Thủ tướng: Phân cấp càng mạnh càng tốt để TP.HCM thực hiện Nghị quyết 98

Thủ tướng: Phân cấp càng mạnh càng tốt để TP.HCM thực hiện Nghị quyết 98

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận khi thực hiện Nghị quyết 98, cách giải quyết các vướng mắc, khó khăn phải ở tầm cao hơn, mạnh mẽ hơn.

Ngày 26-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, được thành lập theo Quyết định 850/2023 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là BCĐ 850).

Tại hội nghị, các bộ, ngành, TP.HCM đã báo cáo, trao đổi các nội dung công việc sau hơn bốn tháng thực hiện Nghị quyết 98.

p2+3-anh-chinh-hoi-nghi-lan-thu-nhat-NQ-98.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98. Ảnh: VGP

Nghị quyết 98 giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP.HCM

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận TP.HCM là TP năng động, sáng tạo, có truyền thống lịch sử, đoàn kết thống nhất, không gian phát triển lớn nhưng khuôn khổ pháp lý hẹp.

Nghị quyết 98 ra đời đã góp phần giải quyết những vấn đề ách tắc về pháp lý, cách thức tổ chức thực hiện, để phát triển tối đa không gian phát triển của TP trong tổng thể phát triển cả nước.

Thủ tướng đánh giá một số công việc ban đầu đã đạt kết quả tích cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP.HCM. Dẫn chứng, ông cho hay tăng trưởng kinh tế của TP.HCM quý I-2023 còn thấp hơn mức bình quân của cả nước nhưng sang quý II đã cao hơn, quý sau đã cao hơn quý trước... “Nghị quyết 98 là động lực thúc đẩy TP.HCM tự tin làm tốt hơn” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng một số bộ, ngành vẫn có cách làm dè dặt, cách tiếp cận chưa đúng. Do đó, thời gian tới cần thông suốt tư tưởng, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt cần có tinh thần tấn công mạnh mẽ, chủ động hơn nữa để triển khai công việc tốt hơn.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận khi thực hiện Nghị quyết 98, cách giải quyết các vướng mắc, khó khăn phải ở tầm cao hơn, mạnh mẽ hơn.

thu-tuong-metro-tong-the-2-4473-2124.jpg
Tại hội nghị, Thủ tướng gợi ý TP.HCM có thể làm tàu điện ngầm đi Cần Giờ. Ảnh: HÀ THƯ

Phân cấp tối đa cho TP.HCM

Đi sâu vào từng nội dung cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc xây dựng metro tại TP.HCM phải có dự án tổng thể, giải quyết tập trung, trọng tâm, trọng điểm, chứ không làm lặt vặt từng dự án nhỏ lẻ. “Chúng ta phải làm lớn, phải có tư tưởng xoay chuyển tình thế, chuyển trạng thái chứ không làm nhỏ lẻ, lặt vặt, mất thời gian làm thủ tục” - Thủ tướng khẳng định và đề nghị các bộ, ngành phối hợp với TP.HCM để thực hiện các vấn đề ở tầm cao hơn, bao quát và bao trùm.

Nghị quyết 98/2023 được thông qua và ban hành tại kỳ họp thứ năm của Quốc hội khóa XV, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8. Nghị quyết gồm 44 cơ chế, chính sách trong bảy lĩnh vực, được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp tại TP.HCM.

BCĐ Nghị quyết 98 được thành lập ngày 15-7 và do Thủ tướng giữ vai trò trưởng ban; phó trưởng ban thường trực là Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên; phó trưởng ban là Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Liên quan đến xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ, Thủ tướng cho rằng quan trọng nhất vẫn là bảo vệ rừng ngập mặn, giữ gìn những gì thiên nhiên ban tặng, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của TP.HCM.

Theo Thủ tướng, về kỹ thuật, có thể làm đường trên cao, thậm chí có thể làm tàu điện ngầm từ đây ra Cần Giờ. “Chi phí có thể cao hơn nhưng đổi lại sẽ giữ được rừng nguyên sinh mà vẫn khai thác được tiềm năng, thế mạnh của Cần Giờ” - Thủ tướng nói và đề nghị các bộ, ngành khẩn trương thực hiện, việc đánh giá tác động môi trường phải hoàn thành vào quý I-2024.

Về sông Sài Gòn, Thủ tướng đánh giá đây là tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng, cần đưa vào quy hoạch. Ông gợi ý có thể lấy sông Sài Gòn làm trục chính, giống như Hà Nội lấy sông Hồng làm trục chính, lấy hồ Tây làm trung tâm để tạo nên tính liên vùng…

Về tín chỉ carbon, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cùng TP.HCM làm ngay sàn giao dịch tín chỉ carbon, công khai, minh bạch, phát triển bền vững, vừa làm vừa điều chỉnh. “Sao mình không chủ động mà phải xem họ làm như thế nào. Có cái học họ nhưng có cái đủ điều kiện thì mình làm ngay” - Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định việc phân cấp, phân quyền được thực hiện trên cả nước nhưng TP.HCM được “cao hơn”. Lý do, theo ông, bởi một phường của TP.HCM bằng một huyện trên cả nước, một huyện của TP.HCM bằng một tỉnh của cả nước nên phải được cơ chế đặc thù. Thủ tướng khẳng định giải quyết thủ tục hành chính phải căn cứ vào đặc thù về lãnh thổ, diện tích ít nhưng dân cư đông.

“Phân cấp càng mạnh càng tốt trên tinh thần phân cấp tối đa, cắt giảm thủ tục hành chính nhiều nhất có thể để TP.HCM vận hành thông suốt, đỡ chi phí cho người dân, doanh nghiệp” - Thủ tướng nói.

Vận dụng những gì thông thoáng nhất

Trước những khó khăn, vướng mắc mà các bộ, ngành gặp phải trong quá trình triển khai Nghị quyết 98, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đã gọi là cơ chế đặc thù thì phải vận dụng những gì thông thoáng nhất để làm.

Theo Thủ tướng, quy định đã chồng chéo mà cứ đợi thống nhất với nhau thì còn gì là đặc thù. Hiện nay không có văn bản nào có thể phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống, khi xây dựng văn bản có khi không nghĩ hết, rà soát hết được. Do đó tinh thần của đặc thù là cho chủ trương nhưng không phủ hết được góc cạnh cuộc sống thì vận dụng những gì thông thoáng nhất để làm, sau đó tăng cường giám sát, kiểm tra, tránh để tham nhũng, tiêu cực về chính sách.

“Bây giờ nghe anh em nói vướng đủ thứ trên đời, cuối cùng ban hành văn bản không vướng gì cả thì cuối cùng chẳng làm được cái gì. Các đồng chí khi làm văn bản thấy không thông thì báo cáo phó thủ tướng phụ trách, nếu không thông được nữa thì báo cáo Thủ tướng” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng đặt vấn đề vướng chỗ nào, vướng thì ai tháo gỡ, không thể cứ đi hỏi một người đến 10 lần vì câu trả lời vẫn như thế. Phải có người làm trọng tài mà ở đây là bộ trưởng hoặc phó thủ tướng.

“Đặc thù là để tháo gỡ, tức là phải có đầu ra, chứ tháo gỡ mà tiếp tục thắt nút lại tháo gỡ làm gì” - Thủ tướng nhìn nhận và đề nghị khi có vướng mắc, khó khăn thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết. Từ đó, cố gắng ban hành các quy định có liên quan trong tháng 12 này nhưng ban hành xong phải làm được. “Nếu ban hành xong vẫn vướng mắc, không làm được thì ban hành làm gì cho mất thời gian” - Thủ tướng nói thêm.

Cũng theo Thủ tướng, Quốc hội ban hành nghị quyết khi có vấn đề thực tiễn vượt quá luật, có những vấn đề luật chưa tiếp cận thực tiễn nên ban hành nghị quyết để điều chỉnh ngay vấn đề này. Do đó, cần làm sao vận dụng tốt nhất có thể Nghị quyết 98.

**********

TP.HCM đã triển khai thực hiện nghị quyết 98 một cách nhanh nhất

. TP.HCM kiến nghị bổ sung một phó chủ tịch phụ trách Nghị quyết 98

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết qua 125 ngày triển khai thực hiện Nghị quyết 98, TP.HCM đã triển khai nhanh nhất, hiệu quả và cụ thể nhất.

Thời gian qua, Thành ủy TP.HCM đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, thành lập BCĐ, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện phần việc được giao. Đồng thời quán triệt trong toàn hệ thống chính trị, trong nhân dân tinh thần để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Bí thư Nguyễn Văn Nên tiếp tục khẳng định việc thành lập BCĐ triển khai thực hiện Nghị quyết 98 có tính cách mạng rất cao, mới và chưa từng có. Ông cho biết có những việc vướng ngay ở các bộ, ngành, nếu chỉ TP.HCM làm thì sẽ mất thời gian rất nhiều để thực hiện theo tinh thần nghị quyết giao. Chẳng hạn những đề nghị vượt tầm TP.HCM mang tính chất liên vùng, phối hợp, như dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hay phát triển dòng sông Sài Gòn…

Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên kiến nghị cho TP.HCM tăng một phó chủ tịch phụ trách chuyên sâu về Nghị quyết 98. Ảnh: HÀ THƯ

Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên kiến nghị cho TP.HCM tăng một phó chủ tịch phụ trách chuyên sâu về Nghị quyết 98. Ảnh: HÀ THƯ

Bí thư TP.HCM cũng đề nghị nhanh chóng ban hành quy chế BCĐ, trong đó các thành viên phải làm việc theo tinh thần là thành viên BCĐ chứ không phải là một thứ trưởng bộ, ngành. Ông cho rằng nếu làm đúng theo tinh thần, trách nhiệm mà BCĐ phân công thì công việc sẽ nhanh hơn, không phải lệ thuộc.

Để giải quyết các vướng mắc, khó khăn nhanh hơn, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị cần thiết có thể thành lập các BCĐ, tổ công tác, đồng thời trong quy chế hoạt động phải đi sâu vào vai trò, trách nhiệm của từng thành viên BCĐ.

Ông Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng trọng tâm của việc thực hiện Nghị quyết 98 là vấn đề về nhân sự. “Đối với TP.HCM, xin Thủ tướng với tư cách trưởng BCĐ, nếu thống nhất, TP.HCM đề nghị xin thêm một phó chủ tịch UBND TP chuyên sâu để chỉ đạo, theo dõi công việc của BCĐ” - Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

Chia sẻ thêm, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói hiện nay bộ máy chính quyền hiện hữu, phần cứng của TP.HCM là quá sức nên việc tập trung, tham mưu phối hợp với các bộ, ngành cũng có những khó khăn. “Nếu được Thủ tướng đồng ý, chúng tôi sẽ báo cáo xin Thường trực Ban Bí thư” - ông nói thêm.

Chủ tịch UBND TP.HCM PHAN VĂN MÃI:

Sẽ cụ thể hóa Nghị quyết 98 trong năm 2023

Để thực hiện Nghị quyết 98, HĐND TP.HCM đã tổ chức ba kỳ họp, thông qua 14 nghị quyết cụ thể hóa, còn lại 12 nội dung theo thẩm quyền HĐND TP sẽ được thông qua vào kỳ họp HĐND TP cuối năm, dự kiến vào tháng 12-2023. UBND TP.HCM đã hoàn thành 4/25 nội dung, cho ý kiến 15/25 nội dung, còn lại sẽ tập trung hoàn thành trước ngày 31-12.

p23-chu-tich-phan-van-mai-7690-5438.jpg

TP.HCM cũng lập các tổ công tác về Đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, nghiên cứu mô hình TOD, xây dựng Đề án phát triển đường sắt đô thị đến năm 2035…

Sau bốn tháng thực hiện Nghị quyết 98, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 850 và các bộ, ngành đã chỉ đạo quyết liệt, TP.HCM cũng chủ động triển khai sớm, nhờ vậy đã đạt được khối lượng công việc rất lớn.

Tuy nhiên, một số nhiệm vụ thể chế hóa còn chậm, một số nội dung mới chưa có khung pháp lý cần sự phối hợp của các bộ, ngành Trung ương và TP.HCM; khối lượng công việc cần thực hiện quá tải so với tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ TP.HCM.

TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm hoàn thiện để trình Quốc hội Đề án Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM vào kỳ họp giữa năm 2024. Bộ KH&ĐT sớm có hướng dẫn cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư chiến lược, chính sách ưu đãi đầu tư giai đoạn mới để áp dụng ngay trong thực hiện cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ để có thể chỉ định nhà đầu tư chiến lược thay cho đấu thầu…

...............

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG:

Cần cơ chế vay vốn để làm metro

Các cơ quan phải quan tâm, nghiên cứu sớm mô hình TOD để phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng đô thị, metro. Vừa qua, TP.HCM làm metro quá chậm, 15 năm chỉ làm được hơn một tuyến, hiện chưa đưa vào khai thác được, trong khi đó còn đến bảy tuyến khác nữa.

p23-nguyen-chi-dung-9805-8051.jpg

Nếu làm cà tàng như thế này thì hàng trăm năm nữa cũng không xong. Do đó, cần nghiên cứu các cơ chế cho TP vay vốn, tự vay, tự quản, tự trả. Bởi nếu khai thác được không gian ngầm và cả không gian trên mặt đất thì đây sẽ là nguồn lực to lớn.

TP.HCM cũng cần giải quyết các vấn đề về tắc nghẽn giao thông, chống ngập, có thể đưa các hoạt động xuống không gian ngầm để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, TP cần táo bạo hơn, quyết liệt hơn và các bộ, ngành sẽ cùng TP xây dựng các cơ chế, chính sách triển khai thực hiện Nghị quyết 98.

Đọc thêm