Vùng Đông Nam Bộ có tiềm năng, lợi thế và động lực phát triển lớn nhất cả nước. Nếu được hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù cho vùng thì vùng Đông Nam Bộ sẽ phát triển bứt tốc, tạo ra các động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới. Thậm chí có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đến hai con số bền vững trong nhiều năm tới.
Đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực tư nhân
Để làm được điều này, vùng Đông Nam Bộ cần có bốn cơ chế, chính sách đột phá.
Một là, cơ chế phối hợp tập trung vốn giữa Trung ương với địa phương và giữa các địa phương trong vùng. Cơ chế này nhằm tạo quỹ phát triển hạ tầng vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực ngoài nhà nước.
Hai là, cơ chế hỗ trợ đủ mạnh để phát triển các đô thị vệ tinh, giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn, cải thiện môi trường không khí và môi trường sinh thái, giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp, các “khu ổ chuột” ở các đô thị.
Ba là, cơ chế đổi mới nhằm phát triển vùng thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Vùng cũng cần đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm.
Bốn là, cơ chế thúc đẩy liên kết vùng, hướng tâm, vành đai, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu quốc tế, tăng cường hợp tác với các vùng lân cận như Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ, ĐBSCL để tạo ra sự bổ trợ và tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Có thể áp dụng Nghị quyết 98 cho cả vùng
Mới đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM với 44 cơ chế, chính sách trong bảy lĩnh vực. Trong đó có 27 cơ chế, chính sách chỉ riêng TP.HCM được áp dụng.
Việc áp dụng một số cơ chế, chính sách của Nghị quyết 98 cho cả vùng Đông Nam Bộ là có khả năng, nhằm thúc đẩy sự phát triển liên kết, đồng bộ và bền vững của vùng.
Có thể kể đến như cơ chế phối hợp tập trung vốn giữa Trung ương với địa phương và giữa các địa phương trong vùng. Hay cơ chế thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) cho các tuyến giao thông lớn, như tuyến metro số 1; đường vành đai 3, 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, nhằm phát triển đô thị dọc theo các tuyến này, tăng cường kết nối vùng và liên vùng.
Cơ chế hợp tác công tư (PPP) cho các dự án giao thông hiện hữu, như BOT, BTO, BT để thu hồi vốn đầu tư và nâng cấp, bảo trì các tuyến đường này…
Để áp dụng các cơ chế, chính sách này cho cả vùng Đông Nam Bộ, cần có sự thống nhất, phối hợp và hỗ trợ của Trung ương, Chính phủ và các tỉnh, TP trong vùng. Đồng thời có sự nghiên cứu, đánh giá và điều chỉnh phù hợp với đặc thù, văn hóa, tiềm năng, nhu cầu của từng địa phương.
Vùng Đông Nam Bộ có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng chưa được khai phá hết. Có thể kể đến như hệ thống giao thông kết nối liên vùng, hướng tâm, vành đai, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu quốc tế là trục xương sống của hệ thống đường bộ; chưa làm chủ được công nghệ cao…
Riêng với TP.HCM, cần phải phát huy vai trò trung tâm, lõi, đầu tàu trong việc thúc đẩy sự phát triển của vùng.