Cần chọn kịch bản phát triển cao cho vùng Đông Nam Bộ

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến nguồn lực quan trọng nhất giúp vùng Đông Nam Bộ phát triển là các cơ chế, chính sách linh hoạt, đặc thù.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 26-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ hai với chủ đề Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội nghị, các đại biểu quan tâm đến việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ.

hoi-nghi-vung-dong-nam-bo (1).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ hai. Ảnh: NGUYỆT NHI

Cần cởi trói bằng cơ chế đặc thù

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng phải chọn kịch bản phát triển cao cho vùng Đông Nam Bộ. Do đó, phải rà soát, chạy lại các đầu số và phải nghiên cứu toàn bộ điều kiện để có sự tăng trưởng, phát triển theo kịch bản cao.

Theo ông Mãi, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải là vùng kinh tế trọng điểm số 1, có năng lực hội nhập, cạnh tranh quốc tế mà quốc gia phải đầu tư vào. Thậm chí giai đoạn từ đây đến năm 2030, phải đầu tư đến 30%-50% nguồn lực quốc gia thì mới có được một đầu tàu, bứt tốc trong thời gian tới.

“Từ đây đến năm 2030 chúng ta có thể chấp nhận tăng trưởng dưới 8% nhưng sau năm 2030 phải tăng trưởng hai con số và hai con số này sẽ bền vững trong 10-20 năm sau” - ông Mãi nhấn mạnh và cho rằng không cần đặt lại vấn đề cơ chế vùng nữa mà gọi là cơ chế đặc biệt quốc gia cho vùng.

Ông Phan Văn Mãi cho rằng cần mạnh dạn xác định vùng Đông Nam Bộ là vùng công nghiệp - dịch vụ; lan tỏa ra các vùng khác và cả nước, đồng thời tiếp nhận từ khu vực và thế giới.

p3-thay-anh-7930-3710.jpg
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỆT NHI

Còn TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbrigh, ĐH Fulbright, nhìn nhận vùng Đông Nam Bộ có cực tăng trưởng quan trọng nhất cả nước nhưng những năm gần đây tốc độ tăng trưởng của vùng thấp hơn mức trung bình cả nước. Ông cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là làm thay đổi tốc độ tăng trưởng của vùng để vùng thực sự là đầu tàu tăng trưởng kéo theo, dẫn dắt nền kinh tế cả nước.

Theo TS Tự Anh, nếu đặt kỳ vọng phát triển vùng theo kịch bản cao như Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị thì cần đảm bảo các điều kiện về tài chính, thể chế, do đó cần cởi trói bằng cơ chế đặc thù.

Xây dựng chế, chính sách linh hoạt

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận cần tiếp cận đột phá trong việc thực hiện quy hoạch, giải quyết các vấn đề của vùng Đông Nam Bộ.

“Đột phá về tư duy, tầm nhìn về chiến lược lâu dài, bám sát thực tiễn và dựa vào ba trụ cột chính là con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa lịch sử” - Thủ tướng nêu định hướng, trong đó cho rằng con người sẽ là trung tâm của sự phát triển.

hoi-nghi-vung-dong-nam-bo (3).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: NGUYỆT NHI

Theo Thủ tướng, để phát triển vùng Đông Nam Bộ thì phải huy động hài hòa nguồn lực cả bên trong lẫn bên ngoài. Nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài, mang tính quyết định còn nguồn lực bên ngoài tạo sự đột phá, giữ vai trò quan trọng.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh đến nguồn lực quan trọng nhất là xây dựng cơ chế, chính sách linh hoạt. “Làm sao để sáng tạo ra những cơ chế, chính sách đặc thù để huy động được các nguồn lực phù hợp với vai trò của từng địa phương trong vùng” - Thủ tướng nói.

Về mục tiêu, người đứng đầu Chính phủ đề nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao cho vùng Đông Nam Bộ trong những năm tới, đi cùng đó là lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực phù hợp để đạt được mục tiêu.

Thủ tướng cho rằng việc phát triển nhanh và bền vững là mục tiêu chung nhưng vùng Đông Nam Bộ cần dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển, tạo sự đột phá, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

Ngoài ra, việc kết nối giao thông cũng phải được đẩy mạnh ở cả năm phương thức, lấy giao thông hàng không, giao thông thủy là trung tâm của kết nối quốc tế và khu vực.

Thủ tướng cũng chỉ đạo phải tạo được mối dây liên kết giữa kinh tế vùng Đông Nam Bộ với kinh tế Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Nam Trung Bộ và kinh tế của cả nước nhằm bổ trợ, thúc đẩy nhau phát triển. Đồng thời, kết nối quốc tế với Lào, Campuchia, khu vực ASEAN hay với các trung tâm kinh tế lớn như New York…

Các chương trình, dự án lớn khác như trung tâm tài chính quốc tế; hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt; các sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất, Biên Hòa… cần được phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn.

Quy hoạch phải thoát ra khỏi cơ chế “xin-cho”

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải thoát ra được những tư duy cũ, đặc biệt là cơ chế “xin-cho”, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế cho cả vùng. Việc phát triển hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, đồng thời đánh giá lại hạ tầng giao thông hiện có và đang triển khai từ đây tới năm 2030 đã đồng bộ, hiệu quả chưa hay cần thêm hạ tầng giao thông khác nữa.

Từ đó mới định hình ra các tiềm năng về đô thị, công nghiệp, tránh các xung đột trong quá trình phát triển về quy hoạch chung cùng lúc, tránh sự chồng chéo. Theo ông, đây cũng là cơ sở mở đường cho các quy hoạch khác.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh NGUYỄN THANH NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm