gia đình người chết có trách nhiệm mai táng người chết. Trường hợp người chết không có gia đình, thì việc mai táng do cơ quan, đơn vị nơi tạm giữ phối hợp với chính quyền địa phương nơi tạm giữ giải quyết mai táng; kinh phí mai táng trong trường hợp này do ngân sách nhà nước đảm nhiệm theo quy định của pháp luật.