Khi người đứng đầu cam kết chịu trách nhiệm - Bài 1: Hành động quyết liệt sẽ sớm đưa Nghị quyết 98 về đích

Khi người đứng đầu cam kết chịu trách nhiệm - Bài 1: Hành động quyết liệt sẽ sớm đưa Nghị quyết 98 về đích

(PLO)- Nếu người đứng đầu chần chừ, thiếu vững vàng, do dự sẽ phá vỡ lòng tin của đội ngũ cán bộ dưới quyền và người dân.

LTS: Chủ đề năm 2024 của Đảng bộ và chính quyền TP.HCM là quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98. Để làm được điều này cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị TP, trong đó yếu tố then chốt, quyết định việc này là vai trò đầu tàu của người đứng đầu các cấp.

Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến của người trong cuộc, cán bộ quản lý, chuyên gia về vai trò của người đứng đầu để đưa đoàn tàu Nghị quyết 98 lăn bánh về đích thành công.

*********

Một trong những nội dung trọng tâm trong năm 2024 của TP.HCM là thực hiện Nghị quyết 98/2023. Để thực hiện thắng lợi nghị quyết này đòi hỏi cả hệ thống chính trị TP phải cùng vào cuộc và chuyển động. Một trong những yếu tố quyết định của việc này là yếu tố con người, quan trọng hơn cả đó là vai trò đầu tàu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Chia sẻ với PV, người đứng đầu các quận, huyện ủy ở TP.HCM đã nhắc đến tinh thần “bảy dám” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và khẳng định khi người đứng đầu dám bứt phá, đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì cấp dưới cũng dám hành động, công việc sẽ được thực hiện trôi chảy, xuyên suốt…

Khi người đứng đầu cam kết chịu trách nhiệm
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Rào cản là sự vô cảm, sợ trách nhiệm

Phó Bí thư thường trực Quận ủy quận 7 Trần Chí Dũng cho rằng Nghị quyết 98 vừa là thời cơ nhưng cũng vừa là thách thức với TP.HCM. Do đó, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp càng phải được khẳng định, bởi đầu tàu có quyết liệt thì cả đoàn tàu mới chuyển biến mạnh và đi được đến đích.

Theo ông Dũng, người đứng đầu trên đoàn tàu Nghị quyết 98 ngoài những tiêu chuẩn chung được quy định thì phải có chỉ số trí tuệ cảm xúc cao, đây là điều rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

“Chúng ta phải nhìn nhận với nhau rằng vật cản lớn nhất đối với sự phát triển của TP.HCM nói chung và Nghị quyết 98 nói riêng chính là sự vô cảm, bệnh sợ trách nhiệm, sức ì về tư duy, hành động” - ông Dũng nói và cho rằng chỉ người lãnh đạo có trí tuệ, cảm xúc cao mới nhận thấy được tâm tư, bức xúc của người dân, mới nhận thấy mình cần hành động gì, nếu không hành động thì hậu quả sẽ ra sao?

Những điều này sẽ thúc đẩy người đứng đầu có quyết định, hành động quyết liệt, dũng cảm, dân chủ; từ đó truyền cảm hứng cho cấp dưới để mọi người cùng nhau hành động.

Cách làm của quận Bình Tân

Ngay khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, né tránh, không làm đúng phần việc của mình, quận Bình Tân đã tiến hành làm rõ, xử lý.

Quận đã xử lý, thay thế trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận. Đồng thời, chấn chỉnh, xử lý hai phường liên quan đến cán bộ.

Quận cũng đã thực hiện luân chuyển, điều động, bổ nhiệm 28 lãnh đạo, quản lý.

Ông HUỲNH KHẮC ĐIỆP, Bí thư quận Bình Tân, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng của Đảng bộ TP.HCM năm 2023

Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng vai trò của người đứng đầu quan trọng nhưng không phải là duy nhất. Theo ông, thành quả cuối cùng phải là sự nỗ lực của cả tập thể, đòi hỏi cả bộ máy phải đồng lòng vận hành trơn tru.

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98, ông Dũng đề nghị TP.HCM lập danh mục các kiến nghị, đề xuất của địa phương liên quan đến nghị quyết này; đồng thời lập các tổ giám sát đặc biệt, theo dõi việc rà soát, nghiên cứu, thực hiện các kiến nghị, đề xuất. “Đây cũng là giám sát trách nhiệm của người đứng đầu có tranh thủ thời cơ, tận dụng những cơ hội mà Nghị quyết 98 mang lại cho các địa phương hay không” - ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, TP.HCM đã có bài học kinh nghiệm từ việc yêu cầu người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị ký cam kết giải ngân vốn đầu tư công. Do đó, cần vận dụng bài học này vào quá trình thực hiện Nghị quyết 98.

trach-nhiem-nguoi-dung-dau.jpg
Nhờ tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm, những cách làm sáng tạo mà nhiều công trình đã được khởi công kịp thời. Trong ảnh: Dự án trường THCS Trần Cao Vân ở quận Bình Tân. Ảnh: THANH TUYỀN

Lãnh đạo chần chừ sẽ phá vỡ lòng tin của cấp dưới

Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Trần Văn Khuyên cũng khẳng định người đứng đầu có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, sớm tìm ra hướng giải quyết trong những tình huống khó khăn, phức tạp luôn là niềm tin vững chắc cho cấp dưới.

Ông Khuyên nhìn nhận về tâm lý, cán bộ cấp dưới bao giờ cũng mong muốn học hỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, cách hành xử trong đời sống… ở lãnh đạo cấp trên.

“Nếu người đứng đầu chỉ một thoáng chần chừ trong suy nghĩ, hay chỉ một hành vi nhỏ trong hành động tỏ ra thiếu vững vàng, do dự sẽ tác động “công phá” đối với lòng tin của đội ngũ dưới quyền và người dân” - ông Khuyên nhấn mạnh.

Ông cho rằng không có đổi mới, sáng tạo nào mà không gặp khó khăn, không có sự dấn thân nào mà không gặp những trở lực. Đặc biệt đổi mới quy trình, phương pháp lãnh đạo vốn đã khó thì việc dám nghĩ, dám làm, dám đột phá trong giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội lại càng khó hơn.

Từ thực tiễn của một huyện ngoại thành có hệ thống giao thông hạn chế nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong giao thương, ông Khuyên cho biết huyện đã mạnh dạn đề xuất lãnh đạo TP mở rộng nhiều tuyến đường huyết mạch như Nguyễn Văn Bứa, Dương Công Khi, Đỗ Văn Dậy, Bùi Công Trừng… Đặc biệt còn có dự án đường song hành Phan Văn Hớn kết nối Quốc lộ 1A với đường vành đai 3.

Ông kỳ vọng những dự án giao thông này sẽ cộng hưởng với dự án đường vành đai 3, tạo sức bật mới có giá trị phát triển kinh tế cho TP.HCM về phía tây bắc, giúp phát huy tiềm lực vốn có ở quận 12 và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh…

Bí thư Huyện ủy Hóc Môn cho biết bên cạnh việc điều động, bố trí giữ nhiệm vụ, huyện Hóc Môn còn khuyến khích cán bộ đăng ký và giao việc mang tính đột phá, sáng tạo. Từ đó, giúp cán bộ, công chức khẳng định được tính tiên phong, gương mẫu, phát huy năng lực trong công tác, nhất là đối với người đứng đầu.

“Vai trò của người đứng đầu tại huyện được khẳng định qua việc chủ động, quyết liệt rà soát, giải quyết những công việc tồn đọng, khó khăn, vướng mắc trên tinh thần “dễ trước, khó sau”. Có thể kể đến là việc giải quyết các hồ sơ nhà đất tồn đọng qua nhiều giai đoạn; đưa dự án tồn đọng đi vào hoạt động; đề xuất phương án gỡ khó cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án đường vành đai 3…” - ông Khuyên nói.

Điều chuyển cán bộ lãnh đạo để bộ máy mạnh mẽ hơn

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM khi còn là bí thư Quận ủy quận 1, bà Tô Thị Bích Châu (Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) nhìn nhận trong bối cảnh TP.HCM tập trung toàn bộ nguồn lực để triển khai hiệu quả Nghị quyết 98, vai trò của người đứng đầu là rất quan trọng.

Theo bà, người đứng đầu phải là người có khả năng định hình chiến lược dài hạn cho sự phát triển của địa phương nói riêng, TP nói chung. Điều này đòi hỏi họ phải có khả năng bao quát, có sự quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để đưa ra quyết định và chỉ đạo thực hiện linh hoạt.

Trong bối cảnh hiện nay, bà Châu cũng cho rằng người đứng đầu cấp ủy và chính quyền cần có những phẩm chất, năng lực đa dạng để đáp ứng nhiệm vụ mà lãnh đạo TP giao phó. Đặc biệt, tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, minh bạch cũng là những phẩm chất quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững và tích cực của TP theo đúng hướng của Nghị quyết 98.

Về công tác cán bộ, nguyên bí thư Quận ủy quận 1 thông tin tháng 4-2023, Quận ủy quận 1 đã ban hành kế hoạch về sắp xếp, điều chuyển vị trí công tác đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức theo quy định… Việc này nhằm tạo sự chủ động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ trong quy hoạch… để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Từ khi ban hành kế hoạch đến nay, Quận ủy quận 1 đã điều chuyển 27 trường hợp; riêng cán bộ lãnh đạo, quản lý khối giáo dục là 22 trường hợp. “Đây là một bước tiến mang tính đột phá trong công tác cán bộ của Đảng nhằm thử thách và đào tạo ra những cán bộ bản lĩnh, có kinh nghiệm thực tiễn cơ sở và để bộ máy mạnh mẽ hơn” - bà Châu nói.

***********

Huyện Nhà Bè mạnh dạn thay cán bộ không đáp ứng công việc

Qua quá trình công tác, tôi nhận thấy rằng dù TP.HCM còn nhiều vấn đề cần giải quyết, song những thành quả mà TP đã đạt được chắc chắn có sự năng động, sáng tạo, trăn trở, suy tư của đội ngũ cán bộ, trong đó có những người đứng đầu.

Vừa qua có ý kiến cho rằng các vụ việc sai phạm có nguyên nhân do người đứng đầu không nêu gương, không sâu sát.... Ý kiến này không phải không có lý, song nếu chỉ nhận định như vậy thì chưa đầy đủ, chưa cụ thể và thật sự mới chỉ ở một góc nhìn.

Đương nhiên người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của cán bộ dưới quyền mình. Tuy nhiên, trong hệ thống chính trị cán bộ, đảng viên ở bất kỳ ở cương vị nào đều phải chấp hành các quy định của Đảng, tuân thủ pháp luật. Xác định như vậy để mỗi cán bộ trong hệ thống cần thể hiện rõ hơn nữa tinh thần, trách nhiệm, bản lĩnh trong thực thi nhiệm vụ.

p3-mau-bi-thu-trung.jpg
Bí thư Huyện ủy Nhà Bè Dương Thế Trung. Ảnh: VGP

Tôi cũng cho rằng khi người đứng đầu dám bứt phá thì cấp dưới cũng dám hành động. Bởi rõ ràng những hành động dám bứt phá, đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo có tác động rất lớn đến cấp dưới.

Tinh thần đó của lãnh đạo không chỉ là sự tuyên bố, là tấm gương mà còn thể hiện sự cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ, thấu hiểu, giúp đội ngũ cán bộ dưới quyền cảm thấy an tâm, vững tin hơn.

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của UBND TP.HCM, bí thư Thành ủy TP đã nhấn mạnh việc sẽ thưởng phạt nghiêm minh, chính xác và kịp thời trên tinh thần mỗi cán bộ, nhất là người đứng đầu phải làm đúng và làm tốt việc được giao. Ai làm sai, có rủi ro do yếu tố khách quan, không vụ lợi, lãnh đạo TP sẽ đứng ra chịu trách nhiệm. Còn nếu vì động cơ cá nhân, vụ lợi, tham nhũng, hối lộ thì phải chịu trách nhiệm cá nhân.

Chính tinh thần này sẽ giúp những cán bộ năng động, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung an tâm hơn khi thực hiện nhiệm vụ.

Tôi cho rằng tùy nhiệm vụ, lĩnh vực công tác mà TP có thể phân cấp, ủy quyền phù hợp cho cơ sở thực hiện. Đi đôi với phân cấp, ủy quyền thì TP cũng phải tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ...

Tại huyện Nhà Bè, những năm qua chúng tôi đã thực hiện rất nhiều biện pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Huyện luôn trân trọng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức phát huy hết năng lực, sở trường. Những cán bộ có thành tích nổi trội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được tập thể Ban Thường vụ xét duyệt đưa vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị trực thuộc để tiếp tục phấn đấu.

Với những cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu công việc, chúng tôi sẽ điều động, luân chuyển sang nhiệm vụ khác phù hợp với năng lực, trình độ của cán bộ. Đặc biệt, những trường hợp cán bộ sai phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì Ban Thường vụ Huyện ủy cũng cương quyết xử lý.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đề bầu giữ chức vụ mới là 92 người, trong đó có 48 cán bộ dưới 40 tuổi.

Đáng chú ý, ngay trong thời điểm dịch COVID-19, huyện đã mạnh dạn thay đổi năm chủ tịch, phó chủ tịch xã, thị trấn do năng lực hạn chế, tinh thần trách nhiệm không cao. Hiệu quả công việc sau đó được nâng lên, tình hình dịch bệnh tại địa phương cũng được kiểm soát sớm...

Bí thư Huyện ủy Nhà Bè DƯƠNG THẾ TRUNG

Đọc thêm