Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 112/2013 quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất. Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 1-5-2016. Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM (ảnh), nhận định: “Việc bổ sung rõ hơn các trường hợp tạm giữ, áp giải người theo thủ tục hành chính hạn chế sự lạm quyền có thể xảy ra trong quá trình thực thi công vụ”.
. Phóng viên: Thưa luật sư, nghị định sửa đổi, bổ sung vừa ban hành có những điểm nào mới so với Nghị định số 112/2013 hiện hành?
+ Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Theo Điều 11 Nghị định 112 thì việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay các hành vi sau: Gây rối trật tự công cộng; gây thương tích cho người khác; người có hành vi vi phạm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 112 đã bổ sung thêm các trường hợp cụ thể được áp dụng việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính, khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Ngoài ra, nghị định mở theo hướng cho phép tạm giữ người đối với “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.
.Theo nghị định sửa đổi trên, người có hành vi buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì bị tạm giữ. Vậy bất cứ tình huống nào cũng bị tạm giữ hay tùy theo số lượng hàng hóa, mức độ hành vi?
+ Kể từ ngày 1-5-2016, người có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đều có thể bị tạm giữ hành chính nếu có dấu hiệu bỏ trốn, tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm, gây cản trở việc xử lý vi phạm. Mặt khác, việc quy định “các trường hợp khác” cũng nhằm tạo hành lang pháp lý để thực thi các quy định chuyên ngành. Chẳng hạn, có thể áp dụng việc tạm giữ hành chính với người sử dụng trái phép chất ma túy, người không nơi cư trú ổn định nhưng có hành vi vi phạm pháp luật… nếu các văn bản pháp luật khác có quy định. Nếu không tạm giữ hành chính thì những người này có thể bỏ trốn gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ việc.
Kể từ ngày 1-5-2016, người có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đều có thể bị tạm giữ hành chính nếu có dấu hiệu bỏ trốn… Ảnh: CTV
. Văn bản trên cũng tái khẳng định việc tạm giữ người khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 20 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và khoản 1 Điều 12 Nghị định 08/2009. Các trường hợp này được hiểu thế nào?
+ Đó là trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc. Họ có thể bị áp dụng biện pháp tạm giữ hành chính trong các trường hợp sau đây: Có đơn đề nghị của nạn nhân bạo lực gia đình, hoặc người vi phạm quyết định cấm tiếp xúc đã bị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhắc nhở nhưng vẫn cố tình vi phạm.
. Đối chiếu thực tế, việc ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung giải quyết được những vướng mắc nào trong quá trình thực hiện Nghị định 112/2013?
+ Nghị định 112/2013 chỉ quy định hạn chế hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác và một số hành vi liên quan đến bạo lực gia đình mới được áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Trong khi đó, Luật Hải quan đã sửa đổi, bổ sung trường hợp tạm giữ người khi có căn cứ về hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Nếu không sửa Nghị định 112/2013 thì sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện việc xử lý vi phạm.
. Xin cám ơn luật sư.
Các trường hợp được tạm giữ người có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới: + Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu hoặc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật. + Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa. + Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan. + Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ kèm theo hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật. + Nhập khẩu hàng hóa phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng. + Buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. + Vận chuyển hàng hóa qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật. |