Vùng Đông Nam Bộ được kỳ vọng phát triển xứng tầm vùng kinh tế động lực, cực tăng trưởng quan trọng của cả nước, để khai thác, phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của vùng và các địa phương, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 24/2022. Nghị quyết xác định trong giai đoạn 2021-2030, mục tiêu tăng trưởng GRDP chung của vùng Đông Nam Bộ bình quân 8%-8,5%/năm, giữ vững vai trò của vùng kinh tế động lực.
Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ sau đó cũng được thành lập do Thủ tướng làm chủ tịch hội đồng, điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của người đứng đầu Chính phủ đối với vùng Đông Nam Bộ.
Áp dụng TOD cho vùng Đông Nam Bộ
Tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ vào ngày 26-11-2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng phải chọn kịch bản phát triển cao đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hay vùng Đông Nam Bộ.
Theo ông Phan Văn Mãi, cần mạnh dạn xác định vùng Đông Nam Bộ là vùng công nghiệp - dịch vụ; lan tỏa ra các vùng khác và cả nước, đồng thời tiếp nhận từ khu vực và thế giới. Trên tinh thần đó, tứ giác TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu cần được đặt lại cho đúng vị thế của một tứ giác năng động bậc nhất khu vực Đông Nam Á vào năm 2030 và năng động tầm châu Á - thế giới sau đó.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết một trong các nhiệm vụ quan trọng đang được Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ triển khai là nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù của vùng Đông Nam Bộ trên cơ sở vận dụng Nghị quyết 98/2023 cũng như các quy định, nghị quyết khác có liên quan. Đây cũng là nhiệm vụ mà TP.HCM và các địa phương phải tập trung trong thời gian tới.
Hiện TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã thống nhất rà soát các vướng mắc về cơ chế, chính sách để báo cáo đề xuất cơ chế đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển cảng biển, khu thương mại tự do, khu phi thuế quan; giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cũng theo Sở KH&ĐT TP, có thể xem xét áp dụng chung cho vùng Đông Nam Bộ cơ chế phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD) xung quanh các nhà ga hành khách và dọc các tuyến vành đai. Từ đó khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo nguồn lực đầu tư hạ tầng, góp phần phát triển vận tải hành khách công cộng và giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.
“Việc đề xuất, triển khai áp dụng các cơ chế, chính sách trong Nghị quyết 98 đối với vùng Đông Nam Bộ cần có thời gian nghiên cứu kỹ, đảm bảo tính khả thi, giải tỏa được các điểm nghẽn hiện nay” - Sở KH&ĐT TP nêu và khẳng định các cơ quan chuyên môn của TP.HCM và các địa phương trong vùng đang phối hợp chặt chẽ để tham mưu cho UBND các tỉnh, TP; đồng thời có sự chỉ đạo xuyên suốt của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ và các bộ, ngành Trung ương.
Bộ KH&ĐT đang tập trung hoàn thành quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, đề xuất nhiều phương án quy hoạch vùng và các giải pháp để thực hiện quy hoạch. Trong đó, TP.HCM cùng các tỉnh cũng đang tích cực tham gia quá trình này.
TP.HCM ưu tiên đầu tư giao thông kết nối vùng
Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị cùng Nghị quyết 81/2023 của Quốc hội đã xác định rõ vị trí, vai trò của TP.HCM đối với vùng Đông Nam Bộ.
Chính quyền TP.HCM cũng xác định trách nhiệm hiện thực hóa quan điểm, tầm nhìn của Bộ Chính trị về vị trí, vai trò của TP trong vùng. Cụ thể, xây dựng TP hiện đại, thông minh, năng động, sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, phát triển ngang tầm các TP lớn trong khu vực châu Á, là cực tăng trưởng của vùng. Đây cũng sẽ là nơi tập trung của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới, giữ vai trò động lực và đầu tàu đối với vùng cũng như cả nước.
“Sự phát triển của TP không thể tách rời sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ” - Sở KH&ĐT khẳng định và cho biết vừa qua TP.HCM đã chủ động mở rộng hợp tác với các vùng, các địa phương trong cả nước nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng.
Theo Sở KH&ĐT, năm 2023, TP.HCM đã ký kết các thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 với tất cả các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, đồng thời ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với nhiều hoạt động cụ thể.
Hằng quý, lãnh đạo UBND TP và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đều gặp gỡ, trao đổi về tiến độ các dự án giao thông trọng điểm liên vùng, nội dung hợp tác cũng như những khó khăn, vướng mắc phát sinh để kịp thời có giải pháp tháo gỡ.
Để đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của vùng Đông Nam Bộ, TP.HCM ưu tiên tăng cường đầu tư mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, logistics, kỹ thuật nhằm cải thiện khả năng kết nối với các vùng lân cận và quốc tế. Phát triển cảng biển, sân bay và hệ thống đường bộ, đường sắt.
TP cũng tính toán tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, sản xuất công nghiệp; cải thiện quy định, giảm thiểu thủ tục hành chính cũng như ưu đãi thuế.
Đồng thời phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các startup công nghệ, tạo điều kiện cho nghiên cứu và phát triển; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường.
Ngoài ra, TP.HCM còn tăng cường hợp tác với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và mở rộng mối quan hệ với các đối tác quốc tế nhằm thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường; đầu tư vào du lịch và văn hóa, thu hút du khách, quảng bá hình ảnh của TP và vùng Đông Nam Bộ…
Vùng Đông Nam Bộ gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh, diện tích 23.551 km2, chiếm 7,1% diện tích cả nước; dân số khoảng 18,8 triệu người, chiếm 18,9% dân số cả nước (năm 2022) và là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước.
So với cả nước, năm 2022, GRDP vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 31%, xuất khẩu đóng góp khoảng 35%, thu ngân sách khoảng 38%, GRDP bình quân đầu người của vùng gấp 1,64 lần cả nước…
Chia sẻ về vị trí của TP.HCM trong vùng Đông Nam Bộ, Sở KH&ĐT cho rằng TP.HCM là địa phương có vai trò quan trọng, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng. TP hiện chiếm 50,1% GRDP, 46,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 55,1% tổng thu ngân sách, 43% tổng kim ngạch xuất khẩu và 52% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn vùng Đông Nam Bộ, là cửa ngõ giao thông quốc tế của các vùng phía Nam.
******
Giải quyết nút thắt về hạ tầng giao thông
Mặc dù có vai trò hết sức quan trọng nhưng vùng Đông Nam Bộ đã và đang đối mặt với nhiều hạn chế, thách thức. Đáng chú ý, mạng lưới kết cấu hạ tầng nội vùng và liên vùng thiếu, chưa đồng bộ; chênh lệch về phát triển giữa các địa phương trong vùng; hạn chế trong liên kết vùng.
Việc xây dựng không gian kinh tế thống nhất chưa hiệu quả, nguồn lực bị phân tán; lợi ích kinh tế của từng địa phương còn bó buộc theo địa giới hành chính, thậm chí cạnh tranh nhau dẫn đến triệt tiêu lợi thế chung của toàn vùng.
Các vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và nguồn nước, ngập úng cục bộ trong vùng chưa được giải quyết triệt để. Vai trò, vị trí của vùng Đông Nam Bộ trong nền kinh tế đang có chiều hướng suy giảm. Trong đó, nút thắt lớn của vùng Đông Nam Bộ hiện nay là hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.
Chính vì vậy, việc cần làm ngay là tìm kiếm giải pháp nhằm gỡ các nút thắt thể chế về liên kết, thu hút đầu tư vùng, tạo cơ hội để vùng Đông Nam Bộ phát triển bứt phá.
(Theo Sở KH&ĐT TP.HCM)
************
Cần xúc tiến tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu
Chia sẻ về tầm quan trọng của việc liên kết vùng Đông Nam Bộ, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhìn nhận đây là khu vực phát triển kinh tế năng động, có trình độ phát triển cao, có lực lượng lao động dồi dào, hệ thống đô thị phát triển. Trong đó, TP.HCM là hạt nhân, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, đổi mới sáng tạo lớn nhất cả nước.
Theo ông Thọ, giữa các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ luôn có sự gắn kết chặt chẽ và ngày càng được mở rộng về mọi mặt. Sự phát triển của từng địa phương cũng như của toàn vùng luôn có sự hỗ trợ, tạo động lực cho nhau.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác, liên kết phát triển với các địa phương trong vùng. “Thị trường gần 20 triệu dân và sự phát triển kinh tế của các địa phương trong vùng chính là tiềm năng, cơ hội để tỉnh phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh tế biển” - ông Thọ nói.
Liên quan đến phát triển giao thông vùng, ông Lê Đình Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho hay tuyến giao thông thủy từ TP.HCM đi Côn Đảo sẽ sớm được đưa vào khai thác, góp phần phát triển giao thông vận tải và du lịch đường thủy giữa hai địa phương. Cảng tàu khách Côn Đảo cũng được nâng cấp nhằm đáp ứng việc tiếp nhận tàu từ TP.HCM ra.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng mong các cơ quan chức năng sớm thống nhất quy mô đầu tư, nguồn vốn của dự án đường vành đai 4 đoạn đi qua địa bàn. Cùng với đó, các địa phương trong vùng cần quan tâm, xúc tiến tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Một yếu tố khác giúp thúc đẩy phát triển liên kết vùng Đông Nam Bộ là phát triển các sản phẩm du lịch. Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhìn nhận các địa phương trong vùng có thể bổ sung, tương trợ lẫn nhau trong phát triển các thế mạnh về du lịch, tạo thành “bộ sản phẩm du lịch”. Các địa phương sẽ cùng nhau quảng bá nhằm tạo sức hấp dẫn và thu hút thêm nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
“Thông qua đó sẽ giúp kéo dài thời gian lưu trú, chi tiêu của khách du lịch khi đến với vùng Đông Nam Bộ” - ông Trịnh Hàng nhấn mạnh. KHÁNH LY
******
Đồng Nai phát triển hệ thống đô thị hiện đại
Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai, Tổ trưởng Tổ điều phối của tỉnh Đồng Nai triển khai các hoạt động vùng Đông Nam Bộ, khu vực có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Tại Đồng Nai, tỉnh xác định hướng phát triển là phải phù hợp với quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, thống nhất với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh... của quy hoạch quốc gia.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 257/2023 về thực hiện Nghị quyết 24, trong đó đề ra những mục tiêu rất cụ thể. Như đến năm 2030, Đồng Nai trở thành khu vực phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trung tâm công nghệ cao, sử dụng công nghệ xanh, dịch vụ logistics. Phát triển hệ thống đô thị thông minh và hiện đại, là một trong những tỉnh đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính.
Đồng Nai cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét và đứng đầu cả nước...
Đồng Nai cũng đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp về đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội tỉnh, nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất. Đặc biệt là khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh của tỉnh, của vùng. V.HỘI